Đằng sau cách hành xử mới của Trung Quốc với châu Âu

Trang mạng politico.com đưa tin, trong cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp cấp COVID-19, châu Âu đã trở thành một chiến địa không ngờ của một cuộc chiến tuyên truyền từ Trung Quốc.
Trong ảnh: Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Rome, Italy ngày 20/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trong ảnh: Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Rome, Italy ngày 20/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng politico.com đưa tin, trong cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus SARS-CoV-2 (gọi tắt là dịch COVID-19), châu Âu đã trở thành một chiến địa không ngờ của một mối đe dọa khác - một cuộc chiến tuyên truyền.

Bắc Kinh vừa tích cực “nhào nặn” các thông tin về dịch bệnh, vừa đẩy mạnh nỗ lực gây ảnh hưởng đến cách châu Âu suy nghĩ và nói về Trung Quốc cũng như đại dịch theo những cách gây hoang mang cho giới hoạch định chính sách của khối.

Dĩ nhiên, các chiến lược hăm dọa không phải là mới trong "bộ công cụ" chính sách ngoại giao của Trung Quốc.

Các nước láng giềng của Trung Quốc đặc biệt hiểu rõ điều này, và ngay cả ở châu Âu, Bắc Kinh cũng có “thành tích” trong việc lựa chọn các nhà nước nhỏ ở châu Âu để chứng tỏ một quan điểm.

Na Uy bị Trung Quốc “đóng băng” ngoại giao trong nhiều năm sau khi Ủy ban Nobel trao giải thưởng Nobel Hòa bình cho Lưu Hiểu Ba; Thụy Điển đang công khai chỉ trích một đại sứ Trung Quốc; còn Estonia đang chịu sức ép rất lớn phải sửa đổi một báo cáo tình báo, trong đó ra cảnh báo về sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Xét ở một khía cạnh nào đó, châu Âu không phải là một mục tiêu khả thi. Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch bắt đầu, Bắc Kinh đã tăng cường những nỗ lực với những lựa chọn về quy mô và thời điểm mới.

Các nhà ngoại giao Trung Quốc đã lan truyền các tuyên bố cho rằng nguồn gốc của virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) là từ Italy, đồng thời cố gắng thúc ép các nhà hoạch định chính sách Đức hoan nghênh cách xử lý khủng hoảng của Trung Quốc.

Tại Pháp, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã chế giễu năng lực của các nền dân chủ tự do trong ứng phó với tình trạng khẩn cấp.

Nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gây áp lực buộc Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu xoa dịu một báo cáo liệt kê các hành động gây ảnh hưởng của Trung Quốc là một động thái mới nhất, nhưng chắc chắn không phải là cuối cùng, trong chuỗi các động thái công kích của nước này nhằm vào Liên minh châu Âu (EU).

Đằng sau cách hành xử mới của Trung Quốc với châu Âu ảnh 1Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Vũ Hán, Trung Quốc ngày 14/5/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, xét trên phương diện nào đó, châu Âu không phải một mục tiêu khả thi. Khác với Mỹ, các lãnh đạo châu Âu không đổ lỗi cho Bắc Kinh vì cách xử lý cuộc khủng hoảng y tế khẩn cấp trong giai đoạn đầu dịch bùng phát.

Họ trước sau vẫn rất thận trọng với hầu hết các vấn đề gây tranh cãi nhất để duy trì sự hợp tác trong vấn đề biến đổi khí hậu và chủ nghĩa đa phương, và cũng để tránh những gián đoạn tai hại trong mối quan hệ kinh tế.

[Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc họp bàn trước nguy cơ làn sóng thứ 2]

Và một lần nữa, thay vì tận dụng một cách chiến lược quan điểm hợp tác của châu Âu, chiến dịch hung hăng, vụng về và đôi khi còn vô cùng phi lý của Bắc Kinh nhằm dập tắt bất cứ mầm mống nào của mọi sự chỉ trích đã khiến giới hoạch định chính sách từ Paris cho tới La Haye, Brussels hay Berlin đều nổi giận.

Vậy tại sao Bắc Kinh lại làm như vậy? Mặc dù khó có thể tìm ra những lý do cụ thể đằng sau quyết sách này của Trung Quốc, song có ít ra cũng phải kể đến ba khả năng dưới đây:

Hoảng loạn

Đầu tiên, Bắc Kinh đang hành động với một tâm lý hoảng loạn. Giới lãnh đạo Trung Quốc đang đối mặt với những chỉ trích nghiêm trọng về cách xử lý đại dịch, và họ ngày càng lo ngại về những hậu quả ở trong nước và sự tác động kinh tế tiềm tàng có khả năng là sẽ rất lớn.

Trong chuỗi sự kiện này, cuộc khủng hoảng đã phơi bày hàng loạt thách thức mà Trung Quốc phải trải qua dưới bức màn tăng trưởng kinh tế trong nhiều thập kỷ qua, một số trong đó là sự độc tài thái quá, sự bất bình đẳng kinh tế, nợ cục bộ, và những thiếu hụt trong hệ thống xã hội và chăm sóc y tế…

Giận dữ

Khả năng thứ hai là giới lãnh đạo Trung Quốc đang tức giận - đặc biệt là về cách Mỹ đang cố gắng đổ lỗi cho Bắc Kinh vì đã để con virus này phát tán, trong khi Washington cũng đang che đậy sự thiếu năng lực của mình trong công tác chuẩn bị để ứng phó với đại dịch và xử lý hậu quả.

Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đã vượt xa một cuộc chiến thương mại ban đầu để bước vào địa hạt của một sự đối đầu mang tính hệ thống.

Giới lãnh đạo Trung Quốc lo ngại rằng Washington đang tìm cách lợi dụng thời điểm khó khăn, và có thể đã quyết định chủ động tấn công Mỹ và các đồng minh của nước này trước.

Trong kịch bản này, châu Âu ở một mức độ nào đó trở thành bên bị tổn hại trong một cuộc đấu tranh lớn hơn giữa hai siêu cường toàn cầu - một cuộc đấu mà châu Âu sẽ không giữ thái độ trung lập, và sẽ đứng về phía Washington, như điều mà Bắc Kinh cũng đã nhận ra.

Toan tính

Khả năng thứ ba là Bắc Kinh chỉ đơn giản đang có một toan tính đầy rủi ro. Sự thay đổi sang thế tấn công của Trung Quốc diễn ra vào thời điểm châu Âu đang rất yếu.

Như vậy, đây là một bước đi chiến lược và có tính toán của Bắc Kinh nhằm ép châu Âu phải thuận theo mình, trong bối cảnh giữa các quốc gia EU có quá nhiều căng thẳng mà lại quá ít đoàn kết.

Điều này có thể lý giải cho những nỗ lực ban đầu của Bắc Kinh nhằm "ghi điểm" với các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì SARS-CoV-2 - chẳng hạn như Italy - bằng cách gửi khẩu trang và các dụng cụ y tế khác, để chứng minh những lợi ích của một mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc.

Chiến lược này dựa trên một giả thuyết rằng thời gian sẽ thay đổi tất cả, và rằng châu Âu cần Trung Quốc hơn là Trung Quốc cần châu Âu - đặc biệt là trong giai đoạn phục hồi kinh tế hậu khủng hoảng.

Lập trường cứng rắn của châu Âu với Trung Quốc trong hai năm vừa qua, vốn chứng kiến việc EU gắn mác “đối thủ có hệ thống” cho Trung Quốc, đã không được Bắc Kinh để tâm.

Nhưng hiện nay, giới lãnh đạo Trung Quốc có thể đã nhìn thấy một cơ hội để thay đổi chiến lược. Nếu châu Âu nhượng bộ, Trung Quốc sẽ tiếp tục chiến lược của mình như mọi khi.

Trên tất cả, câu trả lời hợp lý nhất chính là những động cơ này - một sự tập trung vào dư luận trong nước, một sự hoảng loạn nhẹ, một chút giận dữ và một mong muốn tận dụng thời cơ chiến lược - đang giải thích cho cách tiếp cận hiện nay của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, không rõ đây có phải là một chiến thuật công kích tạm thời và sẽ mờ nhạt khi đại dịch yếu dần, hay là một chương trong một “thực trạng mới” đang chờ đón châu Âu trong tương lai.

Trong ngắn hạn, những người châu Âu - vốn đã rung lên hồi chuông cảnh báo về Trung Quốc từ trước cuộc khủng hoảng này - đang có thêm động lực để theo đuổi một chủ trương mang tính đối đầu.

Thêm vào đó, những lời kêu gọi giảm bớt sự phụ thuộc của EU vào Trung Quốc và đa dạng hóa nền kinh tế cũng đang ngày càng lớn mạnh.

Nhìn chung, mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và châu Âu vẫn rất mạnh mẽ. Một vài bước "sảy chân" trong vấn đề ngoại giao không thể hoàn toàn làm chệch hướng được mối quan hệ này.

Tuy nhiên, nếu những tuần vừa qua là một dấu hiệu của một sự thay đổi sang một chiến lược áp bức thường trực, những quan điểm chống Trung Quốc ở châu Âu sẽ càng lan rộng hơn.

Cuối cùng, Bắc Kinh có lẽ đã nhận ra mình phạm phải một sai lầm chiến lược lớn: Mất châu Âu để đổi lấy chiến thắng trong một cuộc chiến tuyên truyền sẽ là một cái giá quá lớn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục