Đánh giá tác động xã hội: Khoảng trống trong xây dựng chính sách

Một quy định, chính sách mới có phát huy được tác dụng trọng thực tiễn hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc đánh giá tác động trong quá trình xây dựng, nhưng việc đánh giá này còn nhiều hạn chế.
Đánh giá tác động xã hội: Khoảng trống trong xây dựng chính sách ảnh 1Các chuyên gia cùng thảo luận về đánh giá tác động xã hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại diễn đàn chuyên gia đánh giá tác động xã hội do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 20/3 tại Hà Nội, các chuyên gia đã cùng trao đổi về vai trò của đánh giá tác động xã hội trong hoạch định chính sách.

Cần đánh giá tác động của chính sách

Đánh giá tác động là một trong những yêu cầu quan trọng trong quản lý đối với các can thiệp hay hành động ngay từ khi xây dựng kế hoạch, trong quá trình thực hiện và khi kết thúc.

Tiến sỹ Klaus Sauerborn, chuyên gia của Viện Khoa học-Lao động và Xã hội cho rằng đánh giá tác động chính sách là công cụ khoa học giúp tránh những thất bại chính sách và cải thiện chính sách trong giai đoạn đầu của quá trình hoạch định chính sách và pháp luật.

Đặc biệt, tiến sỹ Klaus Sauerborn nhấn mạnh: “Không có chính sách nào ảnh hưởng đến mọi người cùng một cách. Do đó, cần biết nhóm xã hội nào bị ảnh hưởng, khi nào và mức độ như thế nào?”

[Luật Đất đai năm 2013: Đã đến lúc cần thay ‘tấm áo hẹp’]

Tiến sỹ Tạ Thị Minh Lý, Chủ tịch Hội Bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam (VIJUSAP) chỉ ra rằng hiện nay có quá nhiều chính sách được ban hành nhưng chưa được thực thi hoặc chưa được đánh giá đầy đủ nên chưa thể đem lại những giải pháp đúng trong cuộc sống.

“Những chính sách quan trọng, liên quan đến những vấn đề cấp thiết của đời sống, đến lợi ích của nhiều người, đặc biệt của các nhóm yếu thế thì việc đánh giá chính sách tác động xã hội là rất cần thiết để hoàn thiện, tránh các rủi ro lãng phí xảy ra, đặc biệt là tránh những kết quả ngược chiều mong muốn của người dân,” tiến sỹ Tạ Thị Minh Lý nhấn mạnh.

Theo nhận định của bà Lý, đánh giá tác động xã hội của chính sách là sự minh bạch về mục tiêu và kết quả của chính sách. Minh bạch quy trình để dẫn đến kết quả cuối cùng, tạo điều kiện cho đánh giá tính kinh kế, chính trị của một chính sách.

Còn rất... chung chung

Đánh giá tác động của chính sách là việc phân tích, dự báo tác động của chính sách đang được xây dựng đối với các nhóm đối tượng khác nhau nhằm lựa chọn giải pháp tối ưu thực hiện chính sách. Thế nhưng, dường như vẫn còn những khoảng trống trong việc này.

Bà Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 13 đã đặt câu hỏi về việc đánh giá tác động trong quá trình xây dựng các đề án lớn hiện nay.

“Đới với các dự án lớn chẳng hạn như dự án đường sắt Bắc-Nam, cao tốc, sân bay… thì đơn vị nào kiểm tra việc đánh giá tác động xã hội? Tôi cho rằng trước khi khai thác rất nhiều dự án cần phải có đánh giá tác động xã hội, vì các dự án này có ảnh hưởng rất lớn,” bà Bùi Thị An nói.

Đánh giá tác động xã hội: Khoảng trống trong xây dựng chính sách ảnh 2Đánh giá tác động sẽ giúp các chính sách triển khai trong thực tế tốt hơn. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Đối với vấn đề khoảng trống trong đánh giá tác động của các dự án, quy định, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự Hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết, hiện nay việc đánh giá tác động xã hội chỉ bắt buộc đối với văn bản quy phạm pháp luật. Còn đối với những vấn đề được giải quyết bằng các cơ quan có thẩm quyền như các đề án như đề án giảm thiểu ùn tắc giao thông, đề án về sân golf, đề án phát triển kinh tế… thì chưa có.

“Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là khi cơ quan chức năng xây dựng đề án họ không đánh giá mà có đánh giá tác động nhưng tương đối mập mờ,” bà Nguyễn Thị Kim Thoa nói.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thoa, tại nhiều nước quy định, bất cứ hành vi nào của Chính phủ, chính quyền địa phương đều phải có đánh giá tác động cả nhưng hiện nay chỉ có văn bản xây dựng pháp luật.

Ông Trần Văn Lợi, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) khẳng định, đánh giá tác động xã hội của chính sách là hoạt động đánh giá bắt buộc khi xây dựng chính sách, giải pháp thực hiện chính sách. Bất kỳ chính sách, giải pháp thực hiện chính sách nào cũng phải thực hiện đánh giá tác động xã hội, kinh tế, hệ thống pháp luật...

Tuy nhiên, ông Trần Văn Lợi cũng thừa nhận hiện nay chưa phân biệt các nhóm đối tượng để đánh giá mà chỉ đánh giá rất chung chung. Nội dung đánh giá tác động xã hội có nhiều vấn đề chưa được liệt kê trong luật như tội phạm, dư luận xã hội, dân số...

Hiện nay, Bộ Tư pháp đang sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó sẽ làm rõ hơn, yêu cầu cụ thể hơn một số vấn đề của đánh giá tác động của xã hội./.

Diễn đàn chuyên gia đánh giá tác động xã hội nằm trong Dự án Mục tiêu xã hội trong tăng trưởng xanh bền vững ở Việt nam do GIZ và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện từ năm 2016 với mục tiêu tăng cường lồng ghép các yếu tố xã hội trong quá trình xây dựng chính sách, chiến lược tăng trưởng xanh. Dự kiến, dự án sẽ kéo dài đến năm 2021.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục