Dấu ấn Hà Nội ở vùng đất lịch sử Điện Biên Phủ

Tại vùng đất lịch sử Điện Biên Phủ, có không ít những công trình mang "dấu ấn" sâu nặng nghĩa tình của người dân thủ đô Hà Nội.
Đã thành thông lệ, cứ vào đầu tháng Năm hàng năm, khi những cánh hoa ban Tây Bắc đã viên mãn thì đông đảo du khách bốn phương lại hội tụ tại Điện Biên Phủ để thăm chiến trường xưa, đồng thời cảm nhận những đổi thay lớn lao của vùng đất lịch sử này, trong đó có không ít công trình mang "dấu ấn" sâu nặng nghĩa tình của người Hà Nội.

Ông Mùa A Sấu - nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lai Châu cũ (nay là hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu) bồi hồi nhớ lại thực hiện chủ trương các tỉnh, thành phố miền xuôi kết nghĩa giúp đỡ các tỉnh miền núi của Bác Hồ và Chính phủ, ngày 1/10/1967, thành phố Hà Nội và tỉnh Lai Châu đã tổ chức lễ kết nghĩa trọng thể tại thủ đô Hà Nội.

Sự kiện lớn lao này thể hiện đạo lý tốt đẹp của cha ông, đồng thời khẳng định chính sách đại đoàn kết đồng bào các dân tộc anh em của Đảng trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Trải qua 43 năm, mối tình kết nghĩa keo sơn đó luôn được nhân dân Thủ đô và đồng bào 21 dân tộc Điện Biên nâng niu trân trọng, trở thành hành động thiết thực góp phần xây dựng vùng đất lịch sử này.

Một trong những biểu hiện sinh động nhất về nghĩa tình của người Hà Nội đối với vùng đất lịch sử là công trình Đại thủy nông Nậm Rốm đã thấm đẫm mồ hôi và cả máu của 600 "nam thanh nữ tú," thuộc Đội thanh niên xung phong Tháng Tám của Thủ đô lên tham gia xây dựng từ năm 1963.

Theo lời kể của ông Tống Văn Minh, cựu thanh niên xung phong Tháng Tám lúc bấy giờ, nghe theo tiếng gọi của Đảng, lớp thanh niên Hà Nội các ông dù biết "Tây Bắc vời vợi nghìn trùng" song vẫn háo hức lên đường, bởi chiến thắng "Lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu" có sức lôi cuốn kỳ lạ.

Mặc dù xây dựng công trình Đại thủy nông Nậm Rốm chỉ dùng sức người là chính, ăn uống sinh hoạt lại rất kham khổ cộng với máy bay Mỹ liên tục quấy phá ném bom, có 18 đội viên hy sinh ngay tại công trường song hơn 2.000 thanh niên tham gia vẫn không một ai nao núng bỏ cuộc.

Công trình hoàn thành vào năm 1969, là cội nguồn giúp cho cánh đồng "Nhất Thanh" xanh ngát quanh năm, nơi sản sinh ra thứ gạo Điện Biên thơm ngon nức tiếng xa gần.

Tuyến đập chính cao 10,5m, dài 60m chắn ngang dòng Nậm Rốm, với hai tuyến kênh tả, hữu dài 40km ôm trọn cánh đồng Mường Thanh như hai động mạch chủ tưới tiêu nước theo phương thức tự chảy.

Từ khi công trình được đưa vào vận hành bà con nơi đây đã vĩnh viễn chấm dứt cảnh sản xuất nông nghiệp trông chờ vào nước trời lâu nay, đưa 3.500ha đất nông nghiệp vùng lòng chảo từ một vụ lúa lên hai vụ rồi ba vụ ăn chắc hàng năm, năng suất lúa có nơi đạt tới 12 tấn/ha; bình quân lương thực đầu người lên tới 500 kg/năm, sản lượng lúa chiếm 1/3 tổng sản lượng cả tỉnh.

Sau khi công trình hoàn thành, một số thanh niên xung phong người Hà Nội, trong đó có ông Tống Văn Minh, đã chọn vùng đất này làm nơi lập nghiệp.

Hiện quán dê biệt danh "Minh bục" nổi tiếng, gần Quảng trường thành phố Điện Biên Phủ của ông là điểm đến quen thuộc của người dân địa phương, đồng thời cũng là điểm sinh hoạt của Câu lạc bộ thanh niên xung phong Tháng Tám để cùng nhau ôn lại những năm tháng đảm nhiệm "sứ mệnh vinh quang đi vỡ đất."

Năm 1984, nhân dịp kỷ niệm 30 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, từ nguồn vốn của Xổ số kiến thiết Thủ đô, chính quyền Hà Nội đã đầu tư xây dựng Trường Tiểu học Hà Nội-Điện Biên Phủ tại phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên gồm 30 phòng học khang trang nhất bấy giờ của tỉnh Lai Châu cũ, giúp trường có điều kiện "dạy tốt, học tốt" và liên tục đạt danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc của tỉnh.

Những năm gần đây, Hà Nội cũng đã dành thêm gần 20 tỷ đồng xây dựng và mua sắm trang thiết bị cho Trường dạy nghề, Thư viện tỉnh và nâng cấp Trường Tiểu học Hà Nội-Điện Biên Phủ.

Chưa kể Mặt trận Tổ quốc, báo Hà Nội Mới và các tổ chức quần chúng khác của Thủ đô quyên góp, ủng hộ đồng bào nghèo Điện Biên hàng trăm nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, hàng vạn bộ quần áo, sách vở cho trẻ em các dân tộc.

Đặc biệt, hàng trăm hộ đồng bào Thái, Mông, Hà Nhì... ở các bản vùng cao huyện Điện Biên Đông, Mường Nhé, Tủa Chùa đã thoát nghèo nhờ được "Người Thủ đô tốt bụng" tặng trâu bò sinh sản và làm sức kéo.

Sự ân tình giúp đỡ đùm bọc của nhân dân Thủ đô luôn là nguồn động viên cổ vũ to lớn đối với đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên, giúp họ vượt khó vươn lên xây dựng vùng đất Tây Bắc lịch sử ngày càng giàu đẹp./.

Văn Hào (Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục