Chính phủ Mali và lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) ra tuyên bố cho biết ngày 11/6, một kẻ đánh bom liều chết đã sát hại 4 binh lính người Chad thuộc MINUSMA tại một doanh trại quân đội ở thị trấn miền núi Aguelhok, đông bắc Mali.
Kẻ đánh bom đã lái xe ôtô chở chất nổ tới cổng doanh trại, nơi các binh lính Mali và MINUSMA đóng quân, và kích nổ bom.
Vụ tấn công cũng làm 10 người bị thương, trong đó có 6 binh sỹ MINUSMA và 4 thành viên của các lực lượng vũ trang Mali.
Tuyên bố của MINUSMA dẫn lời trưởng phái bộ này Bert Koenders lên án "đây là vụ tấn công hèn nhát và bẩn thỉu nhằm vào các binh lính quả cảm đang thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình và an ninh."
Ông Koenders khẳng định vụ việc sẽ không ngăn cản MINUSMA thực hiện sứ mệnh của mình tại Mali.
Cùng ngày, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng kịch liệt lên án vụ tấn công, đồng thời bày tỏ chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình các nạn nhân. Tổng thư ký nhấn mạnh Liên hợp quốc quyết tâm nỗ lực vì hòa bình cho Mali.
Đây là vụ tấn công lớn đầu tiên tại khu vực Kidal kể từ khi chính phủ Mali và ba nhóm phiến quân chính ký kết thỏa thuận ngừng bắn hồi tháng 5 vừa qua nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực tại vùng sa mạc phía Bắc nước này.
Kidal là nơi khởi phát phong trào ly khai của người Tuareg tại Mali. Phong trào này đấu tranh đòi độc lập cho khu vực Azawad ở sa mạc phía Bắc Mali.
Khoảng 50 binh sỹ người Chad đã thiệt mạng kể từ đầu năm 2013, khi Chad cử quân đội phối hợp với lực lượng Pháp tham gia cuộc chiến chống các tay súng Hồi giáo tại Mali.
Mali rơi vào khủng hoảng từ tháng 1/2012, khi người Tuareg thuộc Phong trào Quốc gia vì Tự do cho Azawad phát động cuộc nổi dậy. Một cuộc đảo chính sau đó tại Bamako đã dẫn tới tình trạng hỗn loạn, và các tay súng liên hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda đã dẫn đầu người Tuareg giành quyền kiểm soát vùng sa mạc phía Bắc.
Chiến dịch quân sự do Pháp dẫn đầu tháng 1/2013 đã đẩy lùi các phần tử cực đoan, nhưng các cuộc tấn công của các phần tử Hồi giáo có vũ trang vẫn tiếp diễn.
Lực lượng MINUSMAS tiếp quản nhiệm vụ đảm bảo an ninh từ tháng 7/2013 từ tay lực lượng quân sự của Liên minh châu Phi./.