Đào tạo nhân lực: Chú trọng đầu vào hay đầu ra?

So với học phí các trường đại học công lập khác thì học phí của Đại học FPT không “mềm”: 8.800 USD cho cả 8 kỳ học, chưa bao gồm chi phí học thêm tiếng Anh. Tuy nhiên, các sinh viên được tạo điều kiện vay đến 90% học phí và chấp nhận “cắm” bằng đại học lại để trả dần trong 5 năm kể từ khi tốt nghiệp.

Phương thức đào tạo mới - quan tâm đến kết quả đầu ra thay vì quá chú trọng đầu vào và thả lỏng đầu ra đang được nhiều trường đại học lựa chọn. Vậy, xu hướng này nên được nhìn nhận như thế nào?
“Tôi đảm bảo các bạn sẽ có việc làm với mức lương mơ ước ngay sau khi tốt nghiệp. Là người tuyển dụng, tôi biết các bạn cần học những gì”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT đã kết thúc hơn 40 phút nói chuyện với các sinh viên, phụ huynh trường Đại học FPT cuối tháng 8 vừa qua như vậy.

Không chỉ riêng Đại học FPT mà khá nhiều trường Đại học hiện nay cũng đang chọn cho mình phương thức đào tạo mới - quan tâm đến kết quả đầu ra thay vì quá chú trọng đầu vào và thả lỏng đầu ra. Vậy, xu hướng này nên được nhìn nhận như thế nào?

"Thành công" = "lương cao" + "chủ sử dụng hài lòng"

Những học viên chuyên ngành Công nghệ thông tin, trường Đại học FPT chuẩn bị "ra lò". Dự báo, nguồn nhân lực này là nhân tốc đắc lực phục vụ quá trình phát triển kinh tế quốc gia trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay. Thừa thắng xông lên, năm nay, trường tiến hành tuyển sinh khóa đầu tiên về chuyên ngành đào tạo Quản trị kinh doanh.

Chương trình học Quản trị kinh doanh của trường được thiết kế theo khung chuẩn của ba trường Đại học nổi tiếng ở Mỹ. Ngoài các kiến thức chuyên sâu về quản trị kinh doanh, về ứng dụng công nghệ thông tin vào quản trị kinh doanh, các học viên còn được học về các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc theo nhóm, điều phối, đàm phán và thuyết phục…

Năm thứ nhất chương trình có dạy bằng cả tiếng Việt nhưng từ năm thứ 2 trở đi, sinh viên được học hoàn toàn bằng tiếng Anh. Sinh viên có 1 năm làm việc tại vị trí thực tập sinh tại các doanh nghiệp và được nhận lương như những lao động khác.

So với học phí các trường đại học công lập khác thì học phí ở đây không “mềm”: 8.800 USD cho cả 8 kỳ học, chưa bao gồm chi phí học thêm tiếng Anh. Tuy nhiên, các sinh viên được tạo điều kiện vay đến 90% học phí và chấp nhận “cắm” bằng đại học lại để trả dần trong 5 năm kể từ khi tốt nghiệp.

Lí giải cho phương thức đào tạo rất mới trên, ông Nguyễn Xuân Phong, Phó hiệu trưởng trường Đại học FPT cho biết đó là vì trường đào tạo người lao động đúng những kỹ năng mà doanh nghiệp cần.

Cùng chung xu hướng đào tạo như Đại học FPT, trường Đại học Đại Nam với sự tham gia của Ngân hàng VP Bank cũng đưa ra cam kết việc làm, lương cao cho sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp. Theo ông Lê Đắc Sơn, đại diện Ngân hàng VP Bank thì nhân lực ngành ngân hàng đang không phát triển kịp với tốc độ phát triển của ngành này.

Tận dụng lợi thế của mình, trường Đại học Đại Nam tập trung đào tạo nhân lực trong ngành tài chính, ngân hàng với chương trình đào tạo nhắm đến nhu cầu của các doanh nghiệp.

Bên cạnh VPBank, trường Đại học Đại Nam còn bắt tay với hàng loạt ngân hàng lớn như Ngân hàng TMCP Quân đội, Techcombank… để các sinh viên có môi trường vừa học vừa làm, có khả năng làm việc được ngay sau khi tốt nghiệp.

Trong thực tế, không nhiều cơ sở đào tạo ở Việt Nam hiện nay “dám tự tin” khẳng định như vậy về sản phẩm đào tạo của chính họ.

Chú trọng đầu vào hay đầu ra?

Năm 2008, Chính phủ đã thành lập cả một ban chỉ đạo đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội nhưng trên thực tế ban chỉ đạo này chưa có những hoạt động cụ thể để việc đào tạo trở nên thực tế, hiệu quả hơn.

Trong bối cảnh nhân lực trình độ cao ở nước ta đang quá hiếm (nhiều doanh nghiệp phải tìm cách thuê các nhân viên quản lý bậc trung từ nước ngoài), nhưng các cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp từ các trường Đại học trong nước lại khó tìm việc, thì cam kết việc làm và chất lượng đào tạo sau khi tốt nghiệp trở thành xu thế mà các trường đại học hướng đến.

Hiện tại, chất lượng sinh viên sau khi tốt nghiệp vẫn là một vấn đề lớn với ngành giáo dục.

Trao đổi với Doanh Nhân, ông Đặng Như Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, ông đã nhiều lần chất vấn Bộ Giáo dục – Đào tạo về việc kiểm soát chất lượng đầu ra của giáo dục đại học nhưng vẫn chưa có được câu trả lời xác đáng.

“Mỗi kỳ tuyển sinh đại học, cả xã hội rầm rầm chạy theo các thông tin bao nhiêu người thi, bao nhiêu người bị loại, điểm chuẩn bao nhiêu, điểm sàn bao nhiêu… Tôi cho rằng sự quan tâm quá mức đó không cần thiết, gây lãng phí cho cả xã hội. Chuyện tuyển sinh đầu vào chỉ là câu chuyện nội bộ của ngành giáo dục. Cái mà xã hội nên quan tâm, đó là bao nhiêu sinh viên ra trường có việc làm và làm đúng nghề”, ông Lợi bình luận.

Theo ông Lợi, cần rất nhiều “cú hích” nữa mới có thể thay đổi được nhận thức xã hội và nhận thức của chính những nhà đào tạo. Việc đẩy mạnh xã hội hóa trong đào tạo giáo dục Đại học cũng nên được thực hiện quyết liệt, trong đó đặc biệt tạo cơ hội cho các doanh nghiệp lớn tham gia vào đào tạo và mở cửa sớm cho các trường nước ngoài đầu tư vào nước ta.

Bên cạnh đó, cần thiết phải ban hành chuẩn đầu ra cho giáo dục Đại học. Và một trong những tiêu chí của chuẩn này phải là việc làm, mức lương của sinh viên sau khi tốt nghiệp cùng sự hài lòng của chủ sử dụng lao động./.
 Bài viết này được đăng tải theo thỏa thuận bằng văn bản giữa Tạp chí Doanh nhân thuộc VCCI và Vietnam+
(Doanh nhân/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục