Đào tạo thêm 24 bác sỹ trẻ về làm việc ở vùng khó khăn

24 bác sỹ trẻ được lựa chọn đầu vào khắt khe sẽ được đào tạo chuyên khoa ở 8 chuyên ngành khác nhau: nội, ngoại, sản, nhi, hồi sức cấp cứu, gây mê, chẩn đoán hình ảnh và y học cổ truyền.
Đào tạo thêm 24 bác sỹ trẻ về làm việc ở vùng khó khăn ảnh 1Bắc sỹ trẻ tình nguyện khám bệnh cho người dân huyện Bắc Hà, Lào Cai. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Chiều 18/7, Bộ Y tế và Trường Đại học Y Hà Nội đã khai giảng lớp bác sỹ chuyên khoa cấp I, khoá V.

[Bảy bác sỹ tốt nghiệp khá giỏi tình nguyện lên công tác vùng cao]

Đây là một hoạt động trong khuôn khổ dự án thí điểm “Bác sỹ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn” do Bộ Y tế tổ chức.

Ông Nguyễn Minh Lợi - Phó Cục trưởng Cục Khoa học đào tạo (Bộ Y tế) cho hay, đợt này có 24 bác sỹ trẻ được lựa chọn theo các tiêu chuẩn đầu vào khắt khe sẽ được đào tạo chuyên khoa ở 8 chuyên ngành khác nhau: nội, ngoại, sản, nhi, hồi sức cấp cứu, gây mê, chẩn đoán hình ảnh và y học cổ truyền tại Trường Đại học Y Hà Nội trong 24 tháng trước khi về vùng khó khăn làm công tác tình nguyện.

Trước khi trúng tuyển, họ đã được tuyển dụng làm viên chức ở các bệnh viện tuyến Trung ương như Bệnh viện E và số bệnh viện đa khoa/trung tâm y tế tại huyện khó khăn của tỉnh Sơn La, Nghệ An, Bắc Kạn, Yên Bái, Lạng Sơn, Phú Thọ, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai…

Sau khi hoàn thành thời gian đào tạo, các bác sỹ trẻ sẽ công tác tại các huyện nghèo như đăng ký. Thời gian tối thiểu làm việc tại vùng khó khăn đối với bác sĩ nam là 3 năm, bác sỹ nữ là 2 năm. Riêng đối với các bác sỹ được các huyện nghèo cử đi đào tạo sẽ công tác lâu dài tại bệnh viện/trung tâm y tế huyện nghèo.

Tại lễ khai giảng, ông Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đã yêu cầu Trường Đại học Y Hà Nội và một số trường đại học y tổ chức đào tạo cho các bác sỹ trẻ tình nguyện tham gia dự án bảo đảm chất lượng, đạt chỉ tiêu vững vàng tay nghề về chuyên môn.

Chương trình đào tạo dành riêng cho các bác sỹ này do trường Đại học Y Hà Nội làm đầu mối biên soạn và đã được Bộ Y tế tổ chức thẩm định và phê duyệt.

Chương trình đào tạo chú trọng đến thực hành tay nghề chiếm 70% đơn vị học trình. Các bác sỹ sẽ được đào tạo như bác sỹ nội trú, theo hướng “cầm tay chỉ việc,” bên cạnh đó trường còn giao mỗi giảng viên trực tiếp hướng dẫn 1 học viên và có sự kiểm soát chặt chẽ kết quả đầu ra, bảo đảm khi ra trường họ có thể thực hiện tốt các kỹ thuật khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế tuyến huyện.

Trong thời gian đào tạo các bác sỹ được hỗ trợ tiền học phí, hưởng lương theo quy định và các chế độ khác của dự án.

Với 4 khóa đào tạo trước đó, đã có gần 80 bác sỹ trẻ đã và đang được đào tạo chuyên sâu, trong đó khóa học đầu tiên có 7 bác sỹ trẻ vừa được bàn giao về làm việc tại huyện nghèo ở các tỉnh Lào Cai, Bắc Kạn và Điện Biên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục