Đầu mùa khô, phố cổ Hà Nội tiềm ẩn nguy cơ cháy

Người dân sống trong những ngõ nhỏ, đường hẹp của Hà Nội 36 phố phường lại có thêm một mùa khô nơm nớp lo "bà hỏa."
Mặc dù chỉ mới bước vào mùa khô, nhưng một loạt vụ cháy lớn diễn ra trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung và đặc biệt tại khu vực phố cổ nói riêng đã liên tiếp xảy ra.

Người dân sống trong những ngõ nhỏ, đường hẹp của Hà Nội 36 phố phường lại có một mùa khô nơm nớp lo "bà hỏa" gõ cửa nhà mình.

Nguy cơ lớn

Mặc dù luôn được đặt vào diện “báo động đỏ,” nhưng thực tế, dọc suốt 165 tuyến phố cổ của Hà Nội vẫn chưa bao giờ hết tiềm ẩn nguy cơ được "bà hỏa" ghé thăm.

Bốn giờ chiều. Phố Lãn Ông mỗi lúc một đông đúc thêm. Trời nóng như rang khiến mặt đường nhựa nho nhỏ hầm hập phả hơi nóng lên người đi đường. Các quán nước đông nghịt khách.

Hai bên đường, một loạt tiệm thuốc bắc bày bán trên vỉa hè rộng chừng 2m2. Thuốc tràn từ trong quầy ra ngoài đường, thuốc chen với người xếp đầy từng con ngõ chỉ vừa một chiếc xe máy lách qua.

Thậm chí, ngay cạnh Ủy ban nhân dân phường Hàng Bồ, án ngữ ngay trước ngõ cũng có đến hai hàng thuốc đông y bày bán kín.

Chẳng "chịu chị kém em," một loạt con phố khác trong 165 tuyến phố đặc thù này cũng có chung cảnh hàng và người chen nhau sống. Hầu hết đều là những phố nghề với những mặt hàng dễ bắt cháy như giày dép, quần, áo, giấy, chiếu, vải vóc, hóa chất, chăn ga gối đệm, hàng nhựa tổng hợp... 

Điển hình nhất phải kể đến điển hình là các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Mã... Mặt hàng kinh doanh quần áo tại đây rất dễ bắt lửa lại là đầu mối cung cấp cho các tỉnh phía Bắc. Chính vì vậy, lượng hàng hóa được tập kết trên các tuyến phố này rất lớn.

Nguy hiểm hơn nữa, lối thoát nạn duy nhất cho những căn hộ ở đây là ngõ và cầu thang cũng không được buông tha, hàng hóa có thể được chất đến mức nhiều lúc phải nép mình bò sát tường mới có thể đi lại được.

Một tiểu thương buôn bán trên phố Lãn Ông cho hay, hầu hết các hộ kinh doanh trên phố đều cố gắng tận dụng hết diện tích có thể để buôn bán.

Nguy hiểm hơn, hệ thống điện trên các tuyến phố này cũng chắp nối, cũ nát, dây dẫn không được lắp đặt không theo một tiêu chuẩn kỹ thuật nào.

Thậm chí, ở một số tuyến phố như Hàng Mã, Lãn Ông... hàng hóa còn được xếp đè lên cầu dao điện... để tận dụng tối đa mặt bằng buôn bán.

Phố cổ năm nay cũng đã phải đối mặt với một loạt vụ cháy lớn nhỏ. Mới đây nhất, ngày 24/5 tại cửa hàng quần áo số 58 trên phố Gia Ngư (Hoàn Kiếm, Hà Nội) lửa bùng cháy thiêu rụi toàn bộ đồ đạc. Hơn một giờ sau, cảnh sát PCCC mới dập tắt được hỏa hoạn. Một người bị thương nặng.

Tiếp đó, sáng ngày 30/5 khi các đầu bếp của nhà hàng Indochine 16 Nam Ngư (Hoàn Kiếm) đang nấu ăn thì ngọn lửa bất ngờ bốc lên nghi ngút từ gian bếp tầng 2. Đầu bếp cùng người dân nhanh chóng khống chế, nhưng lửa càng lúc càng lớn và lan toàn bộ khu bếp rộng khoảng 16 m2. Cột khói bốc cao, bao trùm tầng 2 của nhà hàng hai tầng khiến cư dân xung quanh náo loạn.

Dân thiếu kỹ năng, chính quyền chưa sát

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tuy nhiên, thực tế, bản thân những người dân sinh sống trong khu vực phố cổ đang thiếu kỹ năng ứng phó với nguy cơ hỏa hoạn.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trung Kiên - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Hàng Bồ cho hay, địa bàn phường này vốn tập trung đông các hộ kinh doanh thuốc bắc, gas hay lò rèn... Đây đều là những mặt hàng dễ cháy. Mặc dù phường đã chủ động thành lập ban chỉ đạo phòng cháy chữa cháy lên tới trên 10 người nhưng thực tế, chỉ 2 người trong số này được đào tạo về kỹ năng ứng phó với sự cố.

Ngay cả việc tuyên truyền cho người dân sở tại cũng chỉ được tiến hành qua... loa phát thanh và họp tổ dân phố.

“Thực tế, trong buổi làm việc vào tháng Năm với Sở Phòng cháy chữa cháy, chúng tôi cũng có kiến nghị Sở nên tiến hành các buổi tập huấn ngay tại địa bàn phường để nâng cao kỹ năng cho người dân nhưng vẫn chưa thực hiện được,” ông Kiên cho hay.

Thiếu kỹ năng ứng phó với giặc lửa, thế mới có những chuyện dở khóc dở cười liên quan đến việc bà hỏa viếng thăm phố cổ mà ngay những người giàu trí tưởng tượng nhất cũng khó có thể hình dung ra.

Điển hình nhất, năm 2011, một ngọn lửa bốc lên tại số nhà 55 phố Mã Mây. Lực lượng cứu hỏa nhanh chóng tiến hành cắt điện để phục vụ công tác phòng cháy. Trời tối om như mực. Người người sống trong phố đổ ra đường... ngóng xem. Bất ngờ ở số nhà 89 cách đó không xa, vị chủ nhà không thích cảnh tăm tối ngay giữa lòng 36 phố. Thế là họ nổi hứng thắp nến lên cho sáng nhà. Rồi bất cẩn, lửa bén sang một loạt vật dụng dễ cháy khác.

Trong lúc lực lượng cứu hỏa đang mướt mát mồ hôi ở nhà 55 thì lại cuống cuồng thêm với đám cháy nhà 89.

Người dân thiếu kỹ năng là một chuyện, nhưng theo Thượng tá Nguyễn Văn Sơn – Trưởng phòng Hướng dẫn Phòng cháy chữa cháy-Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội thì bản thân chính quyền địa phương hiện cũng có lỗi khi chưa thực sự làm tốt công tác quản lý trật tự giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn.

“Các cấp chính quyền phải mạnh tay, không để tình trạng lấn chiếm vỉa hè lòng đường làm nơi buôn bán kinh doanh, đảm bảo đường thông ngõ thoáng để khi có sự cố xảy ra, xe chữa cháy dễ tiếp cận,” Thượng tá Sơn nói.

Bản thân việc bố trí các trụ cấp nước chữa cháy hiện tại trong phố cổ cũng có vấn đề.

“Theo quy định, cứ 150m chiều dài đường phố phải có 1 trụ cấp nước chữa cháy, nhưng trên các tuyến phố cổ nhiều tuyến lại chưa có, như Hàng Chiếu, Hàng Ngang, Hàng Đào... Đây là một trong những khó khăn ban đầu trong việc tiếp cận đám cháy," Trưởng phòng hướng dẫn luật của Sở cho hay.

Theo ông Sơn, ngoài việc nâng cao kỹ năng cho người dân, chính quyền sở tại cần thường xuyên kiểm tra các trụ nước, bể nước, để bảo đảm nguồn nước chữa cháy.

Ngoài ra, bản thân mỗi phường cũng phải xây dựng hoàn chỉnh các phương án chữa cháy và tiến hành thực tập nhuần nhuyễn tại những khu vực có nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ, nhất là tại các chợ, phố nghề, khu đông dân cư...

Sơn Bách (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục