Dầu mỏ thế giới giảm vì lo khủng hoảng nợ châu Âu

Ngày 30/11, thị trường dầu mỏ thế giới đã quay đầu giảm giá, do giới đầu tư tiến hành bán chốt lời sau phiên tăng mạnh ngày hôm trước.
Ngày 30/11, thị trường dầu mỏ thế giới đã quay đầu giảm giá, do giới đầu tư tiến hành bán chốt lời sau phiên tăng mạnh ngày hôm trước, giữa những lo ngại dai dẳng về nền kinh tế khu vực đồng euro (Eurozone).

Tại New York kết thúc phiên giao dịch, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 1/2011 giảm 1,62 USD xuống 84,11 USD/thùng. Tuy vậy, giá dầu tại thị trường Mỹ vẫn kết thúc tháng 11/2010 với mức tăng 3,29% so với tháng trước đó, đánh dấu mức tăng mạnh nhất kể từ tháng Chín vừa qua; đồng thời cũng là tháng tăng giá thứ 3 liên tiếp. Còn tại London, giá dầu Brent Biển Bắc cùng kỳ hạn cũng giảm 1,42 USD xuống 85,92 USD/thùng.

Đến phiên ngày 1/12 tại châu Á, điều kiện thời tiết lạnh giá và tuyết rơi dầy tại châu Âu đã giúp tăng nhu cầu dầu sưởi ấm, tuy nhiên nó vẫn không đủ lực để kéo giá dầu lên mạnh, trong bối cảnh thị trường vẫn chưa hết nỗi lo về cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu.

Tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 1/2011 tăng 42 xu lên 84,53 USD/thùng; còn giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ tăng 36 xu lên 86,28 USD/thùng.

Trong phiên 29/11, thị trường dầu mỏ đã tăng mạnh sau khi Ireland, nước đang phải vật lộn với cơn bão trong hệ thống ngân hàng, đã nhất trí về các điều khoản của gói cứu trợ trị giá 85 tỷ euro (khoảng hơn 110 tỷ USD), nhưng bước đi này đang dấy lên những lo ngại về sự lây lan của cuộc khủng hoảng nợ ở Eurozone.

Matt Smith thuộc Công ty Summit Energy cho biết giá dầu phiên 30/11 giảm là do những lo ngại về gói cứu trợ mà châu Âu dành cho Ireland, về khả năng lây lan của cuộc khủng hoảng nợ. Hiện nay thị trường đang chuyển sự chú ý sang Tây Ban Nha, theo đó làm gia tăng tâm lý đề phòng rủi ro.

Cùng ngày, đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong hơn hai tháng so với rổ tiền tệ, do đồng euro rớt giá trước những lo ngại về tình hình ở châu Âu. Dầu mỏ và các hàng hóa khác tính bằng đồng USD thường biến động trái chiều so với bạc xanh.

Khi đồng USD mạnh lên, nó thường gây sức ép làm giảm giá dầu vì khi đó nó giúp tăng giá trị khoản doanh thu của các nhà sản xuất, song lại khiến giá dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với những người tiêu dùng nắm giữ các đồng tiền khác. Ngoài ra, thị trường dầu mỏ còn chịu sức ép từ những tin xấu ở Trung Quốc.

Cũng trong ngày, thị trường chứng khoán Thượng Hải đã rơi xuống mức thấp nhất trong bảy tuần, với sự thiếu hụt lượng tiền mặt trên thị trường tiền tệ trong nước đang gây ra tình trạng mất tính thanh khoản.

Sau những quyết định yêu cầu các ngân hàng tăng dự trữ bắt buộc vừa qua, giới đầu tư lo ngại Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu mỏ nhiều thứ hai thế giới - sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát./.

Phương Thảo (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục