Theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ, từ 15/9/2010, đồ chơi trẻ em lưu hành trên thị trường phải được chứng nhận và gắn dấu hợp quy CR.
Giờ G sắp điểm, nhưng trong khi các doanh nghiệp sản xuất đồ chơi đang ráo riết hoàn tất thủ tục gắn dấu hợp quy, thì hầu hết các cửa hàng buôn bán đồ chơi lại "bình chân như vại."
Cửa hàng dửng dưng đợi… thanh tra
Trong vai người đi mua buôn đồ chơi trẻ em để bán nhân Tết Trung thu, phóng viên Vietnam+ thấy, các mặt hàng đồ chơi trẻ em tại các cửa hàng ở “phố đồ chơi” Lương Văn Can, chợ Đồng Xuân, Thanh Xuân Bắc, Hà Đông (Hà Nội) đều chưa gắn dấu CR.
“Ối dào, nói là gắn tem nhưng đã thấy nói gì đâu mà chú lo. Cứ đi dọc cả cái phố Lương Văn Can này, đố chú tìm được cửa hàng nào có đồ chơi gắn dấu CR. Cứ mua về bán tranh thủ dịp Trung thu đi,” một ông chủ cửa hàng đồ chơi ngay đầu phố mời mọc.
Thấy khách ngập ngừng, cửa hàng lại đông người, ông ta đuổi khéo: “Sợ thì chú về mua tò he, chuồn chuồn tre bán cho nó lành. Qua 15/9, xem tình hình thế nào rồi hẵng đến đây mua… đồ xịn.”
Vẫn tại phố Lương Văn Can, ở một cửa hàng khác, người chủ nhanh nhảu “quảng cáo” sản phẩm. Thấy khách hỏi về dấu CR, chị chép miệng: “Tem dấu không quan trọng. Em cứ lấy hàng về đi, đến 15/9, muốn bao nhiêu dấu cũng được. Có điều, phải mất 4.000 đồng/dấu.”
Khi xưng là phóng viên đi tìm hiểu thị trường, một cửa hàng ở cuối phố “nói thật” với tôi rằng hiện đồ chơi tại cửa hàng đều ở dạng tồn kho, bởi vậy không biết sẽ phải làm như thế nào để được gắn dấu hợp quy.
Về hóa đơn nhập hàng, anh cho hay, lúc thiếu hàng, chỉ cần gọi điện là có người mang tới. Buôn bán nhiều năm, chưa từng gặp sự cố đáng tiếc do đồ chơi mang lại nên anh không hề để ý đến chuyện này.
Thực tế, hầu hết các chủ cửa hàng đồ chơi đợi ngày 15/9 với tâm lý bình thản. Họ cho rằng, lực lượng chức năng khi ấy có đến kiểm tra cũng chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở và họ sẽ tìm cách để có được tem dán vào sản phẩm sau đó.
Mặt khác, những người bán đồ chơi trên mạng còn không hề quan tâm đến việc dán dấu hợp quy. Một người bán hàng tại diễn đàn webtretho cho hay, hầu hết đồ chơi của họ đều là “hàng hiệu xách tay” nên đương nhiên sẽ không có hóa đơn, nhập khẩu theo chính ngạch để được dán tem. Bởi vậy, việc bán mua hầu hết dựa trên vấn đề uy tín.
Doanh nghiệp rốt ráo
Khác với vẻ “thờ ơ” của các cửa hàng khi đã tìm ra “kế hoãn binh” đối phó với nhà chức trách, một số doanh nghiệp sản xuất đồ chơi lại khá bận rộn với việc chuẩn bị các thủ tục cuối cùng cho đợt dán dấu CR. Họ cho rằng, mặc dầu việc đánh giá khá mất thời gian, song đây là cơ hội để khẳng định thương hiệu hàng hóa của mình trước thị trường đồ chơi khá “nhộm nhoạm.”
Bà Phạm Thanh Trúc, Phụ trách vấn đề hợp quy sản phẩm của Công ty sản xuất đồ chơi Phú Bách Việt, cho biết công ty đang tiến hành in dấu CR để gắn lên sản phẩm. Trước đó, khi nhận được yêu cầu từ cơ quan chức năng, Phú Bách Việt đã yêu cầu các nhà cung cấp nguyên liệu (gỗ, sơn…) kiểm định xem có hợp chuẩn hay không rồi mới tiếp tục nhập về để sản xuất.
“Đây là quy định rất hợp lý của Bộ Khoa học và Công nghệ. Việc gắn dấu sẽ giúp các doanh nghiệp làm ăn chính đáng khẳng định thương hiệu trước hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng,” bà Trúc nói.
Đồng tình, bà Nguyễn Thị Ngọc Minh, Phó Giám đốc Công ty Thiết bị trường học Phục Hưng, cho biết công ty có tới gần 700 mặt hàng dành cho lứa tuổi mầm non (đồ chơi, đồ dùng học tập) và không ít lần phát hiện ra hàng nhái. Do đó, việc gắn dấu hợp quy sẽ giúp công ty đứng vững hơn trên thị trường.
Mỗi lần ra sản phẩm mới, nhà sản xuất lại phải mời cơ quan chức năng đến đánh giá. Tuy nhiên, theo cả hai doanh nghiệp trên, dù việc này sẽ khiến doanh nghiệp mất thời gian, tiền bạc để in dấu hợp quy, song suy cho cùng thì cái lợi vẫn nhiều hơn và họ đều vui vẻ chấp nhận.
Tẩy chay hàng kém
Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho hay, khó khăn lớn nhất trong việc kiểm soát chất lượng đồ chơi trẻ em chính là hàng hóa được nhập lậu, hoặc mang nhỏ lẻ qua biên giới. Đây là những hoạt động không có quản lý chất lượng nên nếu mang đến cơ quan quản lý để gắn dấu hợp quy thì không được, bởi không có hồ sơ hàng hóa.
Qua xem xét thị trường, ông Vinh cho rằng có tới 85% đồ chơi trẻ em hiện nay nhập ngoại. Với những đồ chơi nhập khẩu chính ngạch, thường có giá thành khá cao và đáp ứng cho phân khúc thị trường cao cấp. Tuy nhiên, số hàng hóa nhập khẩu theo dạng này chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với nhập lậu.
Ông Vinh cũng cho hay, đến ngày 15/9, tất cả hàng hóa nhập khẩu, sản xuất trong nước khi lưu thông thì đều phải dán dấu hợp quy CR. Đối với những sản phẩm không dán dấu, không có nguồn gốc xuất xứ sẽ bị các đoàn thanh, kiểm tra của các cấp, ngành xử lý theo pháp luật (tịch thu, phạt hành chính).
Vị Phó Tổng Cục trưởng cho rằng, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức là rất quan trọng. Song, ông thẳng thắn: “Cũng phải mất vài năm mới có thể thay đổi được nhận thức người tiêu dùng và người bán.”
Bởi vậy, theo ông Vinh, điều quan trọng là người tiêu dùng phải thay đổi nhận thức sử dụng đồ chơi trẻ em ngay từ bây giờ. Và đương nhiên, khi người tiêu dùng quay lưng với hàng kém chất lượng thì chắc chắn nguồn cung sẽ giảm.
Ngoài ra, công tác thanh kiểm tra cần sự quyết liệt của nhiều cơ quan chức năng. Sẽ hiệu quả hơn nếu ở cấp phường, xã, lực lượng an ninh cũng xông xáo nhập cuộc, ngăn chặn những cửa hàng đồ chơi trẻ em không hợp chuẩn. Có như vậy mới mong thị trường đồ chơi trẻ em sẽ “sạch” sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, gây hại cho trẻ nhỏ./.
Giờ G sắp điểm, nhưng trong khi các doanh nghiệp sản xuất đồ chơi đang ráo riết hoàn tất thủ tục gắn dấu hợp quy, thì hầu hết các cửa hàng buôn bán đồ chơi lại "bình chân như vại."
Cửa hàng dửng dưng đợi… thanh tra
Trong vai người đi mua buôn đồ chơi trẻ em để bán nhân Tết Trung thu, phóng viên Vietnam+ thấy, các mặt hàng đồ chơi trẻ em tại các cửa hàng ở “phố đồ chơi” Lương Văn Can, chợ Đồng Xuân, Thanh Xuân Bắc, Hà Đông (Hà Nội) đều chưa gắn dấu CR.
“Ối dào, nói là gắn tem nhưng đã thấy nói gì đâu mà chú lo. Cứ đi dọc cả cái phố Lương Văn Can này, đố chú tìm được cửa hàng nào có đồ chơi gắn dấu CR. Cứ mua về bán tranh thủ dịp Trung thu đi,” một ông chủ cửa hàng đồ chơi ngay đầu phố mời mọc.
Thấy khách ngập ngừng, cửa hàng lại đông người, ông ta đuổi khéo: “Sợ thì chú về mua tò he, chuồn chuồn tre bán cho nó lành. Qua 15/9, xem tình hình thế nào rồi hẵng đến đây mua… đồ xịn.”
Vẫn tại phố Lương Văn Can, ở một cửa hàng khác, người chủ nhanh nhảu “quảng cáo” sản phẩm. Thấy khách hỏi về dấu CR, chị chép miệng: “Tem dấu không quan trọng. Em cứ lấy hàng về đi, đến 15/9, muốn bao nhiêu dấu cũng được. Có điều, phải mất 4.000 đồng/dấu.”
Khi xưng là phóng viên đi tìm hiểu thị trường, một cửa hàng ở cuối phố “nói thật” với tôi rằng hiện đồ chơi tại cửa hàng đều ở dạng tồn kho, bởi vậy không biết sẽ phải làm như thế nào để được gắn dấu hợp quy.
Về hóa đơn nhập hàng, anh cho hay, lúc thiếu hàng, chỉ cần gọi điện là có người mang tới. Buôn bán nhiều năm, chưa từng gặp sự cố đáng tiếc do đồ chơi mang lại nên anh không hề để ý đến chuyện này.
Thực tế, hầu hết các chủ cửa hàng đồ chơi đợi ngày 15/9 với tâm lý bình thản. Họ cho rằng, lực lượng chức năng khi ấy có đến kiểm tra cũng chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở và họ sẽ tìm cách để có được tem dán vào sản phẩm sau đó.
Mặt khác, những người bán đồ chơi trên mạng còn không hề quan tâm đến việc dán dấu hợp quy. Một người bán hàng tại diễn đàn webtretho cho hay, hầu hết đồ chơi của họ đều là “hàng hiệu xách tay” nên đương nhiên sẽ không có hóa đơn, nhập khẩu theo chính ngạch để được dán tem. Bởi vậy, việc bán mua hầu hết dựa trên vấn đề uy tín.
Doanh nghiệp rốt ráo
Khác với vẻ “thờ ơ” của các cửa hàng khi đã tìm ra “kế hoãn binh” đối phó với nhà chức trách, một số doanh nghiệp sản xuất đồ chơi lại khá bận rộn với việc chuẩn bị các thủ tục cuối cùng cho đợt dán dấu CR. Họ cho rằng, mặc dầu việc đánh giá khá mất thời gian, song đây là cơ hội để khẳng định thương hiệu hàng hóa của mình trước thị trường đồ chơi khá “nhộm nhoạm.”
Bà Phạm Thanh Trúc, Phụ trách vấn đề hợp quy sản phẩm của Công ty sản xuất đồ chơi Phú Bách Việt, cho biết công ty đang tiến hành in dấu CR để gắn lên sản phẩm. Trước đó, khi nhận được yêu cầu từ cơ quan chức năng, Phú Bách Việt đã yêu cầu các nhà cung cấp nguyên liệu (gỗ, sơn…) kiểm định xem có hợp chuẩn hay không rồi mới tiếp tục nhập về để sản xuất.
“Đây là quy định rất hợp lý của Bộ Khoa học và Công nghệ. Việc gắn dấu sẽ giúp các doanh nghiệp làm ăn chính đáng khẳng định thương hiệu trước hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng,” bà Trúc nói.
Đồng tình, bà Nguyễn Thị Ngọc Minh, Phó Giám đốc Công ty Thiết bị trường học Phục Hưng, cho biết công ty có tới gần 700 mặt hàng dành cho lứa tuổi mầm non (đồ chơi, đồ dùng học tập) và không ít lần phát hiện ra hàng nhái. Do đó, việc gắn dấu hợp quy sẽ giúp công ty đứng vững hơn trên thị trường.
Mỗi lần ra sản phẩm mới, nhà sản xuất lại phải mời cơ quan chức năng đến đánh giá. Tuy nhiên, theo cả hai doanh nghiệp trên, dù việc này sẽ khiến doanh nghiệp mất thời gian, tiền bạc để in dấu hợp quy, song suy cho cùng thì cái lợi vẫn nhiều hơn và họ đều vui vẻ chấp nhận.
Tẩy chay hàng kém
Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho hay, khó khăn lớn nhất trong việc kiểm soát chất lượng đồ chơi trẻ em chính là hàng hóa được nhập lậu, hoặc mang nhỏ lẻ qua biên giới. Đây là những hoạt động không có quản lý chất lượng nên nếu mang đến cơ quan quản lý để gắn dấu hợp quy thì không được, bởi không có hồ sơ hàng hóa.
Qua xem xét thị trường, ông Vinh cho rằng có tới 85% đồ chơi trẻ em hiện nay nhập ngoại. Với những đồ chơi nhập khẩu chính ngạch, thường có giá thành khá cao và đáp ứng cho phân khúc thị trường cao cấp. Tuy nhiên, số hàng hóa nhập khẩu theo dạng này chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với nhập lậu.
Ông Vinh cũng cho hay, đến ngày 15/9, tất cả hàng hóa nhập khẩu, sản xuất trong nước khi lưu thông thì đều phải dán dấu hợp quy CR. Đối với những sản phẩm không dán dấu, không có nguồn gốc xuất xứ sẽ bị các đoàn thanh, kiểm tra của các cấp, ngành xử lý theo pháp luật (tịch thu, phạt hành chính).
Vị Phó Tổng Cục trưởng cho rằng, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức là rất quan trọng. Song, ông thẳng thắn: “Cũng phải mất vài năm mới có thể thay đổi được nhận thức người tiêu dùng và người bán.”
Bởi vậy, theo ông Vinh, điều quan trọng là người tiêu dùng phải thay đổi nhận thức sử dụng đồ chơi trẻ em ngay từ bây giờ. Và đương nhiên, khi người tiêu dùng quay lưng với hàng kém chất lượng thì chắc chắn nguồn cung sẽ giảm.
Ngoài ra, công tác thanh kiểm tra cần sự quyết liệt của nhiều cơ quan chức năng. Sẽ hiệu quả hơn nếu ở cấp phường, xã, lực lượng an ninh cũng xông xáo nhập cuộc, ngăn chặn những cửa hàng đồ chơi trẻ em không hợp chuẩn. Có như vậy mới mong thị trường đồ chơi trẻ em sẽ “sạch” sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, gây hại cho trẻ nhỏ./.
Trung Hiền (Vietnam+)