Đánh thẳng vào "dạ dày" của địch tại Điện Biên Phủ

Vietnam+ giới thiệu bài viết "Khống chế đường không, chặn đường tiếp vận của địch cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ" của Trung tướng Phương Minh Hòa.
Đánh thẳng vào "dạ dày" của địch tại Điện Biên Phủ ảnh 1Bộ đội ta hành quân vào Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu TTXVN)

Các hoạt động tác chiến khống chế đường không, bao vây trên không, cắt đứt cầu hàng không, chặn đường tiếp vận của địch cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là sự hiệp đồng tác chiến chặt chẽ, nhịp nhàng của nhiều lực lượng, thực hiện đánh địch cả ở dưới mặt đất lẫn trên không... nhằm đánh thẳng vào “dạ dày” của địch, cô lập địch, từ đó nhanh chóng tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giành thắng lợi hoàn toàn.

Trung tướng, tiến sỹ Phương Minh Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, đã phân tích sâu sắc vấn đề này trong bài viết: "Khống chế đường không, chặn đường tiếp vận của địch cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ."

Vietnam+ trân trọng giới thiệu bài viết:

Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch hiệp đồng binh chủng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam sau gần 9 năm đương đầu với quân xâm lược Pháp. Trong chiến dịch này, có sự đóng góp quan trọng của Trung đoàn pháo cao xạ 367-Trung đoàn phòng không đầu tiên của Quân đội ta và cũng là đơn vị đầu tiên của Quân chủng Phòng không-Không quân.

Lực lượng phòng không của ta tham gia chiến dịch gồm một trung đoàn pháo cao xạ 37mm, 5 tiểu đoàn và một số đại đội súng máy phòng không 12,7mm được biên chế trong các đại đoàn bộ binh. Trong khi đó, quân Pháp huy động tới 80% trong tổng số gần 400 máy bay ở Đông Dương bao gồm các loại trinh sát, ném bom, cường kích… và được Mỹ viện trợ một số lượng lớn máy bay vận tải hiện đại để thiết lập cầu hàng không từ Hà Nội, Hải Phòng chi viện cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Như vậy, xét về thế trận đất đối không, với ưu thế về vũ khí, trang bị kỹ thuật và phương tiện chiến tranh, không quân Pháp-Mỹ hoàn toàn có thể làm chủ bầu trời Điện Biên Phủ.

Tuy nhiên, thực tế diễn biến trên chiến trường Điện Biên Phủ không phản ánh một cách đơn thuần tương quan lực lượng so sánh bằng những con số thống kê. Trước đòn tiến công mạnh mẽ và thế trận bao vây chặt chẽ từ bốn phía của quân ta, quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã rơi vào thế bị động, bị cô lập, phải đối mặt với tình trạng khốn quẫn: lực lượng, vũ khí, trang bị, đạn dược bị tiêu hao không được bù đắp; lương thực, thực phẩm không được cung cấp, thương binh không được cứu chữa kịp thời... Con đường tiếp tế duy nhất còn lại cho Biên Biên Phủ là đường hàng không, nếu bị ta cắt đứt thì quân địch bị cô lập hoàn toàn.

Nắm được điểm yếu cốt tử đó của địch, để nhanh chóng tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã chỉ đạo các lực lượng, nòng cốt là lực lượng phòng không, hiệp đồng tác chiến với quân và dân trên các mặt trận, kiên quyết tiến công, khống chế đường không, cắt đứt cầu hàng không, chặn đường tiếp viện của địch bằng các biện pháp chính sau:

Sử dụng lực lượng đặc công tập kích các sân bay - điểm đầu cầu hàng không của địch

Để thiết lập được một cầu hàng không bao giờ cũng phải có hai yếu tố cơ bản là căn cứ xuất phát và căn cứ hạ cánh, hay còn gọi là điểm đầu và điểm cuối. Do đó, muốn cắt cầu hàng không của địch, chúng ta cần phải tổ chức đánh địch cả ở hai điểm cầu và trên đường bay.

Đánh địch tại căn cứ xuất phát thường đạt hiệu quả cao vì mục tiêu đánh phá cố định ở trên mặt đất, nên dễ đánh trúng và đạt hiệu quả cao. Nhưng các sân bay của địch lại nằm ở vùng địch hậu và được canh gác rất cẩn mật, khó tổ chức đánh phá. Trong khi chưa có các phương tiện tiến công đường không để thực hiện tập kích từ trên không vào các sân bay, ta đã sử dụng lực lượng đặc công đột nhập vào đánh phá các sân bay.

Với ý chí quyết tâm cùng sát cánh chia lửa với các chiến sỹ ngoài mặt trận Điện Biên Phủ, bằng bản lĩnh dũng cảm ngoan cường và sự mưu trí sáng tạo, các chiến sỹ đặc công ở Hà Nội, Hải Phòng, đã dày công nghiên cứu để tìm ra quy luật bố trí canh phòng sân bay của địch và phương pháp đột nhập phù hợp vào đánh phá sân bay địch.

Vào những ngày công tác chuẩn bị chiến đấu ở Điện Biên Phủ đang trong thời kỳ nước rút thì tin chiến thắng từ các chiến trường phối hợp dồn dập bay về, động viên kịp thời các lực lượng chiến đấu của ta ở chiến trường trọng điểm. Các trận tập kích của lực lượng đặc công vào các sân bay Gia Lâm, Cát Bi và Đồ Sơn đã gây tổn thất lớn cho địch (hơn 80 máy bay bị phá hủy, nhiều kho xăng dầu và kho bom bị bốc cháy), làm giảm sút nghiêm trọng khả năng hoạt động chi viện ở các đầu cầu hàng không, gây cho tướng tá và binh lính địch có tâm lý hoang mang, lo sợ.

Sử dụng lực lượng pháo binh pháo kích khống chế các sân bay không cho địch hạ cánh, buộc chúng phải thả dù tiếp tế trên không

Khi chiến dịch mở màn (13/3/1954), cùng với việc bắn chế áp các trận địa pháo binh, các lô cốt và hỏa điểm của địch, lực lượng pháo binh chiến dịch đã bắn cấp tập vào các sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm, phá hủy những máy bay đang đậu trên sân bay, bắn cháy các kho xăng dầu. Các đợt tiếp theo, pháo binh ta tiếp tục bắn khống chế sân bay làm cho phi công địch không dám mạo hiểm hạ cánh xuống sân bay mà phải chuyển sang phương pháp thả dù tiếp viện.

Thả dù tiếp viện nên địch chỉ có thể tăng viện bằng các đơn vị dù và những phương tiện vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm và thuốc men, chứ không thể tăng viện các đơn vị bộ binh đơn thuần trong khi lực lượng dù trong quân đội Pháp lại không có nhiều; hàng hóa được thả từ trên không dễ bị tản mát, rất khó thu lượm, thậm chí còn bị rơi sang trận địa của quân ta. Mặt khác, máy bay không dám mạo hiểm hạ cánh xuống sân bay, nên không thể đưa các binh sỹ bị thương vong ra khỏi cứ điểm. Điều này gây tác động tâm lý rất lớn đến tinh thần chiến đấu của binh lính địch khi số bị thương vong ngày càng tăng.

Lực lượng pháo binh, pháo kích khống chế sân bay, không cho máy bay địch hạ cánh, buộc chúng phải thả dù tiếp viện từ trên không nên đã hạn chế đáng kể hiệu quả sử dụng cầu hàng không của địch.

Sử dụng lực lượng bộ binh, công binh thắt chặt hệ thống chiến hào, bao vây thu hẹp phạm vi hoạt động của địch

Với cách đánh “vây, lấn, tấn, chiếm,” lực lượng của ta đã từng bước loại bỏ và làm chủ được các cứ điểm vòng ngoài, buộc địch phải co cụm vào phân khu trung tâm. Vòng vây chiến hào của ta ngày càng thắt chặt lại, khu vực chiếm đóng của địch ngày càng bị thu hẹp. Các đơn vị bộ binh, pháo binh đã tích cực đánh địch, chế áp địch, chi viện hỏa lực cho bộ đội cao xạ trong quá trình cơ động chiến đấu, triển khai trận địa để tạo vùng hỏa lực phòng không bao vây không phận của địch. Khi không gian tác chiến của địch ngày càng bị thu hẹp, không gian tác chiến của ta ngày càng rộng thì địch càng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thả dù tiếp viện; phần lớn hàng tiếp tế của địch bị ta thu được.

Cuốn “Nhật ký chiến sự” của Jean Pouget ghi nhận: Ngày 1/4, hơn một nửa số hàng thả rơi ngoài vị trí. Ngày 6/4, hơn mười khẩu pháo không giật 75mm thả xuống Điện Biên, lính Pháp chỉ thu được hai khẩu, số còn lại coi như làm quà cho Việt Minh. Ngày 9/4, trong tổng số 195 tấn hàng tiếp tế đã thả chỉ thu được 6 tấn. Cứ như vậy, chiến hào của ta càng vào sát địch bao nhiêu thì hiệu quả thả dù tiếp tế của địch càng thấp.


Sử dụng lực lượng phòng không khống chế, bao vây trên không, ngăn chặn, cắt đứt cầu hàng không

Cùng với lực lượng bộ binh, công binh từng bước bao vây, thắt chặt vòng vây ở dưới mặt đất, các đơn vị phòng không đã nhanh chóng cơ động bám sát bộ binh và triển khai trận địa ngay trên cánh đồng Mường Thanh, thiết lập được vùng hỏa lực phòng không bao trùm, khống chế toàn bộ không phận của đối phương. Song song với việc đánh máy bay ném bom và máy bay cường kích của địch để bảo vệ đội hình binh chủng hợp thành chiến đấu, các đơn vị phòng không đã tập trung hỏa lực đánh tiêu diệt các máy bay vận tải thả hàng tiếp viện.

Trước đó, mọi hoạt động trên không là ưu thế tuyệt đối của địch, thì nay khi gặp phải lưới lửa phòng không dày đặc đang từng bước khép chặt không phận buộc phi công địch phải nâng độ cao để thực hiện đánh phá và thả dù hàng, thậm chí còn không dám thả dù vào ban ngày mà phải chuyển sang thả dù vào ban đêm. Do máy bay vừa phải cơ động tránh hỏa lực phòng không, vừa phải thả dù ở độ cao lớn, nên hàng tiếp viện bị tản mát nhiều, rơi sang trận địa của ta.

Không tin vào trình độ lái của phi công Pháp, Mỹ lập cầu hàng không gồm 29 máy bay vận tải hạng nặng C-119 do phi công của Mỹ lái và đích thân tướng Mỹ chỉ huy. Đây là sự giúp đỡ, nhưng cũng là thủ đoạn để Mỹ nhằm dần dần hất cẳng Pháp và từng bước can thiệp sâu hơn vào chiến tranh Đông Dương.

Khi lưới lửa phòng không của ta đã khép chặt vòng vây trên không, thì trình độ lái của phi công Mỹ cũng tỏ ra không hơn gì các phi công Pháp. Ngày 19/4/1954, chiếc máy bay vận tải C-119 được mệnh danh là “cọp bay” do phi công Mỹ lái lên vùng trời Điện Biên Phủ để thả hàng tiếp tế cho quân Pháp đã bị hỏa lực phòng không của ta bắn rơi tại chỗ. Đây là chiếc máy bay và tổ lái đầu tiên của Mỹ bị tiêu diệt trên chiến trường Đông Dương. Từ đó, các phi công Mỹ không dám thực hiện thả dù ở độ thấp. Ngày 27/4, đàn “Cọp bay” do phi công Mỹ lái lên thực hiện thả dù hàng ở độ cao đã bị dạt sang trận địa của ta 65 tấn hàng, còn đoàn máy bay vận tải Đacôta do phi công Pháp lái thả dù dạt sang quân ta 20 tấn.

Vào những ngày cuối của chiến dịch, trước lưới lửa phòng không dày đặc của ta thì ý chí và bản lĩnh của phi công Pháp và phi công Mỹ cùng bị thui chột, không dám liều mạng để thực hiện nhiệm vụ; các máy bay vận tải do phi công của Pháp cũng như Mỹ lái đã không dám bay vào vùng trời Điện Biên Phủ để thả dù tiếp tế cho đồng bọn mà phải bay về căn cứ vì sợ lưới lửa hỏa lực phòng không của ta. Không còn vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm tiếp viện, quân số bị thương vong ngày càng nhiều không được đưa đi cấp cứu kịp thời đã làm cho tinh thần của binh lính địch rối loạn, không còn đủ ý chí để kháng cự.

Như vậy, khống chế đường không, cắt đứt nguồn tiếp tế duy nhất bằng cầu hàng không cho quân đồn trú của địch ở Điện Biên Phủ là cách đánh hiểm, đánh thẳng vào “dạ dày” của địch. Các hoạt động tác chiến khống chế đường không, bao vây trên không, cắt đứt cầu hàng không, chặn đường tiếp vận của địch cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là sự hiệp đồng tác chiến chặt chẽ, nhịp nhàng của nhiều lực lượng, thực hiện đánh địch cả ở dưới mặt đất lẫn trên không: lực lượng đặc công tập kích sân bay đầu cầu hàng không; lực lượng bộ binh thực hiện vây, lấn, tấn, chiếm để thu hẹp phạm vi chiếm đóng; lực lượng pháo binh bắn phá hủy máy bay, chế áp sân bay; lực lượng phòng không thu hẹp không phận, tiến tới bao vây trên không, cắt cầu hàng không của địch.

Trong 56 ngày đêm chiến đấu, Trung đoàn pháo cao xạ 367 đã bắn rơi 52 trong tổng số 62 máy bay các loại của địch, hoàn thành tốt các nhiệm vụ: bảo vệ giao thông vận chuyển; bảo vệ đội hình bộ đội binh chủng hợp thành và hiệp đồng cùng các lực lượng khống chế đường không, cắt đứt cầu hàng không tiếp vận của địch cho quân đồn trú ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thực tiễn tác chiến phòng không trong chiến dịch cho thấy, lực lượng phòng không, nòng cốt là Trung đoàn pháo cao xạ 367, tuy mới được xây dựng nhưng đã nhanh chóng trưởng thành về mọi mặt, làm chủ được vũ khí trang bị kỹ thuật phức tạp, sáng tạo ra nhiều hình thức chiến thuật, nhiều cách đánh hay để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và đặt nền móng cho sự ra đời, phát triển của nghệ thuật tác chiến phòng không trong chiến tranh giải phóng.

Đánh thẳng vào "dạ dày" của địch tại Điện Biên Phủ ảnh 2Pháo binh ta sẵn sàng nổ súng để tiêu diệt địch ở cứ điểm Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu TTXVN)

Những nét tiêu biểu của nghệ thuật sử dụng lực lượng phòng không trong chiến dịch Điện Biên Phủ gồm:


Một là tuyệt đối giữ bí mật để tạo bất ngờ, giành thế chủ động đánh địch

Trong suốt quá trình tổ chức hành quân, trú quân, chuẩn bị chiến dịch, đặc biệt là trong quá trình tổ chức kéo pháo và triển khai tại các trận địa tiếp cận địch, các đơn vị phòng không đã áp dụng linh hoạt nhiều biện pháp để bảo đảm giữ bí mật tuyệt đối cho sự xuất hiện một binh chủng mới tại chiến dịch.

Với sự xuất hiện bất ngờ của pháo cao xạ, chúng ta đã làm đảo lộn mọi tính toán chiến dịch của địch, làm cho phi công địch từ chỗ hết sức chủ quan chuyển sang hoang mang lo sợ và buộc phải giải quyết nhiều vấn đề mới nảy sinh về chiến thuật, kỹ thuật mà không phải lúc nào chúng cũng có thể làm ngay được.

Hai là tổ chức sử dụng lực lượng phòng không phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến chiến dịch

Khi bước vào chiến dịch, ta đã sử dụng toàn bộ các tiểu đoàn súng máy phòng không và hai tiểu đoàn pháo cao xạ bảo vệ bộ đội binh chủng hợp thành tiến công; sang giai đoạn 2, ta tăng cường thêm một tiểu đoàn pháo cao xạ. Như vậy, ta đã sử dụng 50% số tiểu đoàn pháo cao xạ trực tiếp chiến đấu trong đội hình chiến dịch, số còn lại làm nhiệm vụ bảo vệ giao thông vận chuyển và hậu phương chiến dịch. Do được tăng cường thêm lực lượng và bố trí hợp lý, nên chúng ta đã xây dựng được thế trận phòng không hợp lý, có lực lượng đánh máy bay cường kích và máy bay ném bom, có lực lượng đánh máy bay vận tải thả hàng tiếp tế, nên đã hạn chế được đáng kể hoạt động của không quân địch.

Ba là, tập trung lực lượng phòng không trên hướng tiến công chủ yếu, cho các trận đánh then chốt và trong thời cơ quan trọng

Chiến dịch đã sử dụng 3 tiểu đoàn pháo cao xạ trực tiếp chiến đấu bảo vệ đội hình binh chủng hợp thành tiến công, nhưng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có không gian rộng lớn, nên lực lượng phòng không của ta vẫn rất mỏng. Vì vậy, căn cứ vào thực lực trang bị và từng thời điểm của chiến dịch, chúng ta đã tập trung lực lượng cho hướng chủ yếu, các trận đánh then chốt và các thời cơ quan trọng, nhằm tạo ra sức mạnh đánh thắng không quân địch trong từng trận đánh và kịp thời cơ động chuyển hóa thế trận theo sự phát triển tiến công của bộ đội binh chủng hợp thành.

Ở đợt 1 của chiến dịch, trong trận tiến công cụm cứ điểm Him Lam, chiến dịch đã sử dụng 2 tiểu đoàn pháo cao xạ và các tiểu đoàn súng máy phòng không bảo vệ đội hình bộ đội binh chủng hợp thành tiến công. Cả 2 tiểu đoàn pháo cao xạ được bố trí tập trung ở các khu vực có thể đánh máy bay địch trực tiếp chi viện cho bộ binh tiến công, nên khi 24 máy bay Hencát và Henđivơ bay vào chuẩn bị bổ nhào đánh vào tuyến xuất phát tiến công của bộ binh cũng như các trận địa pháo binh ta, thì cả hai tiểu đoàn pháo cao xạ đều nổ súng tham gia đánh địch, bảo vệ an toàn cho bộ binh, pháo binh, đồng thời chi viện được cho nhau.

Sau trận mở màn chiến dịch thắng lợi, ta nhanh chóng di chuyển trận địa theo sát bộ binh, yểm trợ cho các đại đoàn 312, 308 đánh cụm cứ điểm Độc Lập, bao vây, đánh chiếm cụm cứ điểm Bản Kéo. Sang đợt 2, khi được tăng cường Tiểu đoàn pháo cao xạ 381, lực lượng phòng không càng bám sát đội hình của bộ đội binh chủng hợp thành và sáng tạo ra các hình thức chiến đấu cơ động, phục kích, đón lõng, đánh đêm… Trong cả hai đợt 1 và 2, địch đã bị bất ngờ về thời cơ, khu vực xuất hiện cũng như mật độ hỏa lực của lực lượng phòng không.

Bước vào đợt 3, các tiểu đoàn pháo cao xạ 37mm tiếp tục cơ động áp sát Mường Thanh, Hồng Cúm. Vùng hỏa lực của các đại đội pháo cao xạ cùng với hỏa lực của súng máy phòng không đã trùm lên nhau và phủ kín khu vực chiếm đóng còn lại của địch, bảo vệ đắc lực cho bộ đội binh chủng hợp thành tiến công giành thắng lợi hoàn toàn ở thời điểm quyết định của chiến dịch.

Bốn là kịp thời tăng cường lực lượng, điều chỉnh thế trận phòng không đáp ứng yêu cầu bảo vệ giao thông vận tải chiến dịch

Trong chiến dịch, không chỉ có địch gặp khó khăn về tiếp tế, tiếp viện, mà cả ta cũng gặp rất nhiều khó khăn đối với công tác bảo đảm chiến dịch. Điện Biên Phủ ở xa hậu phương và các căn cứ, đường vận tải ít và xấu, khả năng hậu cần tại chỗ rất mỏng, mọi nhu cầu nhân lực, vật lực cho tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn đều phải huy động, vận chuyển từ xa đến.

Biết rõ khó khăn của ta, địch đã sử dụng không quân đánh phá ác liệt cả ngày lẫn đêm để phá hoại và chặn các tuyến vận tải của ta lên mặt trận. Đặc biệt, tại các trọng điểm giao thông, bom đạn địch tạo ra nhiều điểm chết làm tắc nghẽn toàn bộ hệ thống giao thông, gây khó khăn lớn cho ta về bảo đảm hậu cần chiến dịch.

Trong đợt 2 chiến dịch, cả Pháp và Mỹ tập trung lực lượng không quân đánh phá ác liệt các tuyến giao thông vận chuyển, chiến dịch đã kịp thời tăng cường thêm Tiểu đoàn 396 pháo cao xạ 37mm để hình thành thế trận bảo vệ giao thông từ hậu phương đến trung tuyến và hỏa tuyến; đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa chiến đấu cơ động và bám trụ, tập trung lực lượng bảo vệ các trọng điểm, nên đường giao thông vận chuyển chiến dịch liên tục thông suốt.

Năm là sáng tạo và phát triển các hình thức chiến thuật

Trong điều kiện rừng núi có nhiều góc che khuất, các đơn vị phòng không đã căn cứ vào nhiệm vụ chiến đấu, đặc điểm về địch, địa hình và kinh nghiệm thực tiễn chiến đấu để nghiên cứu, tìm ra cách đánh hợp lý, sáng tạo, vận dụng linh hoạt những hình thức chiến thuật để đánh địch có hiệu quả; tìm mọi biện pháp cơ động bám sát đội hình bộ binh, thực hiện đánh địch trên không, đồng thời sẵn sàng đánh địch mặt đất để yểm trợ, chi viện cho bộ binh tiến công.

Để bảo vệ những đoạn đường đèo, đơn vị phòng không đã đưa pháo lên các mỏm núi cao để bám sát mục tiêu cần bảo vệ; đồng thời đặt các trận địa chốt trên những hướng máy bay địch thường bay qua và cơ động phục kích hai bên sườn đèo, bắn rơi nhiều máy bay địch, bảo vệ tốt các đoạn đường xung yếu.

Trong các trận đánh, bộ đội phòng không đã kết hợp linh hoạt giữa sử dụng hỏa lực tập trung với hỏa lực phân tán phù hợp với tình huống địch trên không; vận dụng linh hoạt các phương pháp bắn trong trường hợp xác định đủ phần tử và cả khi mây mù không xác định được phần tử; nắm vững tính năng vũ khí, chuẩn bị sẵn các phần tử, thực hiện biện pháp lấy dấu chuẩn để sẵn sàng đánh máy bay thả dù.

Sáu là kết hợp đánh địch với phòng tránh địch đánh phá, chiến đấu với xây dựng phát triển lực lượng đáp ứng yêu cầu tác chiến

Để thực hiện được nhiệm vụ tác chiến phòng không trong suốt quá trình chiến dịch, các đơn vị phòng không đã thường xuyên củng cố và duy trì sức chiến đấu liên tục bằng nhiều biện pháp khác nhau, như lợi dụng địa hình rừng núi để ngụy trang che giấu trận địa, sở chỉ huy nhằm tránh địch trinh sát, đánh phá để bảo toàn lực lượng; xây dựng hệ thống công sự hầm hào hoàn chỉnh để hạn chế thương vong trước hỏa lực của không quân, pháo binh địch, đảm bảo cho bộ đội có điều kiện chiến đấu dài ngày, liên tục cả ngày lẫn đêm; khắc phục mọi khó khăn, vận động nhanh cùng bộ binh tiếp cận địch để hạn chế khả năng đánh phá của không quân và pháo binh địch; thường xuyên chủ động cơ động đội hình phù hợp với yêu cầu tác chiến, tạo được thế có lợi bất ngờ đánh địch mà địch không đánh trúng trận địa của ta; biết kết hợp vừa chiến đấu, vừa huấn luyện tân binh ngay tại mặt trận, nên đã kịp thời bổ sung quân số và có lực lượng dự trữ đến cuối chiến dịch để tiếp tục chiến đấu.

Kinh nghiệm khống chế đường không, chặn đường tiếp vận của địch bằng cách chủ động tiến công địch ngay tại căn cứ xuất phát của địch trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã được vận dụng một cách sáng tạo trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục