Đánh giá tác động của Hiệp định thương mại Việt Nam và EU

Việt Nam và EU đang tiến gần đến việc ký kết Hiệp định thương mại tự do. Hiệp định này sẽ mang lại lợi ích cũng như thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng.
Đánh giá tác động của Hiệp định thương mại Việt Nam và EU ảnh 1Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Ngày 28/5, Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) và Sở Công Thương Đồng Nai tổ chức hội thảo “Đánh giá tác động Hiệp định thương mại Việt Nam-EU, những vấn đề quan tâm.”

Hội thảo này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt những tác động khi Hiệp định Việt Nam và EU (EVFTA) được ký kết, từ đó doanh nghiệp Đồng Nai có chiến lược tăng cường phát triển và mở rộng xuất khẩu tại thị trường này.

Tham dự hội thảo là đại diện các sở ban ngành và các hiệp hội doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU của tỉnh Đồng Nai và các tỉnh lân cận.

Đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, hiệp hội ngành hàng và các cơ quan nghiên cứu trình đã bày tham luận về những vấn đề cần lưu ý trong Hiệp định FTA Việt Nam-EU, tác động về khía cạnh thể chế và pháp lý của Hiệp định và đặc biệt đánh giá tác động đối với 3 ngành hàng quan trọng của tỉnh Đồng Nai là nông sản, da giày và gỗ.

Tại hội thảo, báo cáo đánh giá tác động bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường của Hiệp định FTA Việt Nam-EU do Dự án EU-MUTRAP thực hiện trong năm 2014 được phổ biến rộng rãi tới tất cả đại biểu, nhằm giúp hình thành một bức tranh tổng thể về những tác động xảy ra đối với Việt Nam, để các bên liên quan, nhất là khối doanh nghiệp có thể chuẩn bị tốt nhằm tận dụng cơ hội cũng như khắc phục được những khó khăn, thách thức trong thời gian tới.

Hiệp hội Da giày Việt Nam cho biết, hiện nay EU là thị trường tiêu thụ giày dép lớn thứ hai trên thế giới với khoảng 2,8 tỷ đôi/năm, trung bình 5,8 đôi/người/năm. Việt Nam hiện là nước cung cấp giày dép lớn thứ hai vào thị trường EU sau Trung Quốc.

Khi Hiệp định thương mại Việt Nam-EU có hiệu lực, hàng rào thuế quan đối với giày dép Việt Nam nhập khẩu vào EU sẽ giảm về 0% theo lộ trình. Lúc đó Việt Nam sẽ có cơ hội lớn để tăng kim ngạch và thị phần xuất khẩu tại EU. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay.

Bên cạnh, EVFTA có hiệu lực sẽ tăng khả năng cạnh tranh mặt hàng giày da so với các nước, từ đó thu hút nhiều đơn hàng, tạo ra nhiều công ăn việc làm và thu hút nhiều lao động; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên phụ liệu.

Việc EVFTA thực thi cũng sẽ khiến ngành giày da có ít lợi nhuận hơn và hạn chế sự năng đông của doanh nghiệp khi tỷ lệ sản xuất gia công cao, chiếm đến 70%.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh này, một đề xuất đối với phương án đàm phán đỏi hỏi EU giảm bớt hoặc hạn chế việc ban hành mới các biện pháp có thể gây cản trở, hoặc gây khó khăn cho đồ gỗ Việt Nam xuất khẩu vào EU là không khả thi, cho dù đây là điều mà ngành gỗ Việt Nam mong chờ.

Ông Claudio Dordi, Trưởng nhóm Hỗ trợ Kỹ thuật UE-MUTRAP cho rằng EVFTA sẽ đem lại những lợi ích về cải thiện định chế cho Việt Nam như việc xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên phụ liệu, đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho việc cải thiện định chế về thương mại và hải quan. Giảm hoặc loại bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan; cải thiện môi trường pháp lý kinh doanh…

EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực sang EU là giày dép, dệt may, nông sản, đồ gỗ, hải sản...

Đến nay, Việt Nam và EU đang tiến gần đến việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA). Hiệp định này sẽ mang lại lợi ích cũng như thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục