Đằng sau sự sụt giảm hiện nay của đồng USD

Bất chấp đồng USD giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tuần trước, nhiều nhà kinh tế cho rằng sự trượt dốc này chưa đến mức báo động. 
Bất chấp việc đồng USD giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tuần trước, nhiều nhà kinh tế cho rằng sự trượt dốc này chưa đến mức báo động. Tuy nhiên, nếu không được giải quyết, những sức ép kinh tế về lâu dài có thể khiến đồng bạc xanh này mất vai trò là đồng tiền dự trữ toàn cầu.

Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Alan Greenspan nói ông không "quá lo ngại" về sự sụt giảm gần đây của đồng USD, mặc dù nó kéo khả năng chi trả các khoản nợ giảm theo.

Các nhà kinh tế khác chỉ ra rằng bình thường ngân hàng trung ương các nước đầu tư gần 2/3 tài sản vào đồng USD, nhưng trong quý II/09 các ngân hàng này chỉ đầu tư 37%.

Một đồng USD yếu - hôm 15/10 giảm xuống gần mức thấp trong hơn một năm qua - đã đẩy giá dầu thô tăng lên mức cao nhất trong gần một năm qua là 77,58 USD/thùng và giá vàng tăng mạnh.

Trên trang blog cá nhân, nhà nghiên cứu Derek Scissors, hiện đang làm việc cho Trung tâm Nghiên cứu châu Âu thuộc Heritage Foundation có trụ sở tại Washington, nói rằng những cuộc tranh luận gần đây về sự giảm giá của đồng USD "to tiếng" hơn bình thường. Phần lớn sự sụt giảm này liên quan đến dự báo rằng các nước sản xuất dầu mỏ có thể định giá dầu mỏ bằng một rổ tiền tệ thay vì chỉ định giá bằng đồng USD như hiện nay.

Nếu đúng như vậy, các quốc gia này có lý do để thoái lui khỏi đồng USD. Bởi trên thực tế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã bơm quá nhiều đồng USD vào nền kinh tế, làm cho giá trị của đồng USD bị sụt giảm.

Hơn nữa trong dài hạn, việc chi tiêu ngân sách quá mức có thể làm trầm trọng thêm những vấn đề của đồng USD. Văn phòng Ngân sách Quốc hội hồi tuần trước cho hay mức thâm hụt ngân sách 1.400 tỷ USD của Mỹ năm 2009 có thể là mức lớn nhất kể từ năm 1945.

Tuy nhiên, vào thời điểm này, nhiều nhà kinh tế vẫn tỏ ra không lo ngại trước sự sụt giảm gần đây của đồng USD, cho rằng đồng tiền này chỉ giảm xuống mức trước khủng hoảng sau khi đã tăng tới 20% trong khoảng thời gian từ tháng 7/2008 đến tháng 9/2009.

Ben Carliner, Giám đốc bộ phận nghiên cứu của Viện Chiến lược Kinh tế có trụ sở tại Washington, cho hay sự giảm giá trị gần đây của đồng USD không đáng lo ngại, đây chỉ là triệu chứng cho thấy những thách thức mà nền kinh tế đang phải đối mặt.

Một đồng USD yếu đi phản ánh sự thay đổi về cơ cấu mà nền kinh tế toàn cầu phải tiến hành để trở lại quỹ đạo tăng trưởng bền vững. Những thay đổi này bao gồm việc cải cách luật thuế để thúc đẩy người Mỹ tăng tỷ lệ tiết kiệm và trả nợ. Đương nhiên, sự cải cách luật thuế này làm giảm chi tiêu tiêu dùng - một trong những nhân tố chủ chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu.

Ông Scissors cho rằng sự hỗ trợ đồng USD có thể đến từ Trung Quốc. Với dự trữ ngoại tệ lên tới 2.100 tỷ USD, Trung Quốc nắm giữ đồng USD nhiều gấp ba lần so với các ngoại tệ khác cộng lại. Điều này giúp đồng USD vẫn giữ được vị thế là đồng tiền của thế giới trong một thời gian. Tuy nhiên, Mỹ cũng cần có một chính sách kinh tế tốt hơn để phòng bị trước sự sụt giảm của đồng USD.

Trong bài viết đăng trên tạp chí New York Times, nhà kinh tế đoạt giải Nobel, Paul Krugman, cũng cho rằng đồng USD yếu đi là một diễn biến tích cực.

Ông nói: "Đây là kết quả của lòng tin gia tăng. Đồng USD đã tăng lên vào lúc điểm của khủng hoảng tài chính, do các nhà đầu tư trong cơn hoảng loạn đã tìm đến đồng USD như là nơi trú ẩn an toàn và giờ đây đồng USD lại giảm khi nỗi lo ngại này đang dịu dần".

Cùng nhận định như ông Krugman, đồng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách có trụ sở tại Washington, Dean Baker, nói rằng sự sụt giảm gần đây của đồng USD là một dấu hiệu tích cực và là nhân tố hỗ trợ xuất khẩu tăng trưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục