Dấu hiệu cải thiện trong quan hệ giữa Nga và Estonia

Ngày 18/4, tại thủ đô Moskva đã diễn ra cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Estonia Kersti Kaljulaid, đang ở thăm nước này.
Dấu hiệu cải thiện trong quan hệ giữa Nga và Estonia ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Estonia Kersti Kaljulai. (Nguồn: RIA)

Ngày 18/4, tại thủ đô Moskva đã diễn ra cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Estonia Kersti Kaljulaid, đang ở thăm nước này.

Đây là chuyến thăm Nga đầu tiên của một nhà lãnh đạo Estonia trong 8 năm qua và bà Kaljulaid cũng là vị lãnh đạo đầu tiên của 3 nước thuộc Liên bang Xô Viết trước đây trên biển Baltic có cuộc gặp cấp cao với ông Putin kể từ sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.

Tại cuộc hội đàm, Tổng thống Putin đã chào mừng, thể hiện thiện chí tiếp đón bà Kaljulaid tới thăm Nga. Ông cho rằng việc hai nước láng giềng Nga và Estonia thiếu sự tiếp xúc giữa người dân và lãnh đạo hai nước không phải là điều bình thường.

Nhà lãnh đạo Nga lưu ý giao thương giữa Nga và Estonia - thành viên của Liên minh châu Âu, đã giảm 50% do các biện pháp trừng phạt của EU.

Về phần mình, Tổng thống Kaljulaid cho rằng các nước láng giềng cần tiếp xúc, trao đổi ngay cả khi có những vấn đề bất đồng. Bà cũng nhất trí đã đến lúc cần làm mới quan hệ đối tác giữa EU và Nga.

[Estonia trục xuất nhân viên ngoại giao Nga, Moskva dọa trả đũa]

Ngoài mối quan hệ giữa hai nước, cuộc hội đàm giữa lãnh đạo Nga và Estonia còn đề cập đến các vấn đề địa chính trị toàn cầu.

Năm 2011, nhà lãnh đạo Estonia khi đó là Toomas Hendrik Ilves từng thăm Nga. Quan hệ giữa Moskva và Tallinn đã trở nên khó khăn kể từ sau khi Estonia tách ra khỏi Liên bang Xôviết năm 1991.

Sau đó, Estonia đã gia nhập EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) trong năm 2004.

Việc Liên bang Nga sáp nhập bán đảo Crimea tháng 3/2014 đã vấp phải sự phản đối nhiều nước phương Tây, đặc biệt là Estonia, Latvia và Litva do lo ngại nguy cơ an ninh.

Cho đến nay, Mỹ và EU vẫn đang áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga do bất đồng về vụ sáp nhập nói trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục