"Đánh thức" tàu thăm dò sao chổi Churyumov-Gerasimenko

Cơ quan Hàng không Vũ trụ châu Âu bắt đầu tiến trình phức tạp đưa tàu thăm dò Rosetta, đang bay tới sao chổi Churyumov-Gerasimenko, thoát khỏi trạng thái "ngủ Đông."

Ngày 20/1, Cơ quan Hàng không Vũ trụ châu Âu (ESA) bắt đầu thực hiện tiến trình phức tạp đưa tàu thăm dò Rosetta, đang bay tới sao chổi Churyumov-Gerasimenko (hay còn gọi là Chury), thoát khỏi trạng thái "ngủ Đông."

Tàu Rosetta được phóng vào vũ trụ từ năm 2004 và vào tháng 6/2011, khi đã đi xa Trái Đất khoảng 800 triệu km, phần lớn các thiết bị của Rosetta được tắt, còn bản thân tàu đã tự chuyển sang chế độ "ngủ Đông" để vượt qua quãng đường dài nhất và lạnh lẽo nhất tiến tới quỹ đạo sao chổi Chury.

Trên tàu chỉ còn máy tính và một số thiết bị sưởi hoạt động nhằm đảm bảo duy trì nhiệt độ tối thiểu cần thiết.

Theo kế hoạch, vào tối 20/1 (giờ Việt Nam), máy tính sẽ tương tác với các chương trình đã cài đặt sẵn, phát tín hiệu tới các thiết bị trong trạng thái "ngủ Đông" trên tàu.

Khi đó, sẽ bắt đầu quá trình nhiều giờ đốt nóng và kích hoạt các hệ thống trên tàu, đặc biệt là thiết bị cảm biến sao để xác định phương hướng trong vũ trụ.

Trong khi đó, ăngten liên lạc của tàu Rosetta, đang tiến gần Mặt Trời với khoảng cách 673 triệu km, sẽ định hướng lại về Trái Đất.

Dự kiến, sau tám giờ kể từ khi quá trình này được khởi động, tàu Rosetta sẽ kết nối được liên lạc với trung tâm điều hành bay ở Trái Đất.

Nếu thành công, dự kiến đây là lần đầu tiên trong lịch sử nghiên cứu vũ trụ, một tàu thăm dò có thể chuyển động quanh quỹ đạo sao chổi.

Tất cả các tàu thăm dò nghiên cứu sao chổi trước đây, một số thì trong trạng thái bay tốc độ cao, số khác thì rơi xuống bề mặt của nó.

Dự kiến, vào tháng Tám tới, tàu thăm dò Rosetta có thể neo quanh quỹ đạo sao chổi Chury với độ cao từ 20-30km, và trạng thái này sẽ tiếp tục tới tháng 12/2015.

Đặc biệt, tháng 11 năm nay, môđun nghiên cứu nhỏ Philae sẽ từ tàu Rosetta đáp xuống sao chổi Chury.

Trong khoảng thời gian này, trên sao chổi sẽ diễn ra các quá trình lý-hóa mạnh mẽ, đặc biệt là sự bốc hơi nhanh chóng của lớp băng, với thành phần là nước và carbon monoxide.

Thiết bị thăm dò sẽ tiến hành thu thập dữ liệu để đóng góp cho việc nghiên cứu giai đoạn đầu của sự sống vũ trụ.

Dự án nghiên cứu Rosetta của ESA là một trong những dự án quan trọng với chi phí chế tạo lên tới một tỷ euro, với mục đích nghiên cứu sao chổi Chury, được phát hiện vào tháng 10/1969, qua đó xác định vai trò của thiên thể này trong quá trình tiến hóa của Hệ Mặt Trời./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục