Đảo chính lật đổ Tổng thống Tandja tại Niger

Quân đội Niger chỉ định ông Salou Djibo làm người đứng đầu chính quyền quân sự sau cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Mamadou Tandja.
Quân đội Niger ngày 19/2 chỉ định ông Salou Djibo, chỉ huy đơn vị pháo binh, làm người đứng đầu chính quyền quân sự sau cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Mamadou Tandja.

Nhóm tự xưng là Hội đồng Tối cao Phục hồi dân chủ (CSRD) thuộc quân đội đã tiến hành cuộc đảo chính và đơn vị của Djibo đóng vai trò chủ chốt trong cuộc đảo chính. Ngày 18/2, các binh sĩ đã ập vào Dinh Tổng thống và áp tải ông Tandja rời khỏi đây. Ít nhất ba binh sĩ đã thiệt mạng và 10 binh sĩ khác bị thương trong các cuộc giao tranh.

CSRD đã ban bố lệnh giới nghiêm và đóng cửa các chốt biên giới, đồng thời kêu gọi người dân Niger bình tĩnh và ủng hộ các ý tưởng "khôi phục dân chủ và năng lực lãnh đạo" của quân đội. Người phát ngôn CSRD, Đại tá Goukoye Abdoulkarim cho biết hội đồng này đã quyết định tạm đình chỉ Hiến pháp của nền Cộng hòa thứ sáu và giải tán toàn bộ thể chế hiện hành.

Một nhà ngoại giao châu Phi xác nhận Tổng thống Tandja và một số quan chức cao cấp của chính phủ Niger đã bị bắt giữ. Trong khi đó, một nhà ngoại giao Pháp cho biết cận vệ của Tổng thống Tandja tham gia vụ đảo chính này. Hiện các quan chức chính phủ ở Niger chưa đưa ra bình luận gì về vụ việc.

Liên minh châu Phi (AU) đã lên án vụ bạo lực tại Niger. Cao ủy phụ trách an ninh của AU, ông Ramtane Lamamra tuyên bố những gì đang diễn ra ở Niger "đi ngược lại mong muốn của AU về một châu lục không có đảo chính." Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) cũng ra tuyên bố lên án âm mưu đảo chính tại Niger, trong đó nêu rõ "bác bỏ mọi sự thay đổi quyền lực thông qua các biện pháp vi hiến và bạo lực."

Vụ việc diễn ra trong bối cảnh Niger đang trong tình trạng khủng hoảng chính trị sau khi Tổng thống Tandja năm ngoái giải tán Quốc hội và cải tổ Hiến pháp nhằm tăng thêm quyền hạn và kéo dài nhiệm kỳ của ông, lẽ ra hết hạn vào tháng 12/2009. Động thái này đã gây dư luận quốc tế chỉ trích mạnh mẽ cùng các biện pháp trừng phạt Niger, trong đó ECOWAS đã đình chỉ tư cách thành viên của nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục