Dấu mốc mới trong quan hệ đối tác VN-Campuchia

Chuyến thăm Campuchia của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng góp phần đưa quan hệ hai nước bước vào giai đoạn phát triển mới.
Ngày 20/9, đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu đã rời thủ đô Phnom Penh về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm hữu nghị chính thức Vương quốc Campuchia theo lời mời của Ngài Samdech Akka Ponhea Chakrei Heng Samrin, Chủ tịch Quốc hội Campuchia.

Nhân dịp này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Ngô Đức Mạnh đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tháp tùng đoàn về kết quả cũng như những dấu ấn quan trọng trong việc tăng cường tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Campuchia sau chuyến thăm trên.

- Thưa đồng chí Ngô Đức Mạnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật đạt được trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Vương quốc Campuchia vừa qua của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng?

Ông Ngô Đức Mạnh: Từ ngày 16-20/9, đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu đã thăm hữu nghị chính thức Campuchia và dự Đại hội đồng liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA-32).

Đây là chuyến thăm hữu nghị chính thức nước ngoài đầu tiên của đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam nhiệm kỳ khóa XIII do đồng chí Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu sau khi được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội.

Trong những ngày ở thăm đất nước Chùa Tháp, đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta đã có một chương trình làm việc được bố trí sít sao, hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin; yết kiến Quốc Vương Norodom Sihamoni, hội kiến Chủ tịch Thượng viện Chea Sim và Thủ tướng Hun Sen; thăm tỉnh Preah Sihanouk, thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán ta tại SihanoukVille và đại diện bà con Việt kiều tại Campuchia; tham dự diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Campuchia và thăm một số doanh nghiệp nước ta đang đầu tư ở Campuchia.

Ngay từ khi tới sân bay thủ đô Phnom Penh, thăm tỉnh Preah Sihanouk cũng như trong suốt thời gian chuyến thăm, ở đâu, các thành viên trong đoàn đều cảm nhận được tình cảm chân thành, sự đón tiếp trọng thị, chu đáo từ phía các vị lãnh đạo và người dân Campuchia.

Kết quả bao trùm của chuyến thăm là hai bên nhất trí khẳng định làm hết sức mình để giữ gìn, vun đắp cho mối quan hệ láng giềng đặc biệt, hợp tác toàn diện được thử thách qua thời gian giữa hai nước sâu sắc hơn, nồng ấm hơn, bền chặt hơn. Đây là tài sản vô giá của nhân dân hai nước, như lời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Hai nước đồng cam cộng khổ, tối lửa tắt đèn có nhau.”

Chúng ta cũng rất cảm động đón nhận những lời phát biểu chí tình của các vị lãnh đạo Campuchia và tình cảm chân thành của người dân Campuchia, là không bao giờ quên được sự mất mát, hy sinh, giúp đỡ tận tình, trong sáng của nhân dân Việt Nam để Campuchia có cuộc sống hòa bình, phát triển như ngày nay.

Trên nền tảng mối quan hệ tốt đẹp đó, đoàn đại biểu Quốc hội nước ta đã có các cuộc trao đổi sâu rộng với các nhà lãnh đạo Campuchia và hai bên đã hoàn toàn nhất trí cao về tất cả những vấn đề đặt ra, các biện pháp thúc đẩy sự hợp tác toàn diện, hiệu quả giữa hai nước, nhất là giữa hai cơ quan quốc hội.

- Như Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin đã nói, chuyến thăm lần này của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có ý nghĩa lịch sử đặc biệt trong quan hệ giữa hai quốc gia, xin đồng chí cho biết triển vọng hợp tác toàn diện giữa hai nước trong thời gian tới?

Ông Ngô Đức Mạnh: Cùng với quan hệ chính trị tốt đẹp, qua mỗi lần đến thăm Campuchia, tôi đều nhận thấy sự thay đổi nhanh chóng của đất nước Chùa Tháp, người dân hiền hòa, cần cù lao động; đất nước có nhiều tiềm năng để phát triển bền vững; nền kinh tế có bước phát triển cao, đạt khoảng 6% tăng trưởng trong năm 2010 ngay cả khi có những yếu tố không thuận bên ngoài và bối cảnh nền kinh tế thế giới suy giảm.

Đồng thời, thành tựu của Việt Nam trong công cuộc Đổi mới toàn diện, đặc biệt là thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 với 99,51% số cử tri cả nước đi bầu và sự nhất trí, đồng thuận rất cao trong việc đưa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng vào cuộc sống... khiến bạn càng thêm tin tưởng ở chúng ta trong quá trình đẩy mạnh hợp tác phát triển toàn diện nhằm nâng cao vị thế của hai nước trong khu vực và quốc tế.

Về chính trị, hai bên nhất trí làm sâu sắc hơn mối quan hệ gắn bó giữa hai nước; tiếp tục duy trì hợp tác ở cả ba cấp độ: trung ương, các địa phương và giữa các doanh nghiệp với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; phát huy đầy đủ vai trò của các cơ chế hợp tác hiện có, nhất là thực hiện các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thương mại.

Thủ tướng Hun Sen cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho bà con người gốc Việt ở Campuchia có quyền hợp pháp của mình, sinh sống và làm ăn ổn định, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước Campuchia.

Hai bên đã bàn các biện pháp thúc đẩy sự hợp tác kinh tế, giao lưu, trao đổi thương mại. Phía Campuchia đánh giá cao hiệu quả các dự án, công trình đầu tư của Việt Nam vào Campuchia; cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển thủy điện, khai khoáng, trồng cây công nghiệp; cung cấp dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, hàng không, du lịch...

Về vấn đề biên giới lãnh thổ, hai bên đánh giá cao việc quốc hội hai nước đã phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam-Campuchia. Lãnh đạo quốc hội hai nước nhất trí đề nghị hai bên tích cực ủng hộ và thúc đẩy việc phân giới, cắm mốc biên giới trên bộ, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trọng đại này vào năm 2012 như đã thỏa thuận; coi việc hoàn tất công tác phân giới cắm mốc là nhiệm vụ lịch sử, là di sản để lại cho các thế hệ mai sau thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác bền vững. Hai bên nhất trí mở rộng giao lưu nhân dân; tuyên truyền sâu rộng để nhân dân hai nước, nhất là giới trẻ biết trân trọng, gìn giữ mối quan hệ gắn bó, thủy chung giữa hai nước; đồng thời ra sức bảo vệ và làm phong phú tài sản vô giá này.

Hai bên cũng nhất trí cần tiếp tục chủ động tham gia và phối hợp hỗ trợ lẫn nhau tại các diễn đàn liên nghị viện đa phương như IPU, AIPA, APPF, APF, ASEP...

Với những kết quả quan trọng như vậy, có thể nói rằng, chuyến thăm của đoàn đã thành công hết sức tốt đẹp, góp phần đưa quan hệ Việt Nam-Campuchia bước vào một giai đoạn phát triển mới.

- Vậy sự hợp tác cụ thể giữa hai quốc hội trong thời gian tới sẽ như thế nào thưa đồng chí?

Ông Ngô Đức Mạnh: Các nhà lãnh đạo quốc hội hai nước cam kết tiếp tục tăng cường, phát triển quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp trên cả kênh song phương và đa phương. Hai bên nhất trí đẩy mạnh hơn nữa việc trao đổi đoàn và mở rộng hợp tác giữa các cơ quan quốc hội, nhóm nghị sĩ hữu nghị, đại biểu quốc hội; chia sẻ thông tin, kinh nghiệm hoạt động, xây dựng pháp luật; góp phần thực hiện có hiệu quả Thỏa thuận hợp tác giữa hai quốc hội, nhất là triển khai các hoạt động giám sát nhằm thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác giữa hai nhà nước. Từ đó, hỗ trợ mạnh mẽ cho chính phủ, các bộ ngành ở trung ương và chính quyền địa phương tăng cường hợp tác về mọi mặt.

Với quyết tâm, nỗ lực chung của quốc hội, chính phủ và nhân dân hai nước trong việc triển khai hiệu quả các biện pháp cụ thể như trên, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng, quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia chắc chắn sẽ không ngừng được củng cố và phát triển theo hướng “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài.”

- Tại Phiên họp toàn thể Đại hội đồng AIPA-32, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã có bài phát biểu quan trọng, xin đồng chí cho biết đóng góp của Quốc hội nước ta trong AIPA cũng như trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN thịnh vượng và phồn vinh?

Ông Ngô Đức Mạnh: Chuyến thăm của đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta đúng vào thời điểm Quốc hội Campuchia thực hiện vai trò nước chủ nhà tổ chức Đại hội đồng AIPA lần thứ 32.

Đây là sự cổ vũ lớn lao dành cho Quốc hội Campuchia và sự đóng góp quan trọng vào thành công của Đại hội đồng AIPA-32, như phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Samdech Heng Samrin.

Chủ đề của Đại hội đồng AIPA-32: “Vai trò của AIPA trong việc xây dựng một Cộng đồng ASEAN thịnh vượng” được tất cả các nước thành viên tham dự ủng hộ, nhất trí cao; phản ánh những mong muốn và sự cần thiết tiếp tục phát huy vai trò của AIPA trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Là tổ chức hợp tác liên nghị viện lớn nhất của khu vực, đại diện cho nhân dân các nước thành viên ASEAN, các nghị sỹ AIPA có trách nhiệm góp phần cùng với ASEAN và các chính phủ đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống; giám sát việc thực hiện những thỏa thuận được ký kết giữa các nước thành viên và nhất là thúc đẩy giao lưu văn hóa, làm sâu sắc hơn sự hiểu biết, chia sẻ gắn bó thân thiện giữa nhân dân các nước trong khu vực.

Kể từ thời điểm là thành viên chính thức của AIPA vào năm 1995 đến nay, Quốc hội nước ta luôn chủ động tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động của AIPA; đề xuất nhiều sáng kiến góp phần vào sự lớn mạnh của AIPA; củng cố, tăng cường mối quan hệ giữa AIPA và ASEAN. Quốc hội nước ta đã đăng cai, tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế của AIPA, đặc biệt là hai kỳ Đại hội đồng: AIPO (tên gọi trước đây của AIPA) lần thứ 23 vào năm 2002 và AIPA-31 vào năm 2010, để lại dấu ấn sâu đậm với bạn bè quốc tế về một đất nước Việt Nam đổi mới, phát triển và giàu lòng mến khách. Việt Nam cũng luôn ủng hộ các ý kiến, đề xuất để nâng cao hiệu quả hợp tác, làm sâu sắc hơn sự hợp tác liên nghị viện trong khuôn khổ AIPA.

Phát biểu tại Phiên họp toàn thể của Đại hội đồng AIPA-32, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, một lần nữa khẳng định, Đại hội đồng lần này sẽ thành công tốt đẹp; góp phần quan trọng vào việc tăng cường sự đoàn kết, hiểu biết, và hợp tác giữa các nghị viện thành viên AIPA, vì một Cộng đồng ASEAN đoàn kết và phồn vinh.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục