Đánh giá hiệu quả thực hiện chính sách với nạn nhân da cam

Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã ban hành chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học.
Đánh giá hiệu quả thực hiện chính sách với nạn nhân da cam ảnh 1Quỹ Vì nỗi đau da cam của TTXVN, Đoàn thanh niên TTXVN phối hợp với Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Bắc Giang tổ chức tặng nhà tình nghĩa cho chị Hoàng Thị Uyên - nạn nhân chất độc da cam dioxin ở thôn Cẩm Trang, với trị giá 30 triệu đồng. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)

Hội thảo khoa học “Nghiên cứu đánh giá hiệu quả chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin; đề xuất phương hướng và giải pháp chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện,” diễn ra ngày 30/6, tại Hà Nội.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) tổ chức hội thảo này nhằm lấy ý kiến của chuyên gia nhiều lĩnh vực, tiếp tục hoàn thiện các luận điểm, kết quả nghiên cứu.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ các tiêu chí xác định nạn nhân chất độc da cam; thực trạng đời sống, bệnh tật… của nạn nhân; vấn đề xã hội hóa trong chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân; vai trò của Hội Nạn nhân chất độc da cam trong tham gia giúp đỡ các nạn nhân, góp phần thực hiện chính sách…

Các đại biểu cũng cùng nhau đánh giá tình hình thực hiện chính sách đối với nạn nhân, các vướng mắc hiện nay; đồng thời đề xuất hướng xử lý các vướng mắc và kiến nghị bổ sung, sửa đổi chế độ chính sách với nạn nhân; đề xuất chính sách với các đối tượng nạn nhân chưa được hưởng…

Trung tướng, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thế Lực, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam khẳng định: Hậu quả của chất độc hóa học do đế quốc Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam rất nặng nề, không chỉ với môi trường mà cả với sức khỏe con người.

Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã quan tâm sâu sắc đến giải quyết hậu quả do chất độc da cam gây ra. Việt Nam đã có chủ trương, chính sách về xử lý môi trường ở các khu vực tồn dư lưu lượng dioxin cao; ban hành chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học.

Đồng thời, Việt Nam cũng đã quan tâm công tác chăm sóc nạn nhân và hỗ trợ nạn nhân trong cuộc đấu tranh đòi công lý; cho phép thành lập, tạo điều kiện cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam hoạt động, phát triển…

Tuy nhiên theo Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Nguyễn Thế Lực: Việc thực hiện chính sách với nạn nhân chất độc da cam còn nhiều hạn chế, bất cập. Các chính sách đối với nạn nhân mới chỉ được giải quyết được một phần, vẫn còn nhiều nạn nhân nằm ngoài diện thụ hưởng chính sách.

Đặc biệt việc phối hợp giữa các cơ quan chuyên trách có lúc, có nơi chưa thật chặt chẽ; ở một số địa phương vẫn để xảy ra tiêu cực. Triển khai thực hiện Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH13, sửa đổi, bổ sung một số điều về ưu đãi người có công với cách mạng cũng đang nảy sinh một số vướng mắc…

Vấn đề chất độc da cam và chính sách đối với nạn nhân rất phức tạp; việc bổ sung, các chính sách cần được thường xuyên cập nhật, hoàn thiện để phù hợp với tình hình thực tiễn, do đó đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cơ quan liên quan.

Ban chủ nhiệm chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2011-2015 đã thống nhất xây dựng đề tài “Nghiên cứu đánh giá hiệu quả chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin; đề xuất phương hướng và giải pháp chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện,” Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam là đơn vị chủ trì, thực hiện đề tài. Trong quá trình nghiên cứu, Ban chủ nhiệm đề tài đã khảo sát, tổ chức 16 hội thảo ở nhiều tỉnh, thành phố.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục