Đằng sau thỏa thuận thương mại Trung Quốc-Iran đầy hứa hẹn

Thỏa thuận thương mại trị giá tới 400 tỷ USD đổi lấy các đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ được mua phần lớn lượng dầu mỏ mà Iran sản xuất trong cùng thời gian.
Đằng sau thỏa thuận thương mại Trung Quốc-Iran đầy hứa hẹn ảnh 1Cơ sở khai thác dầu tại đảo Khark của Iran, ngoài khơi vùng Vịnh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview.com, tờ New York Times đưa tin Trung Quốc và Iran đang xúc tiến một thỏa thuận thương mại quy mô, hứa hẹn đem đến cho Iran khoản đầu tư trị giá tới 400 tỷ USD trong 25 năm để đổi lấy các đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ được mua phần lớn lượng dầu mỏ mà quốc gia này sản xuất trong cùng thời gian (với mức giá cực kỳ ưu đãi).

Dù thỏa thuận chưa hoàn tất và cũng chưa được tiết lộ nhiều chi tiết, song nội dung văn bản mà phóng viên New York Times tiếp cận được đánh dấu là “bản cuối," cho thấy hai bên đã hoàn tất quá trình đàm phán và thông qua các chi tiết. Chính phủ Iran đã thông qua văn bản này từ tháng trước và đang chờ quyết định của Majlis - tức Quốc hội nước Cộng hòa Hồi giáo.

Chưa rõ Trung Quốc đã chính thức thông qua thỏa thuận hay chưa, song việc Chủ tịch Tập Cận Bình là người khởi xướng văn bản này vào năm 2016 có thể được xem là một đảm bảo cho việc chấp nhận thỏa thuận với Iran.

Nếu hoàn tất, thỏa thuận này sẽ nhanh chóng tháo gỡ những vấn đề kinh tế nghiêm trọng nhất mà Iran đang đối mặt, song cùng với đó, nó sẽ dễ dẫn đến những thách thức và nguy cơ mới.

["Trung Quốc và Iran cần có quan điểm mang tính chiến lược"]

Trên phương diện tích cực, thỏa thuận cho phép Iran có thể tạm “phớt lờ” những áp lực mà Mỹ, Israel và các nước châu Âu đang đặt ra nhằm trì hoãn chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Các khoản đầu tư, sự trợ giúp cùng các hoạt động nâng cấp hạ tầng của Trung Quốc sẽ giúp Iran chống đỡ phần nào những cơ chế trừng phạt mà họ đang hứng chịu.

Các nước châu Âu có mối quan hệ kinh tế và tài chính chặt chẽ với Mỹ, vì vậy họ khó có thể có những dàn xếp độc lập nhằm nới lỏng trừng phạt cho Iran. Mọi ngân hàng hay doanh nghiệp châu Âu có ý định “lách luật” đều đối diện với nguy cơ bị loại khỏi hệ thống kinh tế toàn cầu mà Mỹ thâu tóm. Trong khi đó, Trung Quốc không chịu những ràng buộc tương tự.

Nếu thỏa thuận được hoàn tất và đem lại những kết quả như dự đoán, Iran sẽ có thể giải quyết được nhiều vấn đề về kinh tế và an ninh cấp bách. Vai trò của Tehran trong khu vực, nơi họ đối mặt với sự thù địch không gì có thể hóa giải được từ phía Israel và các đồng minh Sunni, sẽ ngày càng được cải thiện.

Theo một số nhận định, dù chưa rõ chi tiết nội dung hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân của thỏa thuận, song nhiều khả năng Trung Quốc sẽ đưa ra những đề xuất về chuyên môn, và thậm chí là hạ tầng nhằm hỗ trợ Iran theo đuổi mục tiêu của mình.

Trên thực tế, thỏa thuận là một cú đánh thẳng vào Mỹ và chiến lược “gây áp lực tối đa;" là lời đáp trả, cho thấy những nỗ lực mới của Mỹ và Israel nhằm hủy hoại chương trình hạt nhân mà Iran theo đuổi rõ ràng đã lỗi thời. Thỏa thuận khiến Thủ tướng Benjamin Netanyahu mất mặt, bởi ông là người đã đầu tư không ít nỗ lực nhằm lôi kéo Trung Quốc trở thành đối tác thương mại và kinh tế của Israel.

Đằng sau thỏa thuận thương mại Trung Quốc-Iran đầy hứa hẹn ảnh 2Một cơ sở khai thác dầu của Iran ở đảo Khark, ngoài khơi vùng Vịnh. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tất nhiên, việc ký kết những thỏa thuận như vậy cũng đang đặt ra nhiều rủi ro cho Iran. Nhiều quốc gia châu Phi và châu Á đã ký những thỏa thuận tương tự, và kết quả là gánh chịu khoản nợ lớn từ Trung Quốc, trong khi lợi ích thu về chẳng đáng là bao.

Những thỏa thuận như vậy được “thiết kế” hoàn hảo tới mức Trung Quốc có thể tận dụng tối đa lợi ích từ việc khai thác nguồn tài nguyên của nước sở tại, trong khi đem đến cho đối tác những điều không tương xứng với hứa hẹn.

Iran đang trao cho Trung Quốc, với nền kinh tế đặc biệt “khát” dầu mỏ, cơ hội có được phần lớn nguồn cung mặt hàng xuất khẩu quý giá nhất của mình. Liệu Trung Quốc có đáp lại bằng đúng những gì họ đã hứa hẹn? Liệu Trung Quốc có cung cấp hàng triệu USD và hỗ trợ những nhu cầu cấp thiết của Iran? Hay sau khi có được thứ mình cần, Trung Quốc sẽ để lại cho Iran chỉ là những bẽ bàng?

Tổng thống Iran Hassan Rouhani đang đối mặt với áp lực lớn từ phía lực lượng bảo thủ, những người muốn đánh bật ông khỏi vị trí lãnh đạo trong cuộc bầu cử tới. Họ hiểu rõ kinh nghiệm từ những quốc gia như Sri Lanka khi ký thỏa thuận với Trung Quốc để nhận về hối tiếc, và cáo buộc phe ôn hòa đang bán rẻ đất nước mình.

Lực lượng này lo ngại về những điều tồi tệ nhất, hoặc cũng có thể là họ chỉ đang từ chối trao cho Tổng thống Rouhani cơ hội là người có công trong việc tháo gỡ những khó khăn kinh tế của Iran. Điều trớ trêu là nếu lực lượng cứng rắn giành được vị trí hàng đầu đất nước, họ chắc chắn sẽ rất hào hứng xúc tiến một thỏa thuận tương tự./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục