Dấu hiệu lạc quan từ hoạt động ngoại giao tại Đông Bắc Á

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 8/10 đã kết thúc chuyến công du 4 nước Đông Bắc Á gồm Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Dấu hiệu lạc quan từ hoạt động ngoại giao tại Đông Bắc Á ảnh 1Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 8/10 đã kết thúc chuyến công du 4 nước Đông Bắc Á gồm Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Mục đích chính trong chuyến công du ngắn ngày song nhiều nước này của Ngoại trưởng Mỹ nhằm thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên sau một thời gian rơi vào thế bế tắc do Mỹ và Triều Tiên chưa nhất trí được về một số vấn đề mấu chốt; trong đó có trình tự các bước đi mà hai bên phải thực hiện: Mỹ muốn thấy Triều Tiên có các động thái phi hạt nhân hóa rõ ràng, cụ thể trước trong khi Bình Nhưỡng lại muốn các bên ký tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, nới lỏng các biện pháp trừng phạt rồi mới phi hạt nhân hóa…

Đây là chuyến công du thứ tư của ông Pompeo tới Bình Nhưỡng, diễn ra 3 tháng sau chuyến thăm hồi tháng Bảy vừa qua và được phía Hàn Quốc mở đường bằng các hoạt động ngoại giao trung gian “đầy hiệu quả,” cụ thể là chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới Triều Tiên 3 ngày (18-20/9 vừa qua) để tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Trong chuyến thăm này, hai miền Triều Tiên đã ký kết Tuyên bố chung Bình Nhưỡng với nhiều điểm rất tích cực, tạo bầu không khí hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và quan trọng hơn là làm giảm thái độ cương quyết của Bình Nhưỡng trong các cuộc đàm phán với Mỹ.

Tại Bình Nhưỡng, trọng tâm của chuyến thăm, việc Ngoại trưởng Mỹ có cuộc nói chuyện nhiều giờ đồng hồ và ăn trưa với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un điều mà trong chuyến thăm lần thứ ba của ông Pompeo tới Bình Nhưỡng đã không xảy ra, được coi là điểm nhấn thành công cho hoạt động ngoại giao con thoi lần này của quan chức cấp cao Mỹ tại Đông Bắc Á.

Có thể nói việc hai bên thỏa thuận các biện pháp cần thiết để thu xếp cuộc gặp thượng đỉnh thứ 2 giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump, trước hết là tổ chức các cuộc gặp cấp chuyên viên để thống nhất địa điểm, thời gian cũng như chương trình nghị sự của sự kiện này, là một bước tiến quan trọng.

Thực tế đã chứng minh rằng cuộc gặp thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên luôn là cách hiệu quả nhất để giảm thiểu những bất đồng và khác biệt trong chính sách của giữa hai nước.

Sau cuộc gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên, mặc dù không tiết lộ chi tiết kết quả, song cả phía Triều Tiên và Mỹ đều có những phát biểu cho thấy chuyến thăm này đã thành công.

[Bình Nhưỡng nhất trí sớm tổ chức thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên]

Ngoại trưởng Pompeo viết ngay trên mạng xã hội Twitter rằng ông đã có chuyến thăm Bình Nhưỡng "dễ chịu" và hai bên đã có"các cuộc trao đổi mang tính xây dựng và tốt đẹp."

Ông cũng không quên cám ơn sự tiếp đón mà phía Triều Tiên dành cho ông trong chuyến thăm lần này. Một quan chức giấu tên đi cùng Ngoại trưởng Mỹ cũng nhận định chuyến thăm này có kết quả tốt hơn lần trước, song đây là một "tiến trình lâu dài."

Về phía Triều Tiên, ông Kim Jong-un đã bày tỏ sự lạc quan và tin tưởng rằng đối thoại và đàm phán Triều-Mỹ dựa trên lòng tin giữa hai nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục diễn tiến thuận lợi trong tương lai. Đánh giá của các bên liên quan, trong đó có Hàn Quốc, cũng khá tích cực.

Trên thực tế thì khó có thể kỳ vọng chuyến công du chỉ kéo dài một ngày của ông Pompeo tới Bình Nhưỡng sẽ giúp Mỹ và Triều Tiên hóa giải được hết những khúc mắc trong quan hệ, đặc biệt là lộ trình phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên.

Sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore cách đây hơn 3 tháng, tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên lâm vào bế tắc.

Giới phân tích chỉ ra rằng một nguyên nhân khiến hai bên khó hợp tác để thực hiện những cam kết, là do bản thân những thỏa thuận này mới chỉ ở mức độ sơ bộ với những điều khoản mập mờ mà không quy định rõ ràng trách nhiệm của mỗi bên.

Phía Triều Tiên cam kết sẽ dỡ bỏ vĩnh viễn những bãi thử hạt nhân chính với điều kiện Mỹ cũng tiến hành “các bước đi phù hợp” để xây dựng lòng tin. Tuy nhiên, bản thân “các bước đi phù hợp” này là gì mỗi bên lại hiểu theo cách khác nhau.

Dấu hiệu lạc quan từ hoạt động ngoại giao tại Đông Bắc Á ảnh 2Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bên cạnh đó, như Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho từng nhấn mạnh: “vấn đề nằm ở chỗ các lệnh trừng phạt tiếp tục kéo dài đang làm trầm trọng thêm sự mất lòng tin giữa chúng ta.”

Việc Mỹ tiếp tục áp đặt trừng phạt và gây áp lực đối với Triều Tiên phần nào khiến Bình Nhưỡng hoài nghi về mục tiêu thực sự của Washington. Đây có thể là lý do Triều Tiên khăng khăng Mỹ yêu cầu Mỹ phải thực hiện các bước đi để Bình Nhưỡng tin tưởng rằng an ninh quốc gia của Triều Tiên được đảm bảo trước khi nước này tiến hành phi hạt nhân hóa.

Có thể đánh giá kết quả chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ tới Bình Nhưỡng lần này là bước khởi đầu trong một quá trình mà Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha gọi là một "cuộc mặc cả lớn" giữa Mỹ và Triều Tiên, trong đó Washington yêu cầu những tiến triển cụ thể về vấn đề phi hạt nhân hóa, còn Bình Nhưỡng muốn chấm dứt tình trạng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên và sự bảo đảm về an ninh.

Nhiều khả năng Washington giờ đây có thể cân nhắc đến những "giải pháp mới," khi cả Trung Quốc, Nga và Hàn Quốc đang tìm cách giảm quy mô các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.

Giáo sư Yang Moo-jin của Đại học Triều Tiên tại Seoul nhận xét: "Triều Tiên đã có những bước đi tiến tới phi hạt nhân hóa. Vì vậy, Mỹ sẽ phải đối mặt với những chỉ trích của cộng đồng quốc tế nếu tiếp tục yêu cầu phi hạt nhân hóa hoàn toàn mà không gỡ bỏ lệnh trừng phạt."<

Trước và sau chặng dừng chân ở Triều Tiên, Ngoại trưởng Mỹ đã lần lượt tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, động thái cho thấy Washington thừa nhận vai trò quan trọng của những nước này trong tiến trình thực hiện phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Thông qua đó, Mỹ đang để ngỏ khả năng phối hợp với các bên liên quan trong mục tiêu chung trên bán đảo Triều Tiên.

Những kết quả thu được trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ tới Đông Bắc Á lần này, đặc biệt là cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên tại Bình Nhưỡng, đã phát đi những tín hiệu lạc quan cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Ít nhiều, những nỗ lực ngoại giao mà các bên đang triển khai phần nào đã tạo cơ hội để các bên đối thoại thực chất, qua đó tạo động lực cho các cuộc đàm phán sâu rộng hơn để thực hiện mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục