Cái kết có hậu

Đảng của Thủ tướng Abe thắng lớn - Cái kết có hậu

LDP chiến thắng tại bầu cử Thượng viện với đa số quá bán 135 ghế và “đặt dấu chấm hết” cho tình trạng chia rẽ tại quốc hội Nhật.
Cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản hôm 21/7 đã khép lại với phần thắng thuộc về liên minh cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe khi đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đối tác trong liên minh đảng Công minh Mới (NKP) giành được 76 ghế trên tổng số 121 ghế được đưa ra bầu lại lần này.

Như vậy, cộng với 59 ghế chưa phải bầu lại, liên minh do LDP đứng đầu nắm trong tay đa số quá bán 135 ghế và chính thức “đặt dấu chấm hết” cho tình trạng chia rẽ tại quốc hội Nhật Bản kéo dài gần bảy năm qua.

Chiến thắng này là một “cái kết có hậu” đối với cả LDP và cá nhân Thủ tướng Abe khi ông chính là vị thủ tướng đầu tiên phải ra đi hồi năm 2007 sau khi liên minh cầm quyền hứng chịu thất bại cay đắng trong cuộc bầu cử Thượng viện năm đó, mở đầu cho một chu kỳ bất ổn kéo dài trên chính trường Nhật Bản mà ở đó, thế đối đầu giằng co giữa các chính đảng khiến nhiều vị lãnh đạo kế nhiệm phải ngậm ngùi rời nhiệm sở.

Thành công từ Abenomics

Rõ ràng, chiến thắng này sẽ mở đường cho một chính phủ ổn định đầu tiên của Nhật Bản kể từ khi Thủ tướng Junichiro Koizumi ra đi năm 2006, giúp Nội các của ông Abe có đủ thời gian và sức mạnh để thực hiện hàng loạt các quyết sách táo bạo trong thời gian tới.

Bên cạnh ý nghĩa chính trị, chiến thắng không chỉ phản ánh tín nhiệm cao của cử tri dành cho các chính sách kinh tế mang tên Abenomics nhằm giúp Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài gần hai thập kỷ mà còn là đòn bẩy quan trọng giúp Thủ tướng Abe đẩy nhanh chương trình cải tổ kinh tế.

[Bầu cử Nhật Bản: Đảng của Thủ tướng Abe thắng lớn]


Rõ ràng, tính đến thời điểm này, Abenomics đã thu được những thành quả nhất định khi hai mũi tên đầu trong “chiến lược ba mũi tên” của ông Abe, bao gồm việc Ngân hàng Nhật Bản nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ và tăng mạnh chi tiêu cho lĩnh vực công, đã phát huy tác dụng.

Sách Trắng kinh tế và tài chính tài khoá 2013 của Văn phòng Nội các công bố ngày 23/7 cho biết từ đầu năm 2013, kinh tế Nhật Bản đang trên đà thoát khỏi gần hai thập kỷ giảm phát và bắt đầu xuất hiện “những dấu hiệu khởi sắc." Đặc biệt, lần đầu tiên trong 10 tháng qua, cụm từ “phục hồi” được nhắc đến trong báo cáo kinh tế của Chính phủ Nhật Bản.

Abenomics cũng là lý do giúp liên minh cầm quyền vượt qua cuộc bầu cử Hội đồng thành phố Tokyo và bầu cử Thượng viện Nhật Bản, mang lại thành công vang dội cho LDP và Thủ tướng Abe. Điều này khiến giới quan sát tin tưởng hơn vào một nghị trình nhất quán của chính quyền Abe trước và sau bầu cử, theo đó Tokyo sẽ đặt trọng tâm vào sứ mệnh phục hồi kinh tế.

Phát biểu tại phiên họp ngắn của LDP sau bầu cử, Thủ tướng Abe khẳng định: “Một nền kinh tế mạnh là thứ cần thiết cho sức mạnh quốc gia. Không có nó, chúng ta sẽ chẳng thể nào có được quyền lực ngoại giao mạnh mẽ và cải thiện an sinh xã hội." Với việc khẳng định tiếp tục dành ưu tiên cho các chính sách Abenomics và phục hồi kinh tế, ông Abe đã xua tan những đồn đoán về khả năng chuyển hướng sang nghị trình bảo thủ của LDP.

Không ít thách thức

Tuy nhiên, con đường trước mắt của ông Abe không hoàn toàn là màu hồng. Nội các của ông sẽ phải đương đầu với những thách thức không nhỏ trong tương lai gần như vấn đề tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân, lộ trình tăng thuế tiêu dùng, vấn đề sửa đổi hiến pháp và việc tham gia đàm phán thương mại tự do Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trong bối cảnh đa số dư luận còn tỏ ra e dè với việc tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân vốn là biện pháp duy nhất hiện nay nhằm giải quyết vấn đề an ninh năng lượng kể từ sau sự cố nghiêm trọng tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, Chính phủ Nhật Bản vẫn chưa đưa ra được một chiến lược cụ thể cho vấn đề năng lượng của nước Nhật trong tương lai. Trọng trách này ắt hẳn sẽ còn đè nặng lên đôi vai của ông Abe trong thời gian tới.

Về vấn đề đàm phán TPP, Nhật Bản đang vấp phải khó khăn giữa một bên là phải giành lợi thế khi gỡ bỏ hàng rào thuế quan để thúc đẩy ngành công nghiệp xe hơi và các sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của nước này, trong khi vẫn phải đảm bảo quyền miễn trừ thuế suất bằng 0 đối với các sản phẩm nông nghiệp dễ bị tổn thương như gạo, lúa mỳ, thịt bò, thịt lợn, các sản phẩm sữa và đường trước “cơn lũ” nông sản giá trẻ từ các nước khác.

Tuy được đặt xuống hàng thứ yếu song mục tiêu sửa đổi Hiến pháp của chính quyền Abe vẫn là điều khiến dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm. Sau bầu cử Thượng viện, do không hội đủ tối đa 100 ghế trong số 121 ghế được bầu lại lần này, thế lực các nghị sỹ ủng hộ sửa đổi Hiến pháp thuộc ba đảng gồm LDP, SRP và YP sẽ không thể đạt được 2/3 số ghế (162 ghế) tại Thượng viện để xúc tiến việc sửa đổi Điều 96 bản Hiến pháp hòa bình, nhằm mở đường cho LDP thực hiện điều chỉnh nội dung trong hiến pháp. Theo đó, Nhật hoàng sẽ là nguyên thủ thay vì biểu tượng quốc gia như hiện nay; khẳng định rõ ràng quyền phòng vệ tập thể của Nhật Bản và mở rộng vai trò của Lực lượng phòng vệ như một đội quân chính quy.

Việc thay đổi cách hiểu về quyền phòng vệ tập thể được LDP đưa ra ngay từ những ngày đầu tranh cử Hạ viện hồi cuối năm ngoái. Theo đó, Nhật Bản sẽ có quyền can thiệp vũ trang trong trường hợp đồng minh của nước này bị bên thứ ba tấn công. Trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao Nhật-Hàn và Nhật-Trung xung quanh vấn đề chủ quyền đối với các quần đảo trên biển Nhật Bản và biển Hoa Đông cũng như tình hình trên bản đảo Triều Tiên diễn biến phức tạp, dường như giới quan sát ít có lý do tin rằng chính quyền Abe sẽ từ bỏ hoàn toàn mục tiêu này.

Bỏ lại sau lưng một quốc hội chia rẽ sau khi từ chức năm 2007, sáu năm sau, ông Abe lại chính là người gỡ cái “nút thắt” quan trọng ấy cho chính trị Nhật Bản. Sau “cái kết có hậu” trong câu chuyện của ông Abe, giờ đây, Nội các của vị thủ tướng có nhiều duyên nợ với nước Nhật này sẽ có đủ ba năm để làm tròn sứ mệnh mà người dân Nhật Bản giao phó cũng như hoàn thành tâm nguyện của riêng ông sau ngần ấy năm lỗi hẹn./.

Hữu Thắng/Tokyo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục