Đánh thuế chăn nuôi và tiêu thụ thịt để giảm nguy cơ xảy ra đại dịch

Các chuyên gia quốc tế cho rằng các nhà hoạch định chính sách nên xem xét đánh thuế đối với sản xuất chăn nuôi và tiêu thụ thịt để giảm nguy cơ xảy ra đại dịch gây chết người trong tương lai.
Đánh thuế chăn nuôi và tiêu thụ thịt để giảm nguy cơ xảy ra đại dịch ảnh 1Gà được nuôi tại trang trại gia cầm ở ngoại ô Hyderabad, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo một nghiên cứu mới đây, các chuyên gia quốc tế cho rằng các nhà hoạch định chính sách nên xem xét đánh thuế đối với sản xuất chăn nuôi và tiêu thụ thịt để giảm nguy cơ xảy ra đại dịch gây chết người trong tương lai.

Phát biểu trước báo giới, ông Peter Daszak, nhà động vật học chủ trì nghiên cứu, nhận định tiêu thụ quá nhiều thịt gây hại cho sức khỏe của con người.

Tình trạng này cũng tác động đến môi trường và là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ xảy ra đại dịch mới.

[Kinh ngạc trước những lời khuyên phòng dịch từ 100 năm trước]

Theo ông Daszak, sự bùng phát của virus cúm và các chủng mới gây ra đại dịch phần lớn là do số lượng gia súc, gia cầm ở một số quốc gia trên thế giới lớn đến mức gây kinh ngạc - hệ quả của mô hình tiêu dùng toàn cầu hiện nay.

Bên cạnh đó, việc chăn nuôi gia súc để lấy thịt là một nguyên nhân khác dẫn tới nạn phá rừng và phá hủy hệ sinh thái ở Mỹ Latinh.

Ông Daszak còn cho rằng mặc dù ý tưởng về thuế gia súc hoặc thuế thịt vẫn "gây tranh cãi" song đây là “cái giá” đáng phải trả để đối đầu với các đại dịch trong tương lai.

Theo ông Daszak, có một thế hệ mới sẵn sàng đưa ra những quyết định giúp thiết lập lối sống bền vững hơn và điều này được kỳ vọng sẽ cứu “Hành tinh Xanh” trong điều kiện mất dần đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và nguy cơ đại dịch.

Ông Daszak cho biết thêm ngành chăn nuôi đang được toàn cầu hóa và phát triển, đem lại mức lợi nhuận không nhỏ. Do đó, các nghiên cứu trước đây đã đề xuất đánh thuế sản xuất và tiêu thụ thịt để thúc đẩy ngành này hướng tới các phương thức hoạt động ít gây hại cho hành tinh và con người hơn.

Ông Daszak nhấn mạnh đây là một chiến lược khả thi và cần được các chính phủ và các tổ chức liên chính phủ xem xét như một hướng đi.

Nghiên cứu trên còn cảnh báo các đại dịch mới sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, lây lan nhanh hơn, tốn kém hơn và giết chết nhiều người hơn dịch COVID-19 nếu các nước không có hành động táo bạo để ngăn chặn sự tàn phá môi trường sống giúp virus lây nhiễm từ động vật hoang dã sang người.

Nghiên cứu trên cũng thúc giục các chính phủ đẩy mạnh nỗ lực phòng ngừa đại dịch, thay vì chống dịch sau khi đã bùng phát.

Nhà khoa học người Hà Lan Thijs Kuiken, một trong 22 chuyên gia quốc tế thực hiện nghiên cứu, cũng nhất trí với quan điểm mọi người nên giảm ăn thịt.

Ông Kuiken khẳng định thay đổi chế độ ăn uống với việc giảm tiêu thụ thịt đóng vai trò quan trọng để giảm nguy cơ xảy ra đại dịch và bảo tồn đa dạng sinh học và tự nhiên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục