Dấu ấn của quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khi dẫn dắt Viettel

Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã để lại dấu ấn rất rõ nét trong quá trình dài công tác tại Tập đoàn Viettel.
Dấu ấn của quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khi dẫn dắt Viettel ảnh 1Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng đã rất thành công khi lãnh đạo Viettel. (Nguồn: Viettel)

Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã để lại dấu ấn rất rõ nét trong quá trình dài công tác tại Tập đoàn Viettel.

Đầu tư về vùng khó

Nguồn tin từ Viettel cho hay, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng là một trong số không nhiều người có mặt ở Viettel ngay từ những ngày đầu thành lập (1989) cho tới nay. Ông gắn liền với lịch sử phát triển của Viettel, từ một đơn vị thuộc Binh chủng Thông tin liên lạc phát triển thành Tổng Công ty (năm 2005) trực thuộc Bộ Quốc phòng, trở thành Tập đoàn Viễn thông Quân đội (năm 2009) và nay là Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (năm 2018).

[Viettel sẽ ra sao khi không còn tướng Nguyễn Mạnh Hùng chèo lái?]

Trong suốt gần 30 năm công tác, tướng Hùng cùng ban lãnh đạo Viettel đã có nhiều quyết sách trong việc đưa Viettel từ vị trí nhỏ bé trở thành doanh nghiệp viễn thông hùng mạnh, dẫn đầu tại Việt Nam và vươn ra thị trường quốc tế.

Thế nhưng, nếu chỉ tính riêng trong hơn 4 năm đảm nhiệm cương vị Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng đã để lại nhiều dấu ấn có tính chất quyết định tương lai của doanh nghiệp này.

Dưới sự dẫn dắt của Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Viettel đã liên tục đi đầu, chủ động thực hiện những nhiệm vụ khó như đầu tư hạ tầng mạng lưới băng rộng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; phát triển các công cụ, công nghệ bảo vệ không gian mạng, tham gia nghiên cứu sản xuất thiết bị mạng viễn thông, vũ khí công nghệ cao, làm chủ không gian mạng và bảo đảm an toàn thông tin quốc gia.

Bên cạnh đó, Viettel cũng là doanh nghiệp nhà nước hiệu quả nhất, đóng góp nhiều nhất cho ngân sách quốc gia với doanh thu đạt 12 tỷ USD, lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 27%, lợi nhuận lớn nhất đạt 42.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước lớn nhất đạt 41.000 tỷ đồng, thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam đạt 2,6 tỷ USD.

Về ngành viễn thông, trong 4 năm qua, Viettel đã có những bước đầu tư đột phá cho hạ tầng viễn thông. Mạng cố định siêu băng rộng bằng công nghệ cáp quang GPON đã được đầu tư đến từng hộ gia đình kể cả vùng nông thôn và miền núi. Chỉ trong 6 tháng, mạng 4G của Viettel đã phủ đến 95% dân số đô thị và 90% dân số toàn quốc…

Về chính phủ điện tử, ông Hùng đã đề ra giải pháp đưa công nghệ thông tin trở thành dịch vụ, giống như dịch vụ viễn thông, để tránh việc các Bộ, ngành, đơn vị, cũng như các doanh nghiệp phải đầu tư. Điều này sẽ giảm thiểu chi phí về duy trì đội ngũ phụ trách mảng công nghệ thông tin, giảm chi phí đầu tư ban đầu, tránh rủi ro về việc thay đổi công nghệ…

Viettel cũng là doanh nghiệp viễn thông đầu tiên và duy nhất của Việt Nam kinh doanh dịch vụ viễn thông tại nhiều thị trường nước ngoài. Hiện, Viettel đã kinh doanh tại 10 quốc gia tại châu Á, châu Phi và châu Mỹ.

Việc đẩy mạnh đầu tư ra các thị trường ngoài Việt Nam là chiến lược mà Viettel theo đuổi không chỉ nhằm mục tiêu phát triển lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin mà còn phục vụ cho lĩnh vực nghiên cứu sản xuất của đoàn này.

Dấu ấn của quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khi dẫn dắt Viettel ảnh 2Sau một tháng khai trương, Viettel đã có 2 triệu thuê bao tại Myanmar. (Ảnh: Viettel)

“Nghề mới” cho Viettel

Trước đây, Viettel chỉ kinh doanh dịch vụ viễn thông thuần túy. Thế nhưng, qua tầm nhìn và điều hành trực tiếp của Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Viettel đã bổ sung cho mình 3 ngành công nghiệp hoàn toàn mới với doanh nghiệp này.

[Tướng Nguyễn Mạnh Hùng làm Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ TT&TT]

Đó là ngành công nghiệp quốc phòng công nghệ cao; ngành công nghiệp điện tử viễn thông; ngành công nghiệp an ninh mạng.

Đơn cử như ở mảng nghiên cứu sản xuất, năm 2017, Viettel đạt doanh thu 12.500 tỷ đồng. Các thiết bị mạng lõi do tập đoàn sản xuất đã được đưa vào mạng lưới tại Việt Nam và cả thị trường quốc tế, trong đó có 300 trạm BTS 4G. Năm 2017, Viettel đã có 25 bằng sáng chế, gấp 3 lần năm 2016 và đứng thứ 3 cả nước.

Đây chính là cơ sở để đầu năm 2018, Chính phủ đã quyết định thông qua điều lệ và đổi tên Tập đoàn Viễn thông Quân đội thành Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội.

Bên cạnh đó, trong 2 năm qua, Viettel cũng có những chuyển dịch mang tính nền tảng để trở thành Tập đoàn toàn cầu với các tiêu chuẩn quốc tế theo hướng tinh gọn, linh hoạt, lấy khách hàng làm trung tâm.

Dưới sự lãnh đạo của Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, mô hình mới đã được thiết kế theo hướng tăng tính tự chủ của các đơn vị kinh doanh, tập đoàn chịu trách nhiệm dẫn dắt về chiến lược, tri thức, giảm số lớp, giảm chồng chéo giữa các đơn vị, hình thành các đơn vị kinh doanh theo các phân khúc khách hàng.

Bên cạnh đó, Viettel cũng thiết kế lại các quy trình tiếp xúc với khách hàng, đưa các công nghệ mới, tự động hoá quy trình để tăng trải nghiệm khách hàng; Xây dựng các trung tâm sáng tạo để kích thích việc hình thành và thực thi các ý tưởng mới. Cơ chế lương mới được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, trả lương theo giá trị tạo ra, định vị lương của Viettel nhằm thu hút được lực lượng lao động toàn cầu…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục