Dập dềnh những thân phận chèo đò mưu sinh

Trong nhịp sống ồn ào của thành phố du lịch biển Vũng Tàu, có những mảnh đời chèo đò lênh đênh, dập dềnh cùng sông nước.
Nằm trên địa bàn khu phố 4, 5, 6, 7 khu vực Cảng cá Bến Đình, phường 5, thành phố Vũng Tàu, xóm chèo đò là nơi những người từ nơi khác tìm về thành phố này mưu sinh, kiếm sống, mà phần lớn đều do cuộc sống ở nơi chôn rau cắt rốn quá khó khăn, không vốn liếng nghề nghiệp.

Đối với đàn ông, công việc chèo đò vốn đã vất vả, thế nhưng trong số 200 con đò ở xóm, đã có đến 40% là phụ nữ làm nghề này. Cuộc sống hàng ngày của cả gia đình họ trông chờ cả vào việc chèo đò chở khách, hoặc chở cá thuê cho các tàu lớn.

Ông Nguyễn Khắc Tứ - Trưởng khu phố 5, thành phố Vũng Tàu cho biết: “Xuất phát từ nhu cầu đi lại của ngư dân và nhu cầu chở hàng hóa phục vụ các tàu đánh bắt xa bờ, dịch vụ chèo đò này đã xuất hiện. Họ từ nhiều tỉnh, thành phố khác như Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi tập trung về đây mưu sinh kiếm sống qua ngày”.

Chị Trần Thị Tiên năm nay 53 tuổi, đến từ Bình Định, là cư dân của xóm chèo đò được 20 năm. Ban đầu, gia đình 4 thành viên của chị chỉ trông chờ vào khoản thu nhập từ nghề xẻ cá thuê. 5 năm sau, cũng chính vì cơ cực, bần hàn mà người chồng đã bỏ mẹ con chị ra đi sau một cơn bạo bệnh.

Dồn hết vốn liếng và vay mượn người thân, bạn bè, chị chuyển sang nghề chèo đò từ đó. Suốt 15 năm, ngày tàu vào bờ nhiều chị phải ra cảng Bến Đình từ tờ mờ sáng, giữa trưa trở về nhà, chỉ kịp ăn qua loa vài miếng cơm rồi lại ra bến để kịp đón khách. Những ngày cao điểm, một ngày làm việc của chị kết thúc vào lúc 12 giờ đêm.

Vất vả là vậy nhưng thu nhập của chị cũng chỉ tính theo ngày bởi 1 tháng các ghe đánh bắt chỉ cập bến từ 7-10 ngày, nên 20 năm qua cả gia đình chị vẫn phải ở nhà trọ, các con chị cũng phải nghỉ học nửa chừng để xin đi học nghề.

Lớn lên từ xóm vạn đò, Vũ Thị Mai, 30 tuổi, đã làm công việc này được 20 năm. Chồng chị đi biển làm mướn cho các tàu đánh bắt xa bờ. Một ngày làm việc cật lực chị cũng chỉ đưa được 5-6 chuyến đò cập bến, mỗi tháng tính ra thu nhập khoảng 700.000 đồng.

Ngoài ra, cứ 3 đến 4 năm người chèo đò lại phải thay đò một lần với chi phí từ 3 đến 4 triệu đồng một chiếc. Thu nhập chẳng đáng là bao mà còn phải lo tiền thay đò, nên chị Mai đang muốn tìm một công việc khác phù hợp và ổn định hơn để có thêm thu nhập lo cho con ăn học.

Công cuộc mưu sinh của họ còn luôn tiềm ẩn những nguy hiểm rình rập. Những chiếc đò nhỏ chưa được trang bị những thiết bị đảm bảo an toàn như áo phao cho khách, hoặc đôi khi ngư dân từ ngoài khơi về trong tình trạng say xỉn quậy phá, nên đã có trường hợp bị lật đò, chết người.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp chèo đò gần tàu đang chạy nên bị tàu ép dẫn tới nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra, đò cũng bị hư hỏng. Mặt khác, tình hình mất an ninh trật tự do tranh giành khách giữa những người chèo đò cũng đã và đang diễn ra tại khu vực này.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Phó công an phường 5, thành phố Vũng Tàu, sắp tới để tạo điều kiện cho những người dân nơi đây kiếm sống, và đảm bảo an ninh trật tự, xóm sẽ được giao cho Liên đoàn lao động thành phố Vũng Tàu quản lý, bố trí và sắp xếp lại các hoạt động sao cho hợp lý, không để xảy ra tình hình lộn xộn như hiện nay./.
Hoàng Nhị (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục