Đằng sau phản ứng hời hợt của cộng đồng quốc tế về tình hình Belarus

Nhiều quốc gia cũng đã có phản hồi về bối cảnh tại Belarus, song cho đến nay vẫn chưa bên nào có các biện pháp thật sự quyết đoán. Và đằng sau đó là rất nhiều nguyên do phức tạp.
Đằng sau phản ứng hời hợt của cộng đồng quốc tế về tình hình Belarus ảnh 1Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới. (Nguồn: euronews.com)

Theo trang mạng foxnews/bloomberg/axios.com/theconversation.com, bất chấp việc người biểu tình tiếp tục tràn xuống các đường phố ở thủ đô Minks của Belarus và cộng đồng quốc tế kêu gọi Tổng thống Alexander Lukashenko chấm dứt 26 năm cầm quyền, nhà lãnh đạo này vẫn tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ 6 trong một buổi lễ được tổ chức bí mật ngày 23/9.

Những sự kiện này diễn ra 6 tuần sau khi Lukashenko tuyên bố chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử, động thái ngay lập tức làm bùng lên các cuộc biểu tình phản đối rầm rộ và cáo buộc từ nhiều chính phủ nước ngoài về những gian lận trong quá trình bỏ phiếu.

Thông thường, lễ tuyên thệ của tổng thống sẽ luôn là sự kiện trọng đại và hoành tráng, song trong bối cảnh đầy tranh cãi và các cuộc biểu tình như hiện nay, lễ tuyên thệ của Lukashenko diễn ra thầm lặng và được thông báo chỉ vài giờ trước thời điểm tổ chức.

“Nhà độc tài cuối cùng của châu Âu” tuyên bố rằng ngày 23/9 - ngày ông tuyên thệ - là ngày đánh dấu “chiến thắng chung, một chiến thắng thuyết phục và quan trọng”. Ông khẳng định: “Tôi không thể và không có quyền từ bỏ người dân Belarus.”

Sự bất bình của phe đối lập - những người đã tiến hành các cuộc biểu tình kéo dài suốt nhiều tuần qua với yêu sách về các cuộc bầu cử dân chủ và minh bạch - càng gia tăng sau các tuyên bố của Lukashenko.

Những người biểu tình đã mang lá cờ hai màu trắng-đỏ của phe đối lập tới bên ngoài nhiều trường đại học để gây áp lực buộc nhà cầm quyền lâu năm từ chức.

Rào cản đối với các cơ quan quốc tế

Tuần trước, Liên hợp quốc đã nhất trí tăng cường các báo cáo về tình trạng lạm dụng nhân quyền tại Belarus khi nhà điều tra nhân quyền Anais Marin cho biết hơn 10.000 người đã bị “bắt giam” từ sau các cuộc bầu cử, trong khi hơn 500 người khác bị tra tấn và hàng nghìn người “bị đánh đập dã man.”

Ngày 18/9 vừa qua, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết, hướng dẫn Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền gia tăng giám sát tình hình Belarus.

[Belarus: Tổng thống A. Lukashenko tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới]

Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế đã quá chậm trễ trong phản ứng về các sự kiện tại quốc gia này, một thực tế phản ánh những tồn tại cố hữu về hiệu quả hoạt động của các cơ chế nhân quyền quốc tế. Theo The Conversation, có 2 lý do chính cản trở sự nhạy bén của cộng đồng quốc tế trước các vụ xâm phạm nhân quyền:

Trước hết, các cơ quan quốc tế đều phải chờ sự đồng thuận của các chính quyền sở tại, hay nói cách khác là chính các chính quyền bị cáo buộc vi phạm nhân quyền, để đưa thanh sát viên tới.

Điều này hiếm khi xảy ra trong các cuộc khủng hoảng, và thậm chí khi các thanh sát viên được cấp phép để nhập cảnh những quốc gia này, họ cũng có thể nhanh chóng bị trục xuất, tùy thuộc ý chí của chính quyền sở tại.

Lấy một ví dụ tiêu biểu, năm 2010, sau khi Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) chỉ trích kết quả của cuộc bầu cử trước đó tại Belarus, văn phòng OSCE tại quốc gia này đã phải đóng cửa.

Giữa tháng 9 vừa qua, khoảng hơn 1 tháng sau cuộc bầu cử đầy tranh cãi, OSCE đã thành lập một phái đoàn chuyên gia để thanh sát tình hình và vấn đề nhân quyền tại Belarus, song có rất ít khả năng chính quyền Minsk sẽ hợp tác với phái đoàn này.

Thứ hai, các thực tế chính trị khiến đồng thuận luôn là điều gì đó khó khăn. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có thể dùng vũ lực để ngăn chặn các hành vi xâm phạm nhân quyền tồi tệ nhất, song chỉ khi 5 thành viên thường trực là Nga, Trung Quốc, Pháp, Mỹ và Anh cùng đồng thuận.

Trong trường hợp của Belarus, điều này trên thực tế là bất khả thi. Chính quyền Nga và Trung Quốc được xem như đồng minh của Lukashenko và vì vậy rất dễ phủ quyết mọi đề xuất trừng phạt hay hành động quân sự nhằm bảo vệ nhân quyền tại quốc gia này.

Tình hình ở Belarus cũng đã được đưa ra thảo luận tại Hội đồng Bảo an từ cuối tháng 8/2020, song đến nay chưa có bất kỳ nghị quyết nào được thông qua.

Lời nói chưa đi đôi với hành động

Nhiều quốc gia cũng đã có phản hồi về bối cảnh tại Belarus, song cho đến nay vẫn chưa bên nào có các biện pháp thật sự quyết đoán. Và đằng sau đó là rất nhiều nguyên do phức tạp.

Mỹ khẳng định không còn thừa nhận Lukashenko là tổng thống hợp pháp của Belarus. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: “Mỹ không xem Alexander Lukashenko là nhà lãnh đạo dân cử hợp pháp của Belarus.

Tiếp theo đây nên là một cuộc đối thoại toàn quốc để đảm bảo người dân Belarus có quyền lựa chọn các lãnh đạo của mình trong một cuộc bầu cử tự do và công bằng dưới sự giám sát của các bên độc lập.”

Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách đối ngoại Josep Borrell nói: “Chúng tôi đã nắm rõ tình hình. Chúng tôi xem cuộc bầu cử ngày 9/8 là không trung thực. Chúng tôi không coi Lukashenko là tổng thống hợp pháp của Belarus.”

Người phát ngôn chính phủ Đức cũng nhấn mạnh quan điểm trên và cho rằng “việc lễ tuyên thệ được chuẩn bị và tổ chức một cách bí mật, tránh khỏi công luận, rõ ràng đã nói lên rất cả.”

Trước cuộc bầu cử, mối quan hệ của Lukashenko với phương Tây đã có những cải thiện nhất định, phần lớn là do thái độ của ông ngày càng đối đầu với Moskva.

Mọi chuyện sau đó đã thay đổi khi Lukashenko liên tục ca ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin và đổi lại là nhận được những cam kết từ Nga về các viện trợ tài chính cũng như triển khai lực lượng an ninh tới Belarus trong trường hợp cần thiết.

Lukashenko đã đối mặt với làn sóng chỉ trích gay gắt trên khắp thế giới khi chỉ đạo giới chức an ninh trấn áp người biểu tình sau bầu cử. Tuy nhiên, Moskva đã hậu thuẫn nhà độc tài này và kết quả là nhiều người đã bị bắt giam mà không cần xét xử, hoặc thậm chí còn bị tra tấn.

Trên thực tế, các bình luận gay gắt từ Washington và Brussels chưa đi kèm với những động thái quan trọng. EU chưa thể thông qua đòn trừng phạt với giới chức Belarus do Cyprus, một trong những thành viên nhỏ nhất của khối, phản đối vì một lý do không liên quan.

Các nhà lãnh đạo châu Âu tuyên bố sẽ nêu vấn đề một lần nữa trong khi ông Borrell cảnh báo “đây là phép thử cho uy tín” của EU. Mọi quyết định của EU về các chính sách đối ngoại đều cần sự đồng thuận tuyệt đối của các nước thành viên.

Câu hỏi đặt ra là liệu có phải chính phủ Nicosia không hề bất bình với những đàn áp mà nhà lãnh đạo độc tài Lukashenko nhằm vào người biểu tình hòa bình? Cyprus tất nhiên không đồng tình với chính quyền Minsk, song điều mà họ lo ngại hơn cả là nguy cơ leo thang căng thẳng mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đặt ra.

Cộng đồng người Hy Lạp tại Cyprus vẫn luôn có những khúc mắc với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia từng xâm lược hòn đảo này vào năm 1974, và thậm chí còn giúp thành lập một nhà nước cộng hòa của người Thổ tại phía Bắc, chính quyền hiện chỉ có Ankara thừa nhận.

Các mỏ khí đốt được phát hiện tại Địa Trung Hải càng khiến mâu thuẫn trầm trọng hơn bởi các thế lực liên quan đều muốn cạnh tranh giành giật biên giới biển và quyền khai thác tài nguyên.

Đức, đang giữ ghế Chủ tịch luân phiên EU, cùng một số nước thành viên khác không thực sự muốn vội vã áp đặt trừng phạt với chính quyền Erdogan. Họ muốn tìm kiếm thêm cơ hội thông qua đàm phán.

Nguyên nhân sâu xa chính là bởi EU và Thổ Nhĩ Kỳ đang thảo luận đồng thời về nhiều cuộc xung đột, trong đó có hướng xử lý vấn đề nhập cư - hồ sơ mà Tổng thống Erdogan luôn tìm cách tận dụng như một “con tốt” địa chính trị.

Với lý do này, Cyprus lo ngại rằng Đức và EU có thể chưa sẵn sàng cứng rắn hơn với Ankara, vì vậy Nicosia đã dùng quyền hạn duy nhất của mình là quyền phủ quyết để trì hoãn các đòn trừng phạt đối với Belarus cho tới khi EU gia tăng các biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ.

Rất dễ hiểu khi các nước thành viên có những lợi ích chính sách đối ngoại khác nhau, do vị trí địa lý, lịch sử, và thậm chí là bản sắc dân tộc (như trong trường hợp của Cyprus).

Xét cho cùng, Cyprus có thể “thắng” một vòng trong tuần này, song Ba Lan và Lithuania có thể lật ngược thế cờ bằng cách ngăn chặn các đòn trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ chừng nào Cyprus chưa hợp tác trong vấn đề liên quan đến Cyprus.

Pháp và Italy cũng có thể phủ quyết lợi ích của nhau trong hồ sơ Libya, nơi họ ở hai chiến tuyến đối địch trong cuộc nội chiến. Bloomberg cho rằng “sự điên rồ này cần chấm dứt…

Bỏ phiếu theo hình thức đa số thường sẽ không làm hài lòng tất cả các nước thành viên, song đó là cách duy nhất để EU có tiếng nói chung trong các vấn đề chính sách đối ngoại.

Trong một thế giới đầy rẫy những căng thẳng địa chính trị như hiện nay, châu Âu cần một tiếng nói mạnh mẽ và có ảnh hưởng."./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục