Đảo Java đang đối mặt nguy cơ khủng hoảng nước

Đảo Java hiện đang đối mặt nguy cơ khủng hoảng nước, và khô hạn đang tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều khu vực rộng lớn tại đây.
Bộ trưởng các Công trình Công cộng Indonesia, Djoko Kirmanto cho biết đảo Java - nơi chiếm tới 58% (138 triệu người) trong tổng dân số 240 triệu người của quốc gia quần đảo này, hiện đang đối mặt nguy cơ khủng hoảng nước, và khô hạn đang tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều khu vực rộng lớn tại đây.

Theo ông Djoko Kirmanto nguy cơ khủng hoảng nước gia tăng không chỉ vì các điều kiện thời tiết không thuận lợi mà chủ yếu do nhu cầu thực tế vượt quá xa nguồn cung, chưa tính đến những tác động gây ô nhiễm nước bề mặt và nước ngầm từ các hoạt động của con người.

Phát biểu trong chuyến thăm Trường Đại học và Viện nghiên cứu Bandung, Bộ trưởng Djoko Kirmanto nói rằng Java thiếu nước là một vấn đề rất nghiêm trọng, bởi Java là một trong hai trung tâm kinh tế lớn nhất đất nước, và nhất là khi Indonesia đứng thứ 5 thế giới về dự trữ nước ngọt với 3.900 tỷ m3/năm nhờ hệ thống 5.886 con sông và 521 hồ trong cả nước.

Tuy nhiên, cho đến nay, mới chỉ khoảng 25% nguồn dự trữ nước ngọt nói trên được khai thác, và chưa đến 5% trong số này được sử dụng đáp ứng nhu cầu của các đô thị, ngành công nghiệp và hộ gia đình, và phần còn lại hơn 20% là để tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Ông Djoko Kirmanto lưu ý rằng các đảo Kalimantan, Papua và Sumatra chiếm tới 82% dự trữ nước ngọt của cả nước, trong khi đảo Java chỉ chiếm có 4%, nên sự mất cân đối giữa nguồn cung và dân số cũng làm trầm trọng hơn vấn đề thiếu nước tại Java.

Tình hình đáng lo ngại tương tự cũng đang xẩy ra với đảo du lịch Bali và các tỉnh West và East Nusa Tenggara.

Ông Djoko Djoko Kirmanto đã kêu gọi các trường đại học và các cơ quan học thuật trong nước giúp quản lý tài nguyên nước quốc gia, bởi trước năm 2000, mức độ chuyên môn cần thiết cho quản lý tài nguyên nước còn tương đối đơn giản với các yêu cầu về giải pháp kỹ thuật kỹ thuật để tích hợp các vấn đề nông nghiệp, kinh tế, tổ chức quản lý và giới tính, song hiện tại đòi hỏi những kiến thức chuyên môn tổng hợp, toàn diện để tích hợp với cả những vấn đề chính trị, kinh tế môi trường xanh, thay đổi khí hậu và văn hóa./.

Việt Tú/Jakarta (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục