Đất Thanh Hà: Giá “bay” trên hợp đồng mù mịt

Chủ đầu tư là khẳng định vẫn đang tiến hành giải phóng mặt bằng, nhưng đất khu này vẫn đang được rao bán khắp các diễn đàn nhà đất.
Chắt bóp dành dụm cả chục năm trời, anh Thành mới dám mạnh dạn đi “ngó nghiêng” một số khu đô thị ven Hà Nội để kiếm một mảnh đất. Theo anh, những nơi này dù có hơi xa trung tâm Hà Nội nhưng giá cả “mềm” hơn nhiều so với khu vực nội thành. Tuy nhiên, những bản hợp đồng mua đất nhập nhằng giữa công ty trung gian và nhà đầu tư đang tiềm ẩn rủi ro và khiến nhiều người mua chịu thiệt thòi. Mỏi cổ ngước “giá…hợp đồng” Khu đô thị Thanh Hà tọa lạc trên địa phận hai xã Phú Lương (dự án Thanh Hà A) và xã Cự Khê (dự án Thanh Hà B) do Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 làm chủ đầu tư là nơi được anh Thành nhắm đến đầu tiên. Thế nhưng theo dõi giá đất khu vực này một thời gian, anh phát hoảng. Chần chừ với mức giá 13 triệu đồng/m2 mà giới đầu tư kháo nhau, anh Thành được một phen tiếc ngẩn ngơ vì chỉ sau đó một tuần, giá đất tại khu vực này đã vọt lên 17 triệu đồng/m2. “Chỉ sau nửa tháng, giá các lô đất tại đây đã nhảy lên 19 triệu đồng/m2. Với số tiền mình có thì đành chào thua,” anh Thành thở dài. Còn theo anh Nguyễn Quốc Hùng, người đã có thâm niên cả chục năm “lướt sóng” nhà đất, giá cả tại khu vực Thanh Hà đã có dấu hiệu tăng tốc từ đầu năm nay. Hiện giá đất tại khu liền kề (diện tích 100m2) đã  lên tới 22-23 triệu đồng/m2. Chúng tôi thử tìm đến Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Hoàng Hải (Đại Kim, Hoàng Mai) để liên hệ mua đất. Cô nhân viên môi giới hớn hở khoe trong tháng trước công ty đã bán được hàng chục lô đất của dự án Thanh Hà B, hiện không còn lô đất nào trong thời gian này. Để nắm rõ hơn về khu đất đang rêu rao khắp các diễn đàn mua bán, chúng tôi tìm về xã Cự Khê, nơi dự án diễn ra. Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Thanh Ngọc, Bí thư xã Cự Khê, khẳng định: “Hiện tại, dự án Thanh Hà B tại xã mới trong giai đoạn giải phóng mặt bằng. Tới thời điểm này mới giải phóng được một trong số sáu thôn. Có thể hết năm nay, việc giải phóng mặt bằng mới hoàn tất được.” Thế nhưng ông Ngọc cũng băn khoăn rằng không hiểu tại sao vẫn có các công ty bất động sản rao bán đất ở khu này. Với dự án Thanh Hà A tại xã Phú Lương, tình hình còn “nghẽn” hơn khi phần lớn người dân nơi đây chưa chấp nhận mức đền bù. Bởi thế, việc giải phóng mặt bằng còn ở tình trạng “treo” vô thời hạn. Nhập nhằng hợp đồng mua đất Anh Trần Thanh Tuấn là một người dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực này đang có ý định mua đất dự án Thanh Hà. Tìm đến Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ 1/5 tại Khu đô thị mới Trung Hòa, Nhân Chính , anh chưa kịp hỏi đã được nhân viên môi giới của công ty giới thiệu cho hàng chục lô, từ đất liền kề tới biệt thự. Kinh nghiệm hàng chục năm “lướt sóng” mách bảo anh Tuấn phải kiểm tra kỹ hợp đồng trước khi mua bán. Anh yêu cầu Công ty 1/5 phải đưa ra bản hợp đồng kí kết với chủ đầu tư Cienco 5. Tuy nhiên, cầm hợp đồng trên tay, anh Tuấn mới té ngửa bởi thực chất, Công ty 1/5 chỉ có quyền thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư tại vị trí khu…biệt thự! “Hợp đồng mù mịt thế này chả khác gì đánh lừa người mua,” anh Tuấn bức xúc. Quá tức tối trước sự lập lờ của Công ty 1/5, anh Tuấn liền quyết định rút lại tiền đặt cọc vì “mua bán như vậy thì tiền của mình đổ cho công ty đó khác gì gió vào nhà trống.” Theo lời quảng cáo trên một diễn đàn mua đất, chúng tôi tìm đến Công ty cổ phần Xây dựng đô thị Bắc Hà (Hà Đông, Hà Nội). Anh nhân viên môi giới tại đây cho biết, với những người muốn mua, giá gốc trong hợp đồng sẽ là 13 triệu đồng/m2. Đó là chưa tính tiền chênh lệch khoảng vài trăm triệu đồng. Mọi người sẽ phải đặt cọc 50-100 triệu đồng khi ký hợp đồng. Tuy nhiên, khi trực tiếp xem mẫu hợp đồng mà anh này cung cấp, chúng tôi lại không khỏi băn khoăn bởi hợp đồng có ghi cụ thể: “Kể từ thời điểm hoàn thành việc giải phóng mặt bằng cho đến thời điểm hạ tầng kỹ thuật được xây dựng xong, bên A chỉ được huy động vốn từ tiền ứng trước của bên B theo đúng quy định của pháp luật và phải được bên B chấp thuận bằng văn bản.” Nhưng thực tế, không phải ai cũng tỉnh táo như anh Tuấn, không ít người mua vẫn khó cưỡng nổi sức hút từ dự án này. Thậm chí, để có thể sở hữu được một “mảnh đất vàng” tại khu vực này, nhiều nhà đầu tư không ngại ngần chấp nhận khung giá cao hơn nhiều so với hợp đồng gốc đã ký. Điều này đã tạo cơ hội cho rất nhiều kẻ đầu cơ đất trục lợi ngay trên dự án đất Thanh Hà này. Nhận định về sự việc trên, luật sư Trần Đình Triển (Văn phòng luật sư Vì dân, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội), cho rằng sự nhập nhèm trong hợp đồng mua bán  qua các nhà đầu tư thứ cấp chỉ khiến người mua chịu thiệt. “Họ phải bỏ ra số tiền không nhỏ chỉ để ký hợp đồng với những công ty thứ cấp, thậm chí là cò mồi. Một khu đất có thể bán cho 5, 7 người. Như vậy, yếu tố rủi ro là rất lớn,” ông Triển cảnh báo. Tiến sỹ Phạm Sĩ Liêm, Phó tổng hội Xây dựng Việt Nam, thì nhận định thật khó biết giá thành thực sự của những lô đất này là bao nhiêu. Giá chênh lệch lớn thì người kinh doanh bất động sản được nhiều. Tuy nhiên, số tiền đó sẽ phải chia sẻ không ít. “Cuối cùng, chỉ có người mua là thiệt,” ông Liêm khẳng định.
Cienco 5 chưa giao dịch bất động sản tại Thanh Hà

Ông Nguyễn Tam Nghệ Hưng, trưởng phòng tổ chức hành chính của Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5, khẳng định đến thời điểm hiện tại, các dự án vẫn đang trong giai đoạn triển khai giải phóng mặt bằng. Công ty chưa phê duyệt dự án kinh doanh nên chưa tiến hành giao dịch bất động sản tại khu đô thị Thanh Hà.

Khi chúng tôi đưa ra hợp đồng mua nhà dự án Thanh Hà của một số công ty thì ông Hưng có thái độ khá dè dặt và không bình luận gì thêm. 
Xuân Dũng - Mạnh Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục