Đảo ngọc Phú Quốc đã sẵn sàng "cất cánh bay lên"

Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc chuẩn bị đi vào hoạt động, kết nối đảo ngọc với thế giới và đưa nơi đây thành trung tâm du lịch sinh thái mang tầm quốc tế.
Ngày 15/12 tới đây, Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc sẽ được khánh thành đưa vào hoạt động, kết nối đảo ngọc Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang với thế giới.

Đây là sự kiện đánh dấu sự quyết tâm của Trung ương, địa phương và đồng thuận của nhân dân Kiên Giang để xây dựng Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng mang tầm khu vực và quốc tế.

Đây còn là thông điệp “Phú Quốc - Đảo ngọc - Liên kết và phát triển” gửi đến các nhà đầu tư, anh em bè bạn khắp năm châu lục đến với Phú Quốc xinh đẹp nơi vùng đất “chín Rồng” của đất nước Việt Nam.

Phú Quốc “bay lên”

Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc xây dựng tại xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc (Kiên Giang) khởi công tháng 11/2008, diện tích 905ha, tổng vốn đầu tư 16.206 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2008-2020 là 8.050 tỷ đồng do Tổng Công ty Hàng không dân dụng miền Nam đầu tư.

Đến nay, Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc đã hoàn thành đưa vào sử dụng các hạng mục, gồm: Đường hạ và cất cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng; nhà ga hành khách đầu tư 1.576 tỷ đồng và trung tâm quản lý bay đầu tư 70 tỷ đồng. C ảng này đạt cấp 4E theo tiêu chuẩn của tổ chức hàng không thế giới ICAO, có khả năng tiếp nhận các loại máy bay hiện đại như: Boeing 777, Boeing 747-400 và tương đương, công suất 7 triệu hành khách/năm, lượng hàng hóa qua cảng 27.600 tấn/năm. Đây là dự án sân bay tầm cỡ quốc tế đầu tiên được triển khai tại Việt Nam theo hình thức 100% vốn đầu tư của doanh nghiệp.

Ngày 8/11, Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc đã tiến hành bay hiệu chuẩn để kiểm tra kỹ thuật trước khi đưa vào khai thác.

Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc đi vào hoạt động khai thác những chuyến bay tầm trung, tầm xa nối Phú Quốc với thủ đô Hà Nội, các tỉnh phía Bắc, các nước trong khu vực và thế giới, tạo sức mạnh nội lực khai thác hiệu quả những lợi thế, tiềm năng kinh tế Phú Quốc, nhất là du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và đầu tư thương mại. Đây còn là một trong những động lực quan trọng tạo đà cho Phú Quốc “bay lên”, phát triển hòn đảo ngọc này trở thành đặc khu kinh tế của đất nước.

Từ đây, những sản phẩm đặc sản, đặc trưng nổi tiếng của Phú Quốc như: nước mắm, hồ tiêu, ngọc trai, rượu sim, thủy sản các loại sẽ đến với khách hàng nhanh hơn để đổi lấy ngoại tệ về làm giàu cho Phú Quốc.

Đặc biệt, khách du lịch có điều kiện thuận lợi, dễ dàng đến với Phú Quốc để khám phá bao điều bí ẩn, kỳ thú đang ẩn mình nơi hòn đảo ngọc. Các doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước chinh phục, đầu tư khai thác, biến Phú Quốc thành “đất vàng, đất ngọc” như đúng tên gọi: Phú Quốc.

Huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư

Ngoài Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang huy động các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, với nhiều dự án công trình đã và đang triển khai thực hiện ở Phú Quốc.

Từ nguồn trái phiếu Chính phủ, Cảng biển Quốc tế An Thới, vốn đầu tư 150 tỷ đồng hiện nay đã xây dựng xong phần cầu cảng và đang đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện các hạng mục phụ trên bờ để đưa vào hoạt động, góp phần phát triển kinh tế biển-đảo.

Tiếp đến, đường vòng quanh đảo và đường trục chính Bắc-Nam đảo, tổng chiều dài hơn 200km, vốn đầu tư 7.500 tỷ đồng, nguồn trái phiếu Chính phủ, đến nay đã thi công xây dựng hơn 82 km, gồm các tuyến: Dương Đông-Cửa Cạn, Dương Đông-Cửa Lấp, Cửa Cạn-Gành Dầu, Dương Đông-Suối Cái-Bãi Thơm, Dương Đông-An Thới, vốn đầu tư 4.455 tỷ đồng. Hệ thống giao thông đường bộ trọng yếu này khi hoàn thành kết hợp với Cảng hành không Quốc tế tạo cho Phú Quốc bộ mặt đô thị hiện đại, sức bật phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Ngoài ra, dự án cáp ngầm 110Kv Hà Tiên-Phú Quốc xuyên biển dài 55,8km, công suất truyền tải 131 MVA, tổng vốn đầu tư 2.336 tỷ đồng từ nguồn vay Ngân hàng Thế giới và vốn Tổng Công ty Điện lực miền Nam dự kiến khởi công vào quý 2/2013, dự kiến hoàn thành cuối năm 2014, đưa lưới điện quốc gia ra đảo. Dự án Nhà máy nhiệt điện Phú Quốc 200 MW xây dựng tại xã Gành Dầu do Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam đầu tư đã phê duyệt quy hoạch địa điểm, dự kiến đầu tư 2 giai đoạn 2015 - 2020 và sau năm 2020.

Phú Quốc còn đang nâng cấp hồ nước và hệ thống cấp nước Dương Đông từ 5.000 m3/ngày lên 16.500 m3/ngày, với vốn đầu tư 12,87 triệu USD từ nguồn vay Ngân hàng Thế giới và vốn ngân sách đối ứng, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2015.

Hiện nay, Phú Quốc có 1.295 doanh nghiệp, vốn đăng ký 24.804 tỷ đồng, trong đó 480 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch. Đã thu hút được 219 dự án đầu tư trong các khu quy hoạch, diện tích 10.470 ha, trong đó 72 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn 73.482 tỷ đồng và 147 dự án chấp nhận chủ trương đầu tư đang trong giai đoạn lập quy hoạch chi tiết và lập dự án đầu tư. Trong tổng số các dự án nêu trên, có 9 dự án đi vào hoạt động, vốn đầu tư 713 tỷ đồng; 14 dự án đang triển khai xây dựng, vốn đầu tư 5.688 tỷ đồng.

Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc cho biết trước thời khắc đảo ngọc Phú Quốc kết nối với quốc tế, kinh tế-xã hội Phú Quốc có nhiều chuyển biến tích cực. Giai đoạn 2005-2012, kinh tế đạt mức tăng trưởng cao và ổn định, GDP tăng bình quân hơn 22%/năm và năm 2012 này, GDP ước đạt 2.145 tỷ đồng tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với năm 2004; GDP bình quân đầu người ước đạt 50 triệu đồng/người/năm. Khách du lịch tăng bình quân 13%/năm và năm nay ước đạt 362.281 lượt người. Hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu đã được quy hoạch và triển khai đầu tư.

Đảo Phú Quốc là đảo lớn nhất và đông nhất của Việt Nam, với diện tích 589km2, dân số hơn 100.000 người. Đây là một trong các khu vực động lực phát triển kinh tế của tỉnh Kiên Giang và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển và rừng, du lịch - dịch vụ, nông nghiệp sinh thái chất lượng cao, nuôi trồng và đánh bắt hải sản.

Theo điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Phú Quốc sẽ trở thành đặc khu kinh tế hành chính trực thuộc Trung ương; trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp quốc gia và quốc tế; trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực; đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và hàng không quốc tế; trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ chuyên ngành; bảo tồn sự đa dạng sinh học rừng và biển của quốc gia và khu vực./.

Lê Huy Hải (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục