Đầu năm vui đổ xăm hường

Đầu năm vui đổ xăm hường lấy phúc lộc cả năm

Đổ xăm hường lúc đầu chỉ dành riêng cho giới quý tộc, về sau phổ biến trong chốn dinh thự của các bậc quan lại, rồi lan truyền ra dân gian.
Đầu năm vui đổ xăm hường lấy phúc lộc cả năm ảnh 1Bộ thẻ bài gồm 63 thẻ. (Nguồn: Báo Ảnh/Vietnam+)

Đổ xăm hường là một trò chơi tao nhã, vừa để giải trí, vừa để thử vận hên xui lúc đầu Năm Mới.

Thoạt đầu, trò chơi này chỉ dành riêng cho giới hoàng thân quốc thích triều đình nhà Nguyễn ở Huế, về sau phổ biến trong chốn dinh thự của các bậc quan lại, rồi dần dà lan truyền ra ngoài chốn dân gian.

“Xăm” có nghĩa là cái thẻ, nhiều người vẫn quen gọi là thẻ xăm. Còn “hường” vốn gốc là chữ “hồng,” có nghĩa là màu hồng, nhưng do trùng âm với chữ “Hồng” trong Hồng Nhậm, là tên vua Tự Đức (1829-1883), nên người Huế kiêng húy gọi trại ra thành “hường.”

Theo lệ, một bộ xăm hường đầy đủ phải có ba món chính, đó là một bộ thẻ xăm 63 chiếc được làm bằng ngà voi, sừng trâu hoặc tre, gỗ; sáu hột xúc xắc và một cái tô sứ sâu lòng để đổ hột (gieo hột).

Huế nổi tiếng là đất học và trò chơi xăm hường lại xuất phát từ chốn cung đình nên ước vọng về chuyện học hành, đỗ đạt cũng được thể hiện rất rõ trên nội dung các thẻ xăm.

Ví dụ, trong tổng số 63 thẻ xăm, người ta định ra như sau: đứng thứ nhất là thẻ trạng nguyên (1 thẻ/32 điểm); đứng thứ hai là thẻ bảng nhãn (1 thẻ/16 điểm) và thẻ thám hoa (1 thẻ/16 điểm); thứ ba là thẻ hội nguyên (4 thẻ, 8 điểm/1 thẻ), thứ tư là thẻ tiến sỹ (8 thẻ, 4 điểm/1 thẻ), thứ năm là thẻ cử nhân (16 thẻ, 2 điểm/1 thẻ); và cuối cùng đứng thứ sáu là thẻ tú tài (32 thẻ, 1 điểm/1 thẻ).

Bộ xúc xắc gồm có sáu hột, mỗi hột có sáu mặt. Mỗi mặt có khắc chấm tròn, mỗi chấm tượng trưng cho một điểm, lần lượt từ 1 chấm cho đến nhiều nhất là 6 chấm, tương ứng với cách gọi nhất, nhị, tam, tứ, ngũ, lục. Trong đó, mặt nhất (1 chấm) và mặt tứ (4 chấm, tục gọi là mặt hường) được tô màu đỏ, còn các mặt khác được tô màu đen.

Khi chơi, người ta gieo cả sáu con xúc xắc vào chiếc tô sứ rồi căn cứ vào số chấm trên các mặt để tính điểm và nhận cho mình chiếc thẻ thích hợp. Ví dụ, gieo được một mặt tứ, tục gọi là “nhất hường” thì được thẻ trạng nguyên; gieo được sáu mặt tuần tự liên tục từ 1-6 chấm, tục gọi là “suốt” thì được thẻ bảng nhãn, thám hoa; và đặc biệt nhất là gieo được cả sáu mặt tứ, tục gọi là “lục phú hường” thì ngoài việc được lấy tất cả các thẻ, kể cả thẻ đã được người khác đã lấy, còn được thưởng gấp đôi.

Nhìn chung, luật chơi đổ xăm hường khá phức tạp. Tuy nhiên, dựa vào phép chơi, người Huế tin rằng, chơi xăm hường là một cách bói quẻ tốt xấu đầu năm.

Theo quan niệm, trong cuộc chơi, ai lấy được nhiều thẻ Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa thì năm ấy danh tài đắc lợi, công việc hanh thông, thăng tiến.

Tuy nhiên, nếu đổ ra được “lục phú hường” (6 mặt tứ), mặc dù rất hiếm gặp và được thưởng gấp đôi, nhưng chưa chắc đã là điều tốt, bởi theo quan niệm của người Huế, “đỏ quá hóa đen,” tức đi liền với điều quá tốt bao giờ cũng tiềm ẩn một điều gì đó không may mắn.

Ngày nay, trò chơi đổ xăm hường hầu như chỉ còn tồn tại trong thú vui đầu xuân của những người cao tuổi ở Huế. Đầu xuân, trong không khí ấm cúng của mấy ngày Tết, bên ấm trà thơm, đĩa mứt gừng cay nồng ấm, những người bạn già lại quây quần bên bộ xăm hường bày giữa nhà để vừa tiêu khiển theo tiếng kêu lanh canh vui tai của những hột xúc xắc reo lên trong lòng chiếc tô sứ, vừa để thử vận may đầu năm mới./.

Đầu năm vui đổ xăm hường lấy phúc lộc cả năm ảnh 2Bộ 6 hột súc sắc và tô sứ. (Nguồn: Báo Ảnh/Vietnam+)
Đầu năm vui đổ xăm hường lấy phúc lộc cả năm ảnh 3Bộ xăm hường cổ có từ thế kỉ XVIII. (Nguồn: Báo Ảnh/Vietnam+)
Đầu năm vui đổ xăm hường lấy phúc lộc cả năm ảnh 4Một chiếu chơi xăm hường của người Huế. (Nguồn: Báo Ảnh/Vietnam+)
Đầu năm vui đổ xăm hường lấy phúc lộc cả năm ảnh 5Du khách nước ngoài thích thú với trò chơi xăm hường. (Nguồn: Báo Ảnh/Vietnam+)
(Báo Ảnh/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục