Đánh sập đường dây làm bằng giả liên tỉnh lớn

Đường dây này trực tiếp làm giả giấy phép lái xe, bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng, bằng thuyền trưởng, chứng chỉ nghề... quy mô lớn.
Ngày 3/4, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC 14) Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã triệt phá một đường dây sản xuất, tiêu thụ bằng giả quy mô lớn liên quan đến nhiều tỉnh, thành.

Từ ngày 1/4, Phòng PC 14 phối hợp Công an tỉnh Bình Dương đã lần lượt bắt, khám xét khẩn cấp năm đối tượng gồm Vũ Thanh Khoa (30 tuổi), Lê Văn Dần (31 tuổi), Trần Mạnh Dũng (27 tuổi), Dương Kim Thịnh (25 tuổi), Nguyễn Văn Thủy (26 tuổi), tất cả đều cư trú tại tỉnh Bình Dương.

Khám xét phòng trọ của Nguyễn Văn Thủy (kẻ trực tiếp sản xuất bằng giả) ở xã Tân Bình, huyện Dĩ An, Bình Dương, cảnh sát thu giữ 29 giấy phép lái xe giả Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cấp, 28 chứng minh nhân dân (photo) của các đối tượng đặt làm giấy phép lái xe giả, 9 mẫu giấy phép lái xe đã có chữ ký.

Lực lượng chức năng cũng thu được nhiều con dấu giả các loại của Sở giao thông vận tải, Tổng cục dạy nghề - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Hội đồng giám định y khoa và của ba bác sỹ thuộc một số bệnh viện lớn.

Trong phòng trọ trên còn chứa nhiều dụng cụ, phương tiện, máy móc sản xuất bằng giả.

Cảnh sát đã thu giữ số lượng lớn cuộn giấy để in tem chống giả, bằng tốt nghiệp trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh giả, bằng thuyền trưởng giả, phôi bằng chứng chỉ nghề; 50 bằng tốt nghiệp dạy nghề giả của các trường, 2 USB chứa dữ liệu...

Vũ Thanh Khoa cho biết sau khi nhận làm giấy phép lái xe của người có nhu cầu, Khoa liên hệ với Lê Văn Dân chuyên làm giấy phép lái xe ôtô giả với giá bảy triệu đồng/giấy. Mỗi giấy phép lái xe, Khoa hưởng lợi sáu triệu đồng.

Lê Văn Dân khai nhận giấy phép lái xe do Dân đặt cho Trần Mạnh Dũng làm giả hồ sơ giấy phép lái xe hạng B2 với giá ba triệu đồng/giấy, mỗi giấy phép lái xe giả Dân kiếm lời bốn triệu đồng.

Sau đó, Dũng đem về giao lại cho tên Dương Kim Thịnh, làm giả với giá 2,5 triệu đồng/giấy, mỗi giấy phép lái xe Dũng kiếm lời được 500.000 đồng. Còn tên Thịnh thì đem về giao lại cho tên Nguyễn Văn Thủy trực tiếp làm giả với giá 100.000 đồng/giấy, mỗi giấy giả Thịnh kiếm lời được 2,4 triệu đồng.

Nguyễn Văn Thủy khai nhận đã trực tiếp làm giả giấy phép lái xe và các loại giấy tờ giả khác nhau như bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng, bằng thuyền trưởng, chứng chỉ nghề...

Ngày 10/3, tên Thủy bị Công an huyện Dĩ An, Bình Dương kiểm tra, bắt giữ về hành vi “cố ý gây thương tích.” Đối tượng đã bỏ phương tiện tẩu thoát, để lại trong cốp xe máy năm bằng tốt nghiệp giả của Đại học Công Nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Kinh Tế Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Phòng PC 14 Công an Thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án./.

Thế Vinh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục