Dấu ấn mạnh mẽ của doanh nghiệp Việt trên thị trường Campuchia

Các doanh nghiệp Việt đã khẳng định sự hội nhập mạnh mẽ trong các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng và công nghệ thông tin tại thị trường Campuchia.
Dấu ấn mạnh mẽ của doanh nghiệp Việt trên thị trường Campuchia ảnh 1Những doanh nghiệp như Viettel đã góp phần thay đổi tích cực tới cuộc sống người dân Campuchia. (Nguồn: Metfone)

Dấu ấn của doanh nghiệp Việt Nam đã được ghi trong tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của Campuchia trong những năm vừa qua. Trong 4 trụ cột của nền kinh tế Campuchia, gồm may mặc-giày da, du lịch, nông nghiệp và bất động sản, các doanh nghiệp Việt đã khẳng định sự hội nhập mạnh mẽ trong các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng và công nghệ thông tin.

Nhận định về những đóng góp của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Campuchia, Tổng Thư ký Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC) Sok Chenda Sophea đặc biệt nhấn mạnh đến sự đóng góp của dịch vụ viễn thông của công ty Việt Nam đối với tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội Campuchia. Ông cho biết mạng di động Viettel thuộc Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel hiện giữ vị trí nhất nhì tại Campuchia, trong bối cảnh dịch vụ viễn thông ngày càng góp phần mang lại những thay đổi tích cực đối với đời sống người dân nước này.

[Doanh nghiệp Việt góp phần vào tăng trưởng kinh tế Campuchia]

Trong bài phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam vào tháng 6/2017, người đứng đầu CDC khẳng định lĩnh vực nông nghiệp Campuchia thu hút được sự đầu tư rất lớn của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là đầu tư trồng cây cao su. Ông cho biết, các nhà đầu tư Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đường sá bền vững lâu dài, cũng như tham gia hỗ trợ, đóng góp, nâng cao dịch vụ y tế, giáo dục, mang lại sự phát triển thịnh vượng cho cư dân địa phương tại các vùng có dự án..

Đề cập đến việc áp dụng chính sách của Campuchia dành cho các nhà đầu tư nước ngoài, ông Sok Chenda Sophea khẳng định Campuchia luôn tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư đến từ Việt Nam.

Từ năm 1994, Campuchia đã thông qua Luật Đầu tư, có nhiều điểm đặc biệt mang đến môi trường kinh doanh tự do cho các nhà đầu tư nước ngoài, tương tự như những nhà đầu tư Campuchia, chỉ khác nhau ở quyền sở hữu đất đai. Theo ông Sok Chenda Sophea, hiện một số ngân hàng tại Campuchia có vốn đầu tư 100% của Việt Nam và công ty Viettel cũng chiếm 100% vốn cổ phần tại công ty Metfone.

Dấu ấn của Metfone tại Campuchia là rất rõ nét.

Viettel đem "Alo" đến mọi nơi ở xứ Chùa Tháp

Năm 2006, Viettel đặt chân tới Campuchia kinh doanh dịch vụ VoiP và chuẩn bị cho cuộc “đổ bộ” của viễn thông di động (Metfone) vào ngày 19/2/2009.

Tới nay, Metfone đã vững vàng ở vị trí số một tại Campuchia với 7 triệu khách hàng, chiếm 46% thị phần. Ngoài ra, Metfone cũng là nhà mạng có hạ tầng viễn thông tốt nhất Campuchia với hệ thống cáp quang đạt 20.735 km, phủ đến 100% huyện và 98% xã (1.607/1.620 xã). Nhà mạng này cũng có 9.014 trạm BTS 2G, 3G và 4G, phủ sóng tới 97% dân số. Metfone cũng có 60.000 thuê bao Internet, chiếm 61% thị phần... Metfone cũng là nhà mạng duy nhất tại Campuchia sử dụng công nghệ truyền tải Metro Ethernet Full-MPLS tiên tiến thế giới, phủ khắp 25 tỉnh, thành phố, hỗ trợ băng thông tới 1Gbps và đạt hơn 400.000 thuê bao 4G...

Năm 2015, Metfone trở thành nhà mạng đầu tiên khai trương dịch vụ ví điện tử eMoney và sản phẩm này được vinh danh tại Giải thưởng Kinh doanh Quốc tế 2016 (International Business Awards - IBA Stevie Awards) với giải bạc cho “Dịch vụ mới tốt nhất của năm.”

Năm 2016, theo xếp hạng của Brand Finance (Anh), Metfone tiếp tục nằm trong Top 30 thương hiệu viễn thông giá trị trong khu vực, giá trị thương hiệu Metfone khoảng 94 triệu USD.

Về hoạt động xã hội, Metfone cam kết chương trình cung cấp dịch vụ Internet miễn phí tới gần 1.500 trường học trong vòng 5 năm; tài trợ chương trình “It’s not a dream” nhằm tìm kiếm và đoàn tụ người thân bị thất lạc cho gần 90 gia đình; tài trợ mổ hàm ếch cho 472 trẻ em nghèo; tặng đường truyền cho Mạng nghiên cứu giáo dục Campuchia (CamREN); tổ chức khám chữa bệnh và trao thuốc cho các bệnh nhân tại khu vực xa xôi, nghèo khó…

Metfone đã hỗ trợ Chính phủ Campuchia xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền thông minh, cầu truyền hình, hỗ trợ quân đội hoàng gia nước này xây dựng mạng điện thoại cố định dùng riêng.

Lũy kế tới hết năm 2016, Metfone đã nộp gần 400 triệu USD thuế cho Chính phủ Campuchia, tạo ra hơn 3.000 việc làm cho người dân Campuchia có thu nhập ổn định.

SHB khẳng định vị thế tại Campuchia

Năm 2016, được sự chấp thuận của Ngân hàng Quốc gia Campuchia và sự ủng hộ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn- Hà Nội (SHB) chính thức khai trương ngân hàng 100% vốn tại Campuchia, lấy tên Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn Sài Gòn – Hà Nội Campuchia (SHB Campuchia). Với nền tảng bền vững, SHB Campuchia không ngừng phát triển mạnh mẽ, trở thành ngân hàng nước ngoài tiêu biểu được Ngân hàng Quốc gia Campuchia và tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG bình chọn trong nhiều năm liên tiếp.

Tiền thân là một chi nhánh tại nước ngoài của SHB (Chi nhánh SHB tại Campuchia khai trương tháng 2/2012) với tổng mức đầu tư 37,5 triệu USD, tổng tài sản chỉ 54,5 triệu USD cùng 1 điểm giao dịch và 28 nhân viên, với mục tiêu phát triển mạnh mẽ đi đôi với an toàn, minh bạch, đến nay, SHB Campuchia đã vươn mình trở thành một ngân hàng 100% vốn với 4 điểm giao dịch tại Campuchia cùng gần 60 cán bộ nhân viên. Đây là sự kiện đánh dấu giai đoạn mới trong chiến lược phát triển của SHB tại Campuchia nói riêng và khu vực Đông Dương nói chung.

Mặc dù mới qua nửa đầu năm 2017, song nhiều chỉ tiêu tài chính đã gần đạt kế hoạch đề ra: Tổng tài sản của SHB Campuchia đạt hơn 245 triệu USD; Tổng vốn huy động đạt hơn 42 triệu USD; Tổng dư nợ đạt trên 200 triệu USD, tăng gấp hơn 5 lần so với năm 2012; Lợi nhuận trước thuế đạt xấp xỉ 2,2 triệu USD, hoàn thành 73% kế hoạch. Mới đây, SHB đã được chấp thuận nâng vốn điều lệ từ 50 triệu USD lên 75 triệu USD.

Thành công của SHB Campuchia đạt được là sự kết hợp giữa chiến lược kinh doanh nhạy bén đi kèm an toàn, hiệu quả với tôn chỉ hoạt động vì lợi ích của cổ đông, khách hàng, cộng đồng. Sau hơn 4 năm hoạt động, SHB Campuchia luôn đạt các kết quả kinh doanh ổn định, bền vững, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế xã hội của Campuchia, đồng thời và thúc đẩy hợp tác Việt Nam – Campuchia trên các lĩnh vực kinh tế: Đầu tư, tài chính ngân hàng, thương mại và du lịch, tạo ra làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam sang Campuchia.

CamboPay thúc đẩy thương mại điện tử tại thị trường Campuchia

CamboPay thành lập vào năm 2011 với 100% vốn đầu tư từ Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VnPay). Khởi đầu từ việc cung cấp dịch vụ ngân hàng qua tin nhắn (SMS Banking) với ngân hàng đối tác BIDC, CamboPay đã hướng đến tiềm năng lớn từ thị trường có 6,5 triệu thuê bao điện thoại di động tại Campuchia thời điểm đầu năm 2011.

Việc đưa các tiện ích của ngân hàng tới khách hàng thông qua điện thoại di động là hướng kinh doanh hiệu quả, và rất phù hợp với sự phát triển của thị trường Campuchia.

Ngay từ khi hiện diện tại thị trường Campuchia, CamboPay đã khẳng định vị thế là công ty hàng đầu trong lĩnh vực thanh toán điện tử tại nước bạn.

Với các giải pháp ứng dụng tiện ích thanh toán phục vụ kinh doanh cốt lõi thuộc lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng, Công nghệ Thông tin – Viễn thông, CamboPay cung cấp dịch vụ tới 19 đối tác ngân hàng – viễn thông tại Campuchia cùng rất nhiều doanh nghiệp ví điện tử và thương mại điện tử, các giải pháp tiêu biểu như: Ứng dụng Mobile Banking, Cổng thanh toán Kpay, Nạp tiền điện thoại CamTopup, SMS Banking, Thanh toán hóa đơn Kbill…

Với những cố gắng không ngừng trong nhiều năm qua, chất lượng dịch vụ của CamboPay được ghi nhận bằng sự đánh giá cao của khách hàng, đối tác. CamboPay cùng các đối tác hợp tác phát triển phương thức thanh toán đơn giản, làm giảm các chi phí xã hội, thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của đại bộ phận người dân Campuchia, cũng như tạo ra các giá trị thiết thực hỗ trợ hoạt động tiêu dùng xã hội.

Hoạt động của CamboPay đồng thời là nền tảng giúp thúc đẩy và đảm bảo sự thành công của thương mại điện tử trong thời gian tới đây tại Campuchia.

MB Bank: Thế mạnh dịch vụ kết hợp giữa ngân hàng và viễn thông tại Campuchia

Chính thức hoạt động tại Campuchia từ năm 2011 theo giấy phép hoạt động số 0076 Br/2011 của Ngân hàng Nhà nước Campuchia. Hiện nay MB Phnom Penh có trụ sở chính đặt tại số 439, Đại lộ Monivong (93), góc đường 214, Phường Boeung Prolit, Quận 7 Makara, thành phố Phnom Pênh, Campuchia.

MB Phnom Penh đã từng bước phát triển, trở thành một trong những tổ chức tín dụng tin cậy, uy tín và cung cấp cho khách hàng những dịch vụ ngân hàng thuận tiện, đáp ứng nhu cầu giao dịch. Bên cạnh các sản phẩm huy động, cho vay truyền thống, MB Phnom Penh cũng là ngân hàng có thế mạnh trong việc triển khai các dịch vụ ngân hàng hiện đại, đặc biệt là các dịch vụ ví điện tử kết hợp giữa ngân hàng và viễn thông. Mục tiêu 5 năm tới mà MB Phnom Penh đặt ra sẽ lọt vào trong top 5 Ngân hàng thuận tiện tại thị trường Campuchia.

Hiện, MB Phnom Penh cũng là ngân hàng tiên phong trong việc giới thiệu, triển khai các giao dịch ngân hàng qua các ứng dụng điện thoại di động, trong đó, tiêu biểu như dịch vụ eMoney kết hợp giữa MB và Viettel Cambodia và gặt hái được rất nhiều thành công.

Trong những năm qua, thành công của MB Phnom Penh đã đã được ghi nhận qua giải thưởng Cúp bạc dịch vụ mới tốt nhất của năm tại lễ trao giải Stevie Awards 2016 dành cho dịch vụ eMoney; Giải thưởng IDG hạng mục “Sản phẩm – dịch vụ ngân hàng sáng tạo 2015;” Bằng khen của Bộ trưởng Bộ quốc phòng các năm 2011 tới 2016 về tích cực tham gia các hoạt động thúc đẩy thương mại Việt Nam-Campuchia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục