Dập tắt tin đồn để không làm xói mòn lòng tin

Thời gian gần đây, gắn liền những phiên giao dịch sụt giảm bất ngờ trên thị trường chứng khoán lại có những tin đồn thất thiệt gây tâm lý hoang mang cho các nhà đầu tư.

Những tin đồn nếu không triệt để xử lý tận gốc, sẽ làm xói mòn lòng tin của giới đầu tư, gây nghi ngại lẫn nhau trên thị trường.
Thời gian gần đây, gắn liền những phiên giao dịch sụt giảm bất ngờ trên thị trường chứng khoán lại có những tin đồn thất thiệt gây tâm lý hoang mang cho các nhà đầu tư.

“Tất nhiên tin đồn trong cuộc sống thì phải sống chung thôi! Nhưng với những tin đồn có quy mô lớn và lặp lại tương đối đều đặn như hiện nay, nhà nước nên có những biện pháp làm rõ, giải quyết triệt để các tin đồn này, nếu không sẽ là rất nguy hiểm”, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) nói.

Liên tiếp tin đồn
thất thiệt

Phiên giao dịch 23/10, VN-Index bất ngờ bị bẻ gãy đà tăng, cùng với đó một loạt tin đồn về chính sách vĩ mô phong tỏa thị trường.

Phiên giao dịch ngày 30, 31/11 và 1/12, nhà đầu tư bắt đầu tìm lại niềm tin giúp VN-Index tăng liền một mạnh 50 điểm (từ mức 464 điểm lên 514 điểm). Tuy nhiên tới phiên kế tiếp (2/12), VN-Index choáng váng trước đòn đánh phủ đầu của thị trường, quay thẳng về sát mốc 500 điểm.

Trong phiên 2/12, trên khắp thị trường nhà đầu tư xôn xao thông tin về việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ nâng dự trự bắt buộc, phát hành tín phiếu bắt buộc hay thậm chí là phát hành đồng tiền mệnh giá lớn. Thông tin trên đã tác động ít nhiều đến kết quả giao dịch của thị trường trong phiên.

Trong cùng ngày, khi Ngân hàng Nhà nước đã chính thức bác bỏ tin trên, mặc dù giải quyết được khâu tâm lý, nhưng các phiên sau đó cả người bán và người mua đều tỏ ra thận trọng. VN-Index duy trì dao động gần khu vực 500 điểm, thanh khoản giữ ở mức thấp.

Ngày 8/12, thị trường cắt đứt chuỗi giằng co bằng một phiên giảm sâu và dĩ nhiên, các nhà đầu tư lại được đón nhận một tin đồn thất thiệt về chính sách tiền tệ...

Đã đến lúc phải thẳng tay

Theo ông Nguyễn Tiến Hoàng, Trưởng phòng Marketing Công ty chứng khoán Quốc tế Hoàng gia, lý giải cho việc nhà đầu tư luôn bị tin đồn tác động đến tâm lý là bởi trong số các tin đồn trên thị trường lại có những thông tin sau đó là sự thực.

Trong thời điểm thị trường sôi động, các tin đồn xuất hiện trên thị trường và đi cùng với đó là những động thái "kích hoạt? chứng khoán lên giá đã khiến cho không ít nhà đầu tư tin vào thông tin kiểu này và dựa và nó để ra quyết định.

Cô Nguyễn Thị Phát, nhà đầu tư tại Công ty chứng khoán Hà Nội cho biết: “Tôi thường ít lên sàn, nhưng có người bạn đầu tư lớn ở sàn khác thường nắm được những tin đồn và cho tôi biết. Có lần tôi nghe tin đồn về chia thưởng cổ phiếu của mã KLS, tôi mua dần và sau đó cũng 'ăn' được 3 phiên”.

Trong khi đó, ông Ngọ Xuân Quang, nhà đầu tư tại Công ty chứng khoán Vietcombank lại cho hay, hoạt động chia thưởng cổ tức của hai mã cổ phiếu SJS và SSI đã được bạn bè cho biết trước khi có tin chính thức. Mặc dù bán tín, bán nghi nhưng khi quan sát chiều hướng tăng giá của hai mã này trên thị trường, ông Quang đã tham gia đầu tư hai mã này tại thời điểm đó.

Chính vì lẽ đó, nhiều nhà đầu tư đã tỏ ra quan tâm nhiều hơn tới các thông tin không chính thức. Họ nhanh chóng truyền tai nhau và coi đó như một phần thông tin hữu ích để lý giải cho xu thế tăng, giảm của một mã chứng khoán, hay rộng hơn là xu thế của cả thị trường.

“Hay thật đấy, nhiều khi tôi thấy tin đồn cũng chính xác vì vậy cũng quyết định theo xu thế, vừa kiếm được lợi nhuận lại an toàn”, cô Phát nói.

Khó có thể trách giới đầu tư khi nhiệt tình đón nhận các nguồn tin không chính thức. Câu chuyện đặt ra ở đây là những nhóm người phát tán tin đều hướng tới hành vi trục lợi cá nhân, lũng đoạn thị trường.

Liên quan tới tin đồn, đầu tháng 12/2009, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ký Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với nhà đầu tư Phạm Quốc Thắng và Trần Công Phước (là nhân viên Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức, MCK: TDH) đã sử dụng thông tin nội bộ về việc phát hành cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 2:1 của TDH để mua, bán chứng khoán TDH. Mức hình phạt của mỗi người là 50 triệu đồng.

Ý kiến của không ít nhà đầu tư, cũng như đại diện một số công ty chứng khoán cho rằng nên phạt thẳng tay và làm mạnh một số trường hợp điển hình, cần thiết thì cơ quan công an cũng nên vào cuộc, có như thế mới giải quyết được vấn đề.
 
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Tiến Hoàng cũng nhấn mạnh, hoạt động phao tin đồn phải xử lý tận gốc, đặc biệt là hiện tượng rò rỉ thông tin nội bộ thì nên phạt thật nặng, nếu không dễ tạo ra tiền lệ xấu trên thị trường.

Còn đối với những thông tin vĩ mô, ông Nguyễn Duy Hưng khẳng định “tin đồn có quy mô như hiện nay sẽ làm xói  mòn lòng tin của các giới đầu tư đối với thị trường, gây nghi ngại giữa các nhân tố thị trường với nhau, như giữa các công ty chứng khoán hay các nhóm nhà đầu tư”./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục