Đánh giá về thỏa thuận bảo hộ chỉ dẫn địa lý hàng hóa EU-Trung Quốc

EU và Trung Quốc đã ký thỏa thuận bảo hộ 100 chỉ dẫn địa lý (GI) trên các mặt hàng lương thực, thực phẩm của châu Âu ở Trung Quốc và 100 GI của Trung Quốc tại EU.
Đánh giá về thỏa thuận bảo hộ chỉ dẫn địa lý hàng hóa EU-Trung Quốc ảnh 1Ủy viên Phát triển nông nghiệp và nông thôn của EU Phil Hogan (trái) và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn (phải) trao đổi văn kiện sau lễ ký thỏa thuận tại Bắc Kinh ngày 6/11/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ủy viên Nông nghiệp của Liên minh châu Âu (EU) Phil Hogan ngày 5/11 nhận định thỏa thuận bảo hộ chỉ dẫn địa lý hàng hóa giữa EU và Trung Quốc là “một thắng lợi của tất cả các bên” và sẽ củng cố quan hệ thương mại song phương và bảo vệ người nông dân cũng như người tiêu dùng.

Trước đó, cùng ngày, EU và Trung Quốc đã ký thỏa thuận bảo hộ 100 chỉ dẫn địa lý (GI) trên các mặt hàng lương thực, thực phẩm của châu Âu ở Trung Quốc và 100 GI của Trung Quốc tại EU.

[Mega Story] Quan hệ EU-Trung Quốc: Bước tái cân bằng hợp logic

Trong tuyên bố đưa ra ngày 6/11, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU, cho biết thỏa thuận trên sẽ bao gồm việc bảo vệ tên gọi của các sản phẩm như rượu sủi tăm của Tây Ban Nha, rượu whiskey của Ireland, phomát mặn của Hy Lạp, chân giò hun khói của Italy.

Chỉ dẫn địa lý là những chỉ dẫn về xuất xứ hàng hóa, là sản phẩm của một thành viên hoặc từ khu vực hay địa phương thuộc lãnh thổ đó, có chất lượng, uy tín hoặc đặc tính nhất định gắn với xuất xứ địa lý.

Ngoài việc mở rộng đáng kể danh mục sản phẩm lương thực được bảo vệ theo tiêu chuẩn GI, từ mức 10 sản phẩm của mỗi bên, áp dụng từ năm 2012, thỏa thuận trên còn giúp thúc đẩy giao thương các loại hàng hóa có giá trị cao hơn.

Theo ông Hogan, người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn cho các sản phẩm có GI, do tin tưởng về nguồn gốc và tính xác thực của hàng hóa.

Mặc dù vậy, thỏa thuận trên vẫn cần phải được Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu thông qua trước khi có hiệu lực vào trước cuối năm 2020.

Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu nông sản của EU sang Trung Quốc đạt 12,8 tỷ USD trong 12 tháng tính đến tháng 8/2019./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục