Đạo diễn Trần Lực: Liều lĩnh hay dũng cảm trong 'cuộc chơi' mới?

Nhiều người đã cho nghệ sỹ ưu tú Trần Lực là liều lĩnh khi anh quyết tâm dựng vở kịch phi lý. Nhưng anh bảo, anh rất tỉnh táo khi dựng vở và nghệ sỹ cũng cần phải sống...
Đạo diễn Trần Lực: Liều lĩnh hay dũng cảm trong 'cuộc chơi' mới? ảnh 1"Nữ ca sỹ hói đầu" được công diễn tại Hà Nội từ giữa tháng Một. (Ảnh: An Ngọc/Vietnam+)

Kịch phi lý vẫn khá xa lạ với khán giả Việt. Thế nhưng, đạo diễn-nghệ sỹ ưu tú Trần Lực vẫn quyết định dàn dựng “Nữ ca sỹ hói đầu” - một trong những vở kịch phi lý nổi tiếng của nhà văn, nhà viết kịch tài năng người Pháp (gốc Rumani) Eugène Ionesco.

“Nhiều người bảo tôi liều nhưng tôi không nghĩ vậy. Bởi, sự liều lĩnh đôi khi sẽ dẫn tới những hành động mù quáng. Trong khi đó, tôi khá tỉnh táo. Khi làm gì tôi cũng cân nhắc, tính toán cụ thể (từ chuyên môn đến chuyện hậu cần, bán vé…). Nghệ sỹ thì cũng cần phải sống. Hơn nữa, tôi coi doanh thu là một trong những thước đo để đánh giá vở diễn,” đạo diễn Trần Lực bày tỏ.

Cuộc chơi hứng khởi

- Nếu không phải là sự liều lĩnh thì anh dàn dựng “Nữ ca sỹ hói đầu” với tâm thế gì, thưa đạo diễn?

Nghệ sỹ ưu tú Trần Lực: Tôi nghĩ rằng, đó là sự tự tin và dũng cảm. Ngoài ra, tôi cũng có chút hồi hộp khi chờ đợi phản ứng của khán giả.

Kịch bản kịch bản kịch phi lý đã được dịch khá nhiều sang tiếng Việt nhưng lại chưa được dàn dựng, đưa lên sân khấu. Bởi vậy, dòng kịch này vẫn khá xa lạ với khán giả Việt Nam. Nhiều người bày tỏ sự dè dặt trước tính chất “phản kịch” theo nghĩa truyền thống (tức là sự phi xung đột, phi cốt truyện và phi tính cách) của thể loại này.

[Diễn viên Thanh Hương và những lựa chọn để đi... đường dài]

Với riêng tôi, tôi thấy về cốt lõi, kịch phi lý cũng không có nhiều khác biệt với những dòng kịch khác. Tất cả đều hướng đến con người, phản ánh cuộc sống của con người…

Đơn cử như trường hợp của “Nữ ca sỹ hói đầu.” Không có câu chuyện gì cụ thể ở trong đó. Tác giả Eugène Ionesco xây dựng những cuộc đối thoại (với nội dung rời rạc, nhạt nhẽo, mẫu thuẫn đến vô nghĩa) của các nhân vật nhằm giễu cợt khả năng sử dụng ngôn ngữ để biểu đạt tư duy cũng như sự lặp lại đến nhàm chán của cuộc sống và sự xa cách giữa những người thân trong gia đình. Ngoài ra, qua những tình tiết phi lý, nửa thực nửa hư, Ionesco làm nổi bật thân phận nhỏ bé, sự đáng thương của những kiếp người...

Họ đối thoại theo kiểu “ông nói gà, bà nói vịt,” kể những câu chuyện rất vô nghĩa, không có sự kết nối. Mỗi người nói một câu, những người còn lại muốn hiểu theo kiểu gì cũng… mặc!

Đạo diễn Trần Lực: Liều lĩnh hay dũng cảm trong 'cuộc chơi' mới? ảnh 2Đạo diễn-nghệ sy ưu tú Trần Lực. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

- Anh chia sẻ rằng, anh quan tâm tới cả việc bán vé, thu tiền. Liệu điều đó có làm ảnh hưởng đến thăng hoa, phiêu lãng trong tâm hồn nghệ sỹ và chất lượng nghệ thuật của vở diễn không?

Nghệ sỹ ưu tú Trần Lực: Tôi nghĩ mình không thực dụng mà chỉ đang sống thực tế thôi. Cuộc sống làm gì có chuyện đầu tư mà không nghĩ tới chuyện thu hồi vốn, lời lãi.

Hơn nữa, tôi coi doanh thu là một trong những thước đo đánh giá sức hút của vở diễn. Số lượng vé bán ra giúp tôi trả lời hàng loạt câu hỏi: tác phẩm có được khán giả thừa nhận không? Chất lượng vở diễn có đủ thuyết phục người xem bỏ tiền mua vé hay không?...

Muốn kéo khán giả đến với sân khấu thì mình phải có những vở diễn thú vị. Nhiều người nói rằng, khán giả quay lưng với kịch nhưng bản thân những người làm sân khấu cũng cần nhìn lại chính mình. Nếu cứ dựng vở theo cách thức từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước thì làm sao thu hút được người xem.

Qua một số vở dựng theo cách khác (“Cơn ghen của Lọ Lem” - Molière, “Quẫn” - Lộng Chương…), tôi thấy khán giả rất thích thú dù kịch bản không hề mới.

Nói như vậy không có nghĩa là tôi chỉ chăm chăm đến chuyện doanh thu bán vé. Với tôi, trước hết, nghệ thuật là cuộc chơi, mà đã là cuộc chơi thì tinh thần phải thoải mái, hứng khởi. Có như vậy thì mới tạo ra được tác phẩm chất lượng tốt. Khi nghệ sỹ có tác phẩm thú vị thì khán giả sẽ không bỏ hay lãng quên mình.

Đạo diễn Trần Lực: Liều lĩnh hay dũng cảm trong 'cuộc chơi' mới? ảnh 3Đạo diễn Trần Lực dàn dựng "Nữ ca sỹ hói đầu" theo phương pháp ước lệ biểu hiện. (Ảnh: LucTeam)

- Vậy với “Nữ ca sỹ hói đầu” lần này, anh sẽ xử lý theo hướng nào?

Nghệ sỹ ưu tú Trần Lực: Tôi sẽ sử dụng những thủ pháp, ngôn ngữ của sân khấu truyền thống phương Đông để may một chiếc áo mới cho kịch bản phương Tây. Nói khác đi, tôi trung thành với phương pháp ước lệ biểu hiện.

Mỗi vở diễn theo phương pháp này thường hội tụ ba yếu tố: câu chuyện đơn giản; bối cảnh sân khấu và đạo cụ tối giản; diễn viên có khả năng biểu đạt và tương tác cao (sử dụng nét mặt, ánh mắt, giải phóng cơ thể và tự kiểm soát quỹ đạo di chuyển trong từng phân cảnh để khơi gợi trí tưởng tượng của người xem, cuốn họ vào dòng chảy chung của câu chuyện).

Ngoài ra, sự tương tác giữa diễn viên với khán giả, kéo người xem cùng tưởng tượng, hòa mình vào diễn biến vở kịch, chứ không thụ động xem diễn viên diễn và chờ đợi cái kết cũng được đặc biệt chú trọng.

Vấn đề “nóng” của xã hội Việt Nam

- Thực tế, kịch phi lý vẫn khá lạ lẫm với khán giả trong nước. Để không “đánh đố” người xem thì trong quá trình dàn dựng, anh có phải “Việt hóa” kịch bản gốc không, thưa đạo diễn?

Nghệ sỹ ưu tú Trần Lực: Thông thường, khi dàn dựng kịch bản nước ngoài, các đạo diễn vẫn đưa thêm vào những chi tiết, thay đổi một vài tình huống… cho gần gũi với khán giả Việt Nam. Tuy nhiên, khi đọc kịch bản “Nữ ca sỹ hói đầu,” tôi thấy không có gì cần Việt hóa.

Sự xa cách, khủng hoảng tinh thần, trễ nải trong cuộc sống… là vấn đề có thể xảy ra với con người ở bất cứ đâu dù bối cảnh thực tế ở vở kịch này là trong một gia đình ở nước Anh. Nghệ sỹ lớn là những người viết ra được những câu chuyện có tính phổ quát, mang tầm nhân loại như vậy. “Nữ ca sỹ hói đầu” cùng nhiều vở kịch khác của Eugène Ionesco (như “Bài học,” “Những chiếc ghế” hay “Những nạn nhân của bổn phận”…) hiện vẫn được xem là những vở diễn kinh của sân khấu phương Tây hiện đại.

Đạo diễn Trần Lực: Liều lĩnh hay dũng cảm trong 'cuộc chơi' mới? ảnh 4Diễn viên tham gia vở diễn đều là những nghệ sỹ trẻ tuổi. (Ảnh: LucTeam)

- Vậy điều gì làm nên sự khác biệt cho bản dựng “Nữ ca sỹ hói đầu” của anh so với những bản dựng trước đó?

Nghệ sỹ ưu tú Trần Lực: Nói như vậy không có nghĩa là tôi bê nguyên kịch bản gốc lên sân khấu. Tôi vẫn đan lồng vào đó một vài câu thoại để khán giả không cảm thấy không khí trong đó xa lạ, kiểu như: “Ông ấy vừa biết chơi piano vừa biết khuấy mắm tôm!”

Thế nhưng, dấu ấn lớn nhất để tạo ra sự khác biệt là tôi sử dụng ngôn ngữ, thủ pháp ước lệ của sân khấu truyền thống phương Đông để dàn dựng một vở kịch phi lý của phương Tây.

Ngoài ra, trước khi vở diễn kết thúc, chúng tôi có bổ sung thêm cảnh bốn nhân vật chính nói những câu chuyện, gọi tên những hiện tượng “nóng” trong xã hội Việt Nam đương đại: chuyện bằng giả, bạo lực học đường, phim truyền hình gây bão “Quỳnh búp bê,” cầu thủ được yêu thích - Quang Hải, kỳ tích của bóng đá Việt Nam…

Cảnh ấy không dài, khi thể hiện trên kịch bản giấy thì gói gọn trong khoảng hai trang A4. Các nhân vật vẫn tiếp tục đối thoại theo kiểu “mạnh ai, người ấy nói,” không cần quan tâm người khác đang nói gì.

- Tôi thấy anh khá táo bạo khi đưa “Nữ ca sỹ hói đầu” lên sân khấu với diễn xuất của dàn diễn viên trẻ. Trong khi đó, tên tuổi nghệ sỹ thành danh vốn được coi là một trong những điều kiện đảm bảo cho thành công của vở diễn.

Nghệ sỹ ưu tú Trần Lực: Toàn bộ tám diễn viên diễn “Nữ ca sỹ hói đầu” đều là học trò của tôi. Một nửa trong số đó mới tốt nghiệp, số còn lại vẫn đang là sinh viên năm thứ ba, năm thứ tư tại Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.

Trích đoạn "Nữ ca sỹ hói đầu." (Nguồn: PV/Vietnam+)

Đúng là diễn viên trẻ thì chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng sự hồn nhiên, tươi trẻ và nhiệt huyết thì không hề thiếu. Nếu không tạo cho các bạn trẻ đất diễn, cơ hội cọ xát thì họ sẽ không thể trưởng thành.

Tôi đã từng nói và vẫn bảo lưu quan điểm rằng, với nghệ thuật diễn xuất, không thể đào tạo, học chay. LucTeam là một đoàn kịch của thầy và trò. Tôi là thầy - Trần Lực và học trò của tôi - những nghệ sỹ trẻ tuổi. Chúng tôi thành lập đoàn kịch này vì thầy, trò có chung một chí hướng và khát khao chinh phục nghệ thuật đỉnh cao. Sự hồn nhiên, ngây thơ và tươi trẻ là ba yếu tố tạo nên sự khác biệt cho những tác phẩm của chúng tôi.

- Trân trọng cảm ơn đạo diễn Trần Lực!

“Nữ ca sỹ hói đầu” được công diễn tại Trung tâm Văn hóa Pháp (số 24 Tràng Tiền, Hà Nội) bắt đầu từ ngày giữa tháng Một.

Dự kiến, vở diễn này sẽ tham gia Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế lần thứ tư được tổ chức tại Hà Nội trong thời gian tới.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục