Đánh giá kết quả phát triển của Bình Dương trong thời kỳ đổi mới

Sau 25 năm chia tách từ tỉnh Sông Bé, Bình Dương từ một tỉnh nông nghiệp còn khó khăn, bứt phá trở thành một trong những trung tâm công nghiệp - đô thị phát triển năng động, hội nhập quốc tế mạnh mẽ.
Đánh giá kết quả phát triển của Bình Dương trong thời kỳ đổi mới ảnh 1Quang cảnh lễ ký kết. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)

Ngày 19/4, Tỉnh ủy Bình Dương và Hội đồng Lý luận Trung ương ký kết thực hiện Đề án Tổng kết mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới của đất nước và tầm nhìn định hướng đến năm 2050.

Đề án sẽ đánh giá kết quả phát triển của tỉnh Bình Dương một cách toàn diện trên tất cả các mặt trong thời kỳ đổi mới; xác định, làm rõ những đặc trưng nổi bật của mô hình phát triển tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới đất nước; phân tích những nguyên nhân, nhất là cách làm dẫn đến sự thành công và rút ra những bài học kinh nghiệm từ kết quả đạt được của tỉnh Bình Dương; phân tích, dự báo những nhân tố tác động đến sự phát triển của tỉnh Bình Dương trong 3 thập niên tới; xác định quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu, mô hình, định hướng chiến lược và lộ trình phát triển của tỉnh Bình Dương đến năm 2050; kiến nghị, đề xuất các chủ trương, cơ chế, chính sách để tỉnh Bình Dương có những đột phá phát triển trong tương lai.

Sau 25 năm kể từ ngày được chia tách từ tỉnh Sông Bé, với những chủ trương, quyết sách đúng đắn, sáng tạo, Bình Dương từ một tỉnh nông nghiệp còn khó khăn, bứt phá trở thành một trong những trung tâm công nghiệp-đô thị phát triển năng động, hội nhập quốc tế mạnh mẽ, gắn kết với các tỉnh, thành của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Hiện nay, Bình Dương vẫn không ngừng đột phá, xây dựng hướng tới thành phố thông minh, điểm đến hấp dẫn cho mọi người, các nhà đầu tư trong và ngoài nước...

Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Bình Dương trong thời gian tới sẽ tập trung vào nghiên cứu Tổng kết mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới của đất nước và tầm nhìn định hướng đến năm 2050, qua đó, đánh giá kết quả phát triển của tỉnh Bình Dương một cách toàn diện trên tất cả các mặt trong thời kỳ đổi mới; xác định, làm rõ những đặc trưng nổi bật của mô hình phát triển tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới đất nước; phân tích những nguyên nhân, nhất là cách làm dẫn đến sự thành công và rút ra những bài học kinh nghiệm từ kết quả đạt được của tỉnh, từ đó phục vụ thiết thực cho việc tổng kết thực tiễn 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước (1986-2026).

[Vận hành Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Bình Dương]

Đồng thời, đề án sẽ phân tích, dự báo những nhân tố tác động, từ đó đề ra chủ trương, chính sách, cơ chế phát triển của tỉnh Bình Dương trong 3 thập kỷ tới.

Phát biểu tại lễ ký kết, giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng từ một tỉnh nông nghiệp, sau 25 năm, Bình Dương trở thành một tỉnh công nghiệp mà tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước (với hơn 80%). Những mô hình và cách làm của Bình Dương đặt ra suy nghĩ là phải luôn tìm tòi để phát huy tiềm năng lợi thế, định vị tỉnh Bình Dương trong vùng và cả nước.

Giáo sư Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh trước yêu cầu phát triển mới, đặc biệt sau Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, với tầm nhìn và định hướng phát triển của đất nước, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh toàn diện đồng bộ công cuộc đổi mới, yêu cầu phát triển dựa trên nền tảng công nghệ và đổi mới sáng tạo, cần đánh giá lại thật đúng và trúng những dữ liệu, nguồn lực, quan hệ tương tác để lựa chọn cho Bình Dương một cách đi phát triển mới, không chỉ dựa trên nền tảng cũ.

Đánh giá kết quả phát triển của Bình Dương trong thời kỳ đổi mới ảnh 2Một góc thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)

Theo Giáo sư Nguyễn Xuân Thắng, Hội đồng Lý luận Trung ương có nhiệm vụ tổng kết thực tiễn hoàn thiện lý luận và tổng kết lý luận gắn liền với các mô hình phát triển của các địa phương. Bình Dương là một địa chỉ được Hội đồng Lý luận Trung ương lựa chọn.

Nhân dịp này, Giáo sư Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao tỉnh Bình Dương đã kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế. Tỉnh là điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Năm 2021, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, tình hình thu hút FDI của tỉnh duy trì kết quả khả quan, với gần 2,7 tỉ USD. Đầu năm 2022, tỉnh tiếp tục thu hút được hơn 1,6 tỷ USD.

Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.040 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 39,4 tỷ USD. Thu nhập bình quân đầu người tại Bình Dương đạt 7.000 USD/người/năm, cao hơn cả mức trung bình của cả nước.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục