Đấu giá tác phẩm nghệ thuật ủng hộ việc làm đường

"Vé một lượt" và cuộc hạnh ngộ thêm yêu một con đường

Khoảng 200 triệu đồng là số tiền thu được từ buổi ra mắt tập thơ “Vé một lượt” và đấu giá các tác phẩm nghệ thuật nhằm gây quỹ ủng hộ việc làm đường ở Đồng Mậm.

Buổi ra mắt tập thơ “Vé một lượt” (nhà thơ Đoàn Ngọc Thu) kết hợp đấu giá các tác phẩm văn học-nghệ thuật nhằm gây quỹ ủng hộ việc làm đường tới trường cho học sinh tại điểm trường Đồng Mậm-trường tiểu học Sơn Hải (xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) đã thu được số tiền là 200 triệu đồng.

Số tiền này đã được trao tận tay đại diện xã Sơn Hải ngay tại buổi đấu giá, để hoàn thiện con đường giao thông nông thôn trên địa bàn. Chương trình diễn ra vào chiều nay (16/5) tại Hà Nội.

Cần lắm một con đường!

Hồ thủy lợi Cấm Sơn chia cắt xã Sơn Hải thành năm thôn khác nhau. Thôn Đồng Mậm nằm biệt lập như một ốc đảo.

Hàng ngày, học sinh tại điểm trường Đồng Mậm-thuộc trường tiểu học Sơn Hải (xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) phải chèo thuyền khoảng hai giờ đồng hồ qua hồ thủy lợi Cấm Sơn để tới lớp học.

Có mặt trong buổi đấu giá nhằm quyên góp tiền làm đường chiều nay, Giáp Văn Đạt, học sinh lớp 3E của trường kể, mỗi sáng, cậu đều bắt đầu đi học từ lúc 5 giờ 30. “Những ngày trời nắng thì không sao. Những ngày thời tiết xấu, mưa bão, thuyền chòng chành như sắp lật khiến em rất sợ,” cậu học trò với dáng vẻ gầy gò nói, giọng run run.

"Vé một lượt" và cuộc hạnh ngộ thêm yêu một con đường ảnh 1Hàng ngày, học sinh ở Đồng Mậm phải chèo thuyền đi học (Ảnh: Hải Đăng/Vietnam+)

Cũng giống như học trò, mỗi sáng thứ Hai, các thầy cô giáo lại lên thuyền để đến “gieo con chữ” ở nơi này. Hành trang mang theo không chỉ là giáo án, sách vở mà còn là đồ ăn cho cả tuần. 

Ước mơ lớn nhất của thầy và trò nơi đây là có một con đường bộ để đến trường. Chính vì lẽ đó, người dân và chính quyền địa phương đã quyết tâm cùng chung tay để làm con đường ấy.

“Số tiền thuê máy xúc, máy ủi, người dân vẫn nợ các đơn vị thi công. Họ bảo, đến mùa lúa, bà con sẽ trả. Thế nhưng, với người nông dân, mùa vụ phụ thuộc nhiều vào thời tiết. 90% số dân ở đây là đồng bào dân tộc thiểu số. Con đường ấy vẫn chưa thể hoàn thiện. Những lúc trời gặp gió, nguy cơ lật thuyền là rất lớn,” cô Nguyễn Thị Thạo, Hiệu trưởng trường Tiểu học Sơn Hải chia sẻ.

Theo ông Giáp Văn Phụ, Bí thư chi bộ thôn Đồng Mậm (xã Sơn Hải, Lục Ngạn, Bắc Giang), con đường này dài khoảng 16 km và đã triển khai thi công được khoảng 2/3...

Câu chuyện được biết đến và sẻ chia từ tấm lòng của những người nghệ sỹ với sáng kiến tổ chức một cuộc đấu giá dành cho công việc thiện nguyện.

Đó là hơn 100 đồ gốm, tranh và bộ sưu tập tiền cổ của Họa sĩ Bùi Hoài Mai; Bình gốm độc bản làm tay thiết kế bởi họa sỹ Lê Thiết Cương; Tranh sơn dầu của họa sỹ Tào Linh, Trịnh Tú, Tranh màu Hoa Sưa của họa sĩ Trịnh Thị Nhã cùng với sách tranh có chữ ký tác giả; Tập thơ Giỏ hoa Thời mới lớn có chữ ký của Nhà thơ Du Tử Lê; Cuốn Điệp viên hoàn hảo của tác giả Lary Berman có chữ ký của tác giả.... đồ thủ công của Trung tâm Khuyết tật Thương Thương và nhiều tác phẩm hội họa, gốm sứ, thủ công của các nhà văn, thơ, họa sĩ, nghệ nhân, nhà sưu tập...
 
Toàn bộ những sản phẩm này đã được bán hết ngay tại buổi đấu giá và số tiền thu được là khoảng 200 triệu đồng. Ngay lập tức, số tiền này đã được đại diện các văn nghệ sỹ trao tận tay cho đại diện xã Sơn Hải, với mong muốn góp chút ngày công để sớm hoàn thành con đường liên thôn.

“Kết hợp ra mắt một tập thơ với việc đấu giá các tác phẩm văn học-nghệ thuật là một việc làm có ý nghĩa xã hội rất thiết thực. Các văn nghệ sỹ đã chia sẻ những vất vả, khó khăn của người dân bằng những việc làm cụ thể,” phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thị Minh Thái (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ.

"Vé một lượt" và cuộc hạnh ngộ thêm yêu một con đường ảnh 2Buổi ra mắt tập thơ "Vé một lượt" diễn ra chiều 16/5 tại Hà Nội (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Sự chung sống của các đối cực”

Bên cạnh nghĩa cử cao đẹp đó, tại buổi ra mắt tập thơ “Vé một lượt”- tập thơ thứ năm của nhà thơ, nhà báo Đoàn Ngọc Thu, những người yêu thơ đã bắt gặp hình ảnh người phụ nữ hiện đại có nhiều nỗi trăn trở về cuộc đời, về tình người...

 “Người ta gặp ở đó những tâm sự rất đàn bà trong một xã hội hiện đại. Tác giả thể hiện một cách cảm rất riêng về đời sống. Chị viết về tình yêu, tình mẫu tử, những suy ngẫm đời sống trên một nền chung là nỗi buồn thế sự,”  bà Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ.
“Gió và sự nghiệt ngã của số phận sộc vào
Lôi cả hai ta vào tâm bão” 
(Bão)
Có cùng quan điểm trên, nhà phê bình văn học Văn Giá chia sẻ, thơ Đoàn Ngọc Thu là sự chung sống của các đối cực. “Vé một lượt” khơi sâu vào bàn ngã của một người phụ nữ sống kỹ lưỡng, hết mình với chính bản thân mình, với những người xung quanh và với những nông nỗi, thế sự đời thường. Chả còn sen hạ Tây hồ nữa đâu
Vờ lòng với sắc trắng quỳ hoa ngày bão
Mưa tầm tã cho mùa sang buồn bã
Lối Thu đi, mưa ướt hết Thu rồi
(Tứ tấu vô đề)
“Biên độ cảm xúc, tình cảm trong thơ Đoàn Ngọc Thu rất rộng. Đó là hồn thơ của những đối cực: hạnh phúc-khổ đau, mê ảo-thức tỉnh, hy vọng-thất vọng… Ở khía cạnh nào, cảm xúc của chị cũng được đẩy đến tận cùng, tận độ; tạo nên sự ám ảnh với người đọc,” nhà phê bình văn học Văn Giá nói. “Vé một lượt” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.
"Vé một lượt" và cuộc hạnh ngộ thêm yêu một con đường ảnh 3Bìa tập thơ "Vé một lượt" (Ảnh: Vietnam+)
Tác giả Đoàn Ngọc Thu là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hiện, nhà thơ-nhà báo Đoàn Ngọc Thu là Phó tổng biên tập Báo Điện tử Vietnam+ - Thông tấn xã Việt Nam./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục