"Đặt thị trường trong nước đúng vị trí, yêu cầu"

Một nhiệm vụ mà ngành Công Thương tập trung thực hiện trong năm 2010 là đặt thị trường trong nước đúng vị trí, yêu cầu của nó.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, Vũ Huy Hoàng, để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2010 là 6,5% theo chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra, ngành công thương sẽ phải tập trung vào ba nhóm vấn đề chính là: Phát triển công nghiệp; mối quan hệ giữa thị trường trong nước với thị trường bên ngoài và bố trí lại sản xuất các mặt hàng xuất khẩu.

Nhân dịp đón Xuân Canh Dần 2010, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng có cuộc trao đổi với phóng viên  VietNam+ xung quanh ba vấn đề trên.

-Thưa Bộ trưởng, xin Bộ trưởng có thể cho biết những vấn đề đặt ra đối với việc tái cấu trúc lại hoạt động của ngành Công thương trong thời gian tới?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng
: Có thể nói trong thời gian vừa qua, công nghiệp nước ta đã đạt được rất nhiều thành tích. Trong đó, nổi bật là lĩnh vực công nghiệp năng lượng, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp gia công chế biến hàng xuất khẩu. Trong những lĩnh vực này, nhiều mặt hàng, nhiều sản phẩm thiết yếu, chúng ta đã tự sản xuất được và đáp ứng cơ bản những yêu cầu cần thiết của đời sống xã hội, sinh hoạt của nhân dân. Nhiều mặt hàng khác, chúng ta không những đáp ứng đủ cho nhu cầu trong nước, mà còn dư để xuất khẩu.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì cũng còn bộc lộ một số hạn chế trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Thứ nhất là công nghiệp hỗ trợ. Đây là lĩnh vực được chúng ta quan tâm nhiều nhưng vẫn là khâu yếu. Tôi nghĩ không phải chỉ năm 2010, mà phải nhiều năm tiếp theo chúng ta cần quan tâm hơn nữa, tập trung hơn nữa để phát triển cho được công nghiệp hỗ trợ.

Thứ hai, chúng ta phải tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến khoáng sản, tài nguyên, thực hiện chủ trương không xuất khẩu nguyên liệu thô, bằng cách là phải phát triển những cơ sở sản xuất, cơ sở tinh chế tài nguyên khoáng sản. Làm được như vậy, chúng ta vừa nâng cao được giá trị của sản phẩm, đồng thời cũng giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động và đóng góp vào gia tăng về giá trị sản xuất công nghiệp. Đấy là những đơn cử về việc tái cấu trúc lại trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chưa nói nếu đứng ở bình diện tổng thể thì cũng phải tính đến một số nội dung khác như căn cứ vào khả năng của công nghiệp trong nước để có sự điều chỉnh phù hợp trong định hướng thu hút công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Xét ở bình diện này, chúng ta cần phải tập trung vào kêu gọi đầu tư nước ngoài đầu tư vào những lĩnh vực, những dự án mà chúng ta chưa có khả năng thực hiện, những dự án công nghệ cao đòi hỏi có vốn đầu tư lớn yêu cầu trình độ quản lý phức tạp, giảm thiểu và tốt nhất là khắc phục triệt để tình trạng đưa đầu tư nước ngoài vào hoạt động trong những lĩnh vực mà chúng ta đã có khả năng.

- Thế còn nhóm vấn đề thứ hai, về mối quan hệ giữa thị trường trong nước với thị trường bên ngoài, thưa Bộ Trưởng?


Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng
: Mối quan hệ giữa thị trường trong nước với thị trường bên ngoài cần phải được xem xét theo cách tiếp cận mới. Bài học kinh nghiệm của năm 2008 và năm 2009 cho chúng ta thấy rằng, thị trường trong nước cực kỳ quan trọng. Nó quan trọng ở chỗ, không phải chỉ là để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu cho đời sống của nhân dân, cho sản xuất trong nước, mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, nhất là đối với sản phẩm nhập khẩu, đồng thời, chúng ta cũng tăng cường được tính độc lập, sự tự chủ trong phát triển kinh tế.

Thực tế năm 2009 cho thấy, khi chúng ta bị ảnh hưởng nghiêm trọng của khủng hoảng tài chính thế giới, xuất khẩu giảm… thì việc gia tăng tiêu dùng trong nước đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp, nhất là những tháng cuối năm 2009. Vì vậy, tôi cho rằng, một mặt chúng ta vẫn tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng mặt khác cần phải đặt thị trường trong nước đúng ở vị trí của nó, đúng ở yêu cầu của nó. Đấy là một trong những nhiệm vụ mà ngành Công Thương phải tập trung chỉ đạo thực hiện trong năm 2010 và những năm tới.

- Cơ cấu hàng xuất khẩu của nước ta nếu giữ như mặt bằng hiện nay sẽ khó có những bước đột phá được, vậy thưa Bộ trưởng, Bộ Công thương có những giải pháp gì để nâng cao chất lượng và tỉ trọng  hàng  xuất khẩu?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Vấn đề thứ ba trong tái cấu trúc, đó là cơ cấu hàng xuất khẩu. Vừa qua chúng ta cũng đạt được một số thành tích trong xuất khẩu. Năm 2007, xuất khẩu tăng hơn so với năm 2006 khoảng 23%, năm 2008 tăng hơn so với năm 2007 khoảng 29%. Năm 2009, mặc dù trong điều kiện thị trường rất khó khăn, song hầu hết các sản phẩm xuất khẩu của nước ta đều tăng về khối lượng, nhưng vì giá quá thấp, nên kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng 9,5% so với năm trước. Tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay thì kết quả đó cũng là một sự nỗ lực hết sức lớn của cả nước, của các địa phương, các hiệp hội, ngành nghề, các doanh nghiệp và cũng là thể hiện hiệu quả về công tác chỉ đạo của Chính phủ, cũng như sự đóng góp của ngành Công Thương trong công tác xuất khẩu.

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu của chúng ta vẫn chưa khắc phục được một sô hạn chế, yếu kém đã tồn tại từ lâu nay. Đó là hàng nông nghiệp, thủy sản vẫn chiếm một tỷ trọng lớn; hàng công nghiệp tỷ trọng không cao, trong đó lại tập trung vào mảng xuất khẩu tài nguyên như: dầu thô, than đá… Hay nói một cách khác, việc xuất khẩu những hàng hóa công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao như hàng điện tử, lĩnh vực cơ khí chế tạo, hàng đã qua chế biến… vẫn còn rất khiêm tốn, và nếu tình hình vẫn cứ như thế này thì khó có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong những năm tới.

Vì thế, tôi nghĩ rằng, cần phải tập trung vào việc nghiên cứu, thực hiện một loạt các giải pháp để thay đổi dần cơ cấu hàng xuất khẩu, theo hướng tăng khu vực hàng công nghiệp, sản phẩm cơ khí chế tạo, tăng xuất khẩu sản phẩm giá trị gia tăng cao, giảm bớt xuất khẩu sản phẩm thô và tìm mọi cách thúc đẩy xuất khẩu những sản phẩm mà chúng ta có lợi thế trong lĩnh vực nông sản, thủy sản… Đây là những vấn đề ngành Công Thương phải làm nhằm góp phần tái cấu trúc nền kinh tế nói chung, trong đó có tái cấu trúc hoạt động công nghiệp, thương mại nói riêng.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng./.


Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục