Đạo diễn nổi tiếng Trung Quốc kêu ca về kiểm duyệt

Đạo diễn nổi tiếng Trung Quôc Tạ Phi cho rằng hệ thống kiểm duyệt phim ở nước này cần phải thay đổi, dựa theo luật pháo thay vì cá nhân.
Đạo diễn nổi tiếng Trung Quốc Tạ Phi đã lên tiếng chỉ trích hệ thống kiểm duyệt phim của nước này, cho đó là cách làm gây ra lãng phí và được thực hiện tùy tiện, trong một lá thư công khai đề nghị phải có luật lệ rõ ràng hơn cho những chủ đề bị cấm. Đạo diễn Tạ, 70 tuổi, từng giành những giải thưởng danh giá cho các phim làm những năm 1990 như Black Snow (tựa tiếng Hoa: Năm bản mệnh) và Woman Sesame Oil Maker (tựa tiếng Hoa: Hương hồn nữ). Trong lá thư gửi cho Cục Điện ảnh nhà nước, ông trích dẫn những khó khăn gần đây trong việc phê duyệt các dự án phim ảnh của nhiều đạo diễn danh tiếng như Khương Văn, Điền Tráng Tráng và Giả Chương Kha. “Những biện pháp hành chính của nhà nước và hệ thống kiểm duyệt quản lý ngành điện ảnh đã từ quá lâu và không còn thích hợp với điều kiện xã hội, kinh tế, ý thức hệ và văn hóa thực tế,” ông Tạ viết trong lá thư, được đăng trên blog của ông cuối tuần trước. “Điều đó chỉ cản trở sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa và giải trí, giết chết sáng tạo nghệ thuật và lãng phí tài nguyên của nhà nước.” Kiểm duyệt với các đạo diễn điện ảnh và phim ảnh cũng khiến phim Trung Quốc ra rạp ít được đón nhận, ông nói, và khiến người xem thích các phim nước ngoài hơn, được sản xuất mà không gặp những hạn chế như vậy. Ông Tạ từ lâu đã là một người lớn tiếng chỉ trích hệ thống kiểm duyệt ở Trung Quốc và vài năm trở lại đây từ chối làm phim mới vì điều đó. Ông kể lại trong lá thư rằng khi làm cố vấn nghệ thuật cho một bộ phim về Cách mạng văn hóa 1966-1976 có chủ đề đồng tính, thời gian chờ kiểm duyệt bộ phim lên tới bốn tháng.
Đạo diễn nổi tiếng Trung Quốc kêu ca về kiểm duyệt ảnh 1
Người Trung Quốc thích xem phim ngoại hơn phim nội (Nguồn: AFP)
Ông Tạ nói kiểm duyệt điện ảnh ở Trung Quốc phải dựa trên luật và quy định. “Chúng ta phải thừa nhận cách tốt nhất để quản lý ngành văn hóa là thông qua luật pháp và thị trường”, bức thư viết. “Hệ thống kiểm duyệt phim ảnh ngày nay không phải là pháp quyền, mà là dựa trên các cá nhân, và phải chấm dứt”./.
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục