Đằng sau lời hiệu triệu 'Vạn Lý Trường Chinh mới' của ông Tập Cận Bình

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng "chúng ta hiện đang ở trong một cuộc Vạn Lý Trường Chinh mới," trong bối cảnh cuộc chiến thương mại leo thang với Mỹ.
Đằng sau lời hiệu triệu 'Vạn Lý Trường Chinh mới' của ông Tập Cận Bình ảnh 1Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Báo chí và các phương tiện truyền thông của Trung Quốc ngày 23/5 đưa tin trong chuyến thị sát tuần này tới tỉnh Giang Tây, miền Đông Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh rằng "chúng ta hiện đang ở trong một cuộc Vạn Lý Trường Chinh mới," đồng thời cổ vũ nhân dân tập hợp sức mạnh từ tinh thần của cuộc Vạn Lý Trường Chinh này để vượt qua những khó khăn và trở ngại.

Các phương tiện truyền thông chính thống như Nhân dân Nhật báo, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) và Tân Hoa xã đều đưa tin về chuyến thị sát tỉnh Giang Tây từ ngày 20-22/5 và nêu bật những bình luận của ông Tập về cuộc Vạn Lý Trường Chinh mới này.

Giới chuyên gia cho rằng việc đề cập đến cuộc hành quân mang tính lịch sử trên trong bối cảnh cuộc chiến thương mại leo thang với Mỹ đã cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn nhắc nhở người dân nước này rằng: Đảng đã từng trải qua những tình huống khó khăn tồi tệ hơn nhiều, Đảng có kinh nghiệm chiến đấu trường kỳ, và sự tiến bộ trong công cuộc chấn hưng dân tộc Trung Quốc vĩ đại sẽ không bị ngăn chặn.

[Nhân viên Huawei lo lắng trước lệnh trừng phạt của Mỹ]

Theo Thời báo Hoàn Cầu, đến huyện Vu Đô ở Giang Tây, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tới nơi tưởng niệm đánh dấu xuất phát điểm của cuộc Vạn Lý Trường Chinh của Hồng quân công nông và thăm các gia đình của các cựu chiến binh Hồng quân.

Cuộc Vạn Lý Trường Chinh này (1934-1936) là một chiến dịch quân sự khổng lồ do Hồng quân, tiền thân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), tiến hành để rút khỏi các căn cứ cách mạng ở miền Nam Trung Quốc và thoát khỏi sự bao vây và truy đuổi của Quốc dân đảng.

Nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã trong “Vạn Lý Trường Chinh mới,” ông Tập Cận Bình khẳng định rằng đất nước sẽ phụ thuộc vào niềm tin vững chắc và ý chí mạnh mẽ của toàn Đảng và toàn dân để vượt qua những thách thức lớn trong và ngoài nước cũng như giành được những thắng lợi mới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.

Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình cho rằng Trung Quốc cần phải nhận thức rõ ràng về sự trường kỳ, bản chất phức tạp của các yếu tố không thuận lợi trong nước và quốc tế cũng như phòng bị tốt trước mọi hoàn cảnh khó khăn, đồng thời khẳng định thêm rằng điều quan trọng nhất đối với Trung Quốc hiện nay là cần thực thi tốt công việc của mình.

Trả lời phỏng vấn Thời báo Hoàn Cầu, nhà nghiên cứu thuộc Viện Trung Quốc của Đại học Phúc Đán (Thượng Hải) Tống Lỗ Trịnh cho rằng: "Cuộc Vạn Lý Trường Chinh lần này có ít nhất ba đặc điểm: Kẻ thù mạnh hơn chúng ta rất nhiều. Quá trình rất dài và khó khăn. Thông qua cuộc Vạn Lý Trường Chinh này, chúng ta đã giành được sự ủng hộ trên toàn quốc và giành được thắng lợi sau cùng."

Theo nhà nghiên cứu Tống Lỗ Trịnh, cuộc chiến thương mại với Mỹ và cuộc Vạn Lý Trường Chinh có một số điểm tương đồng, song việc vượt qua những áp lực và khó khăn do cuộc chiến thương mại từ phía Mỹ khơi mào không phải là mục tiêu cuối cùng dành cho cuộc Vạn Lý Trường Chinh mới này.

Ông khẳng định: "Đó chỉ là một trở ngại khác trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh."

Còn giáo sư Tô Vĩ thuộc Trường Đảng ở Thành phố Trùng Khánh cho rằng “Mục tiêu cuối cùng có thể là việc chấn hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại vào giữa thế kỷ này."

Trên trang hai của Nhân dân Nhật báo, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng người Trung Quốc nên đưa ra cam kết cho 70 năm tới trong năm 2019 - năm kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Ông nói: “Trong 70 năm tới, chìa khóa là 30 năm tiếp theo," vì đây là thời kỳ để Trung Quốc hiện thực hóa các mục tiêu thiết lập một xã hội khá giả và hiện thực hóa công cuộc chấn hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại.

Theo ông, giống như Hồng quân trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh, "miễn là chúng ta giữ vững lý tưởng và niềm tin và quyết tâm cách mạng mạnh mẽ, chúng ta có thể vượt qua từng chướng ngại vật. Những cái bẫy, sự bao vây, truy đuổi và phong tỏa sẽ bị chúng ta bỏ lại phía sau."

Giáo sư Tô Vĩ phân tích rằng việc bàn về "những cái bẫy, sự bao vây, truy đuổi và phong tỏa” đã khiến mọi người nghĩ tới những gì Mỹ đã gây ra cho các công ty Trung Quốc như tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei.

"Có vẻ như Chủ tịch Tập Cận Bình đang khuyến khích những công ty chịu áp lực từ Mỹ," vị giáo sư này nhận định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục