Đâu là khả năng cho một ASEAN "tự cường và sáng tạo"?

Việc hướng tới thực hiện Tầm nhìn về một ASEAN “tự cường và sáng tạo” là cần thiết và cấp thiết, bởi thực tế là ASEAN đang đứng trước các mối đe dọa, đặc biệt là các mối đe dọa phi truyền thống.
Đâu là khả năng cho một ASEAN "tự cường và sáng tạo"? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: ASEAN SAS)

Trong bối cảnh hiện nay, việc hướng tới thực hiện Tầm nhìn về một ASEAN “tự cường và sáng tạo” là cần thiết và cấp thiết, bởi thực tế là ASEAN đang đứng trước các mối đe dọa, đặc biệt là các mối đe dọa phi truyền thống như biến đổi khí hậu, khai thác cá quá mức, độ bảo mật trên trang web...

Hơn nữa, ASEAN cần tập trung tăng cường trọng tâm của mình để xây dựng một cộng đồng ASEAN kết nối. Đó là lý do tại sao khả năng phục hồi và tự cường cho khu vực này là quan trọng.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Jakarta (Indonesia), ông Arisman, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á cho rằng về sự sáng tạo và đổi mới, ASEAN cần tăng cường những ý tưởng trong bối cảnh phát triển mới như việc xây dựng thành phố thông minh và khuyến khích đổi mới cho tất cả các sản phẩm của ASEAN.

[ASEAN cần thúc đẩy sự kết nối hơn nữa giữa các nước thành viên]

Trên thực tế, các quốc gia châu Á thường có các sản phẩm tương tự nhau nên việc đổi mới nhiều hơn về công nghệ, trong đó có quảng bá, xây dựng thương hiệu, lập trang web cho sản phẩm trong bối cảnh nền kinh tế liên tục có những thách thức… là cần thiết.

Liên quan đến hòa bình và an ninh trong tôn giáo cũng có nhiều vấn đề cần được các nước ASEAN quan tâm, đặc biệt là trong bối cảnh an ninh hàng hải đang nảy sinh nhiều vấn đề cần được xử lý...

Vì tất cả những điều này, Tầm nhìn về một ASEAN “tự cường và sáng tạo” đã được các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí và quyết tâm thực hiện.

Ông Arisman đề cập đến việc trong các nước thành viên ASEAN có những chênh lệch đáng kể về sự phát triển như 2 quốc gia Singapore và Lào.

Bên cạnh đó, cũng có những quốc gia tầm trung như Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam. Điều đó tạo nên những khác biệt cần được cải thiện nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển và giải quyết các vấn đề như an ninh mạng, dòng người di cư,… vẫn còn tồn tại.

Mặc dù các nhà lãnh đạo ASEAN đã đưa ra cam kết về sự cải thiện trong tương lai, tuy nhiên điều đó không dễ để thực hiện bởi nó liên quan đến pháp luật và quy định của từng nước thành viên. Vì vậy, các nước cần giữ được sự hài hòa về luật pháp trong khi bảo đảm tôn trọng luật quốc tế.

Về những mối đe dọa đối với vai trò của ASEAN trong quan hệ với các đối tác, đối thoại, ông Arisman cho rằng có 3 vấn đề ASEAN đang quan tâm, đó là vấn đề Biển Đông; quan điểm thái độ của nhà lãnh đạo Philippines Duterte có một số khác biệt so với các nhà lãnh đạo ASEAN khác; và chính sách, quan điểm của chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Đông Nam Á.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á nhận định những vấn đề này sẽ được ASEAN tìm cách tháo gỡ, giải quyết với các nước đối tác, đối thoại của mình như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản…

Trong khi đó, bản thân ASEAN cũng cần phải tích cực và chủ động cải thiện các mối quan hệ này.

ASEAN được thành lập vào năm 1967 trong môi trường hòa bình và hiện tại thì khối này đang phải tìm cách cân bằng giữa hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc để tiếp tục duy trì môi trường hòa bình và ổn định của khu vực.

 

Đối với Indonesia, nước này tìm kiếm chính sách ngoại giao cân bằng và không thể hiện rõ là ủng hộ Trung Quốc hay Mỹ, do đó có những khó khăn về chính sách đối ngoại đối với các nước khác.

Gần đây vấn đề Biển Đông đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của khu vực và cách ASEAN tiếp cận, xử lý vấn đề này để có thể vừa duy trì được vai trò trung tâm của ASEAN, vừa giảm thiểu những căng thẳng trong khu vực là điều đáng nghiên cứu.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Arisman khẳng định sự ổn định của ASEAN là quan trọng hàng đầu, do đó chính sách đối ngoại của tổ chức này cần linh hoạt, hiệu quả, nhất là trong xử lý mối quan hệ với các đối tác, đối thoại, đặc biệt là liên quan đến vấn đề Biển Đông.

Có thể thấy, tại Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN lần thứ 51 (AMM 51), giữa ASEAN và Trung Quốc đã thống nhất được với nhau về văn bản duy nhất trong việc đàm phán đi đến ký kết Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), tuy nhiên tiến trình này cần được tiếp tục theo dõi vì nó vẫn đang trong quá trình bàn thảo và chưa có kết quả chính thức.

Trước mắt, ASEAN vẫn cần phải nỗ lực để duy trì hòa bình, ổn định và an ninh tại Biển Đông.

Liên quan đến COC, ông Arisman nhận định đây cũng mới chỉ là những bước tiến ban đầu bởi vì hiện vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Do chính sách đồng thuận của ASEAN nên có nhiều vấn đề không thể có sự đồng thuận của tất cả các quốc gia thành viên và điều này còn phụ thuộc vào chính sách đối ngoại riêng của từng quốc gia ASEAN cần phải được tôn trọng.

Tuy nhiên, việc đàm phán ký kết COC là rất quan trọng vì vấn đề Biển Đông đang có những liên quan trực tiếp đến một số quốc gia ASEAN.

Indonesia mặc dù không phải là một bên có tranh chấp tại Biển Đông, song nước này đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những căng thẳng hiện nay và cùng với các quốc gia khác như Singapore đóng góp cho nỗ lực này để tìm được hướng giải quyết vấn đề Biển Đông.

Ngoài ra, để giảm thiểu những căng thẳng hiện nay ở Biển Đông đòi hỏi phải có sự nỗ lực của cả ASEAN cũng như cộng đồng quốc tế. Thực tế gần đây Trung Quốc đã tiến hành xây dựng, quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Trong khi đó hiện nay chính sách về Biển Đông của chính phủ Philippines đã có sự thay đổi so với trước.

Philippines hiện đang cần nguồn vốn từ Trung Quốc, bên cạnh đó còn có cả Campuchia và Lào, thậm chí cả Malaysia và Brunei cũng cần nguồn vốn này, do đó các nước trên có xu hướng e dè khi đề cập đến vấn đề Biển Đông.

Chính phủ mới hiện nay của Malaysia có thể có một số khác biệt nhưng chưa rõ ràng để có thể đánh giá ở thời điểm hiện nay.

Năm 2019 sẽ diễn ra bầu cử tổng thống ở Indonesia và không ai có thể biết được những biến động về chính trị sẽ diễn ra như thế nào. Trong khi đó năm 2019 Thái Lan là Chủ tịch luân phiên của ASEAN.

Những thay đổi đó có thể kéo theo nhiều vấn đề tác động đến chính sách đối ngoại của khối và hiện có nhiều quốc gia có liên quan đến quan hệ kinh tế, chính trị với Trung Quốc…

Vì vậy, với tình hình hiện nay thì vấn đề Biển Đông vẫn được cho là một nội dung mà ASEAN cần nỗ lực tập trung xử lý với tinh thần tự "cường và sáng tạo"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục