Đầu ra bị giới hạn, các ngân hàng giảm lãi suất huy động

Hiện nay thanh khoản của các ngân hàng dồi dào, lượng tiền gửi vào các ngân hàng lớn nên nhiều ngân hàng đã hạ lãi suất huy động từ 0,2-0,5 điểm phần trăm.
Đầu ra bị giới hạn, các ngân hàng giảm lãi suất huy động ảnh 1Giao dịch tại TPBank. (Nguồn: TPBank)

Sau đợt tăng lãi suất huy động trước và sau Tết Nguyên đán, một số ngân hàng hiện đã điều chỉnh giảm. Nhiều ngân hàng như VietinBank, Vietcombank, BIDV, Techcombank, VIB, VPBank, MB... đã công bố giảm lãi suất huy động khách hàng cá nhân.

Đầu ra bị giới hạn

Một số ngân hàng thương mại cổ phần đã bắt đầu điều chỉnh mức lãi suất tiền gửi với khách hàng giảm từ 0,1-0,5 điểm phần trăm. Tuy nhiên, mức điều chỉnh giảm này chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn. Lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng và 12-36 tháng điều chỉnh giảm 0,2 điểm phần trăm, kỳ hạn 6-7 tháng giảm 0,3 điểm phần trăm và kỳ hạn 8-11 tháng giảm 0,4 điểm phần trăm, xuống 5,2-7,1%.

Hiện trên thị trường, các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước như VietinBank, BIDV và Vietcombank vẫn là những ngân hàng đang có mức lãi suất huy động thấp nhất trong toàn hệ thống ngân hàng. Sau khi giảm 0,1-0,5 điểm phần trăm lãi suất huy động cá nhân các kỳ hạn 1-9 tháng, hiện mức lãi suất tiền gửi của các nhà băng này ở mức 4,1-5,3%.

[Giảm lãi suất cho vay trong năm 2018 là một nhiệm vụ trọng tâm]

Nhận định về lý do giảm lãi suất huy động lần này, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) nhận định, hiện nay thanh khoản của các ngân hàng dồi dào, lượng vốn huy động dễ, lượng tiền gửi vào các ngân hàng cũng rất lớn, trong khi đó ngân hàng lại có những giới hạn nhất định.

Ông Hưng cho biết thêm, một phần các ngân hàng giảm lãi suất huy động là do năm nay Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra thông điệp chỉ cho phép tăng trưởng tín dụng không quá 17%, trong đó ngay từ đợt đầu năm Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ cho ngân hàng nào cao nhất là 15%, ngay như TPBank cũng chỉ được 15%.

"Rõ ràng, trong bối cảnh đầu ra có giới hạn, đầu vào nhiều thì ngân hàng không có ý muốn lại tiếp tục huy động, bởi vì càng huy động nhiều mà không cho vay ra được thì sẽ phải lỗ vì chi trả ra mà không có nguồn thu và điều đó sẽ dẫn đến lãi suất sẽ dần dần giảm xuống. Tất nhiên khi lãi suất đầu vào giảm thì sẽ là tiền đề rất tốt để hạ lãi suất cho vay. Đến nay, tôi thấy nhiều khách hàng, đặc biệt là những khách hàng tốt đang được vay với lãi suất thấp, tôi nghĩ khi Nhà nước kiểm soát chặt về tăng trưởng tín dụng, về lạm phát, về tăng giá thì chắc chắn xu hướng tới đây lãi suất sẽ có xu hướng tiếp tục giảm nữa," ông Hưng chia sẻ.

Mặc dù ủng hộ chủ trương giảm lãi suất huy động vì đây là tiền đề để giảm lãi suất cho vay, nhưng lãnh đạo một số ngân hàng cũng cho biết hiện chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra đang khá thấp và các ngân hàng sẽ phải tiết giảm các chi phí để giảm lãi suất cho vay.

Đồng tình với nhận định trên, chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng, chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra của các ngân hàng Việt Nam hiện nay đang khá thấp so với khu vực, chỉ 2,2-2,4%, trong khi mức này tại Trung Quốc khoảng 3%, Philippines, Indonesia khoảng 2,8-3%... Mặc dù các ngân hàng có cùng mức rủi ro nhưng chênh lệch lãi suất của Việt Nam lại thấp hơn.

Đầu ra bị giới hạn, các ngân hàng giảm lãi suất huy động ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Thanh khoản dồi dào

Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bản Việt, thanh khoản của hệ thống tiếp tục được duy trì dồi dào là yếu tố hỗ trợ cho việc giảm lãi suất huy động vừa qua của các ngân hàng. Trong khi đó, ở phía cung vốn, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán M2 (tiền gửi tiết kiệm chưa giải ngân) đạt 3,23% so với cuối năm 2017, phần tăng thêm này tương đương 264.000 tỷ đồng. Trong suốt năm 2017, tốc độ tăng trưởng của tổng phương tiện thanh toán M2 qua từng tháng phần lớn có xu hướng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng (mức chênh lệch nhỏ nhất là 0,54% tại thời điểm cuối tháng 3/2017 và lớn nhất là 3,27% tại thời điểm cuối tháng 12/2017).

Theo đánh giá của các chuyên gia Công ty chứng khoán Bản Việt, điều này cho thấy sự thận trọng của Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành cung tiền dù lạm phát trong năm 2017 vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Tuy nhiên, diễn biến trong 3 tháng đầu năm 2018 đã cho thấy sự đảo chiều khi tốc độ tăng trưởng M2 đã cao hơn so với tăng trưởng tín dụng (mức chênh lệch đạt 1%). Chính điều này đã giúp cho phần chênh giữa tăng trưởng M2 và tăng trưởng tín dụng tăng lên.

Ở một diễn biến khác cũng cho thấy thanh khoản đang dồi dào. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng trong quý 1 vừa qua chỉ 2,23%, thấp hơn mức tăng 2,81% của cùng kỳ năm 2017 và cũng chỉ tương đương mức tăng trưởng huy động vốn 2,2% của toàn ngành trong quý 1 năm nay.

Như vậy, chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và huy động vốn chỉ ở mức 0,03 điểm phần trăm, thấp hơn nhiều so với mức 0,38 điểm phần trăm của cùng kỳ năm 2017. Đáng lưu ý là tăng trưởng cung tiền trong quý 1 tới 3,23%, cao hơn rất nhiều so với con số 2,88% của cùng kỳ năm 2017. Chênh lệch giữa tăng trưởng cung tiền và tín dụng lên đến 1%, cho thấy lượng thanh khoản tự do đang lưu hành là khá lớn.

Còn tại điều tra của Vụ Dự báo Thống kê cũng nhận định, thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục cải thiện hơn so với quý trước, hiện đang ở trạng thái “tốt” đối với cả VND và ngoại tệ, được kỳ vọng tiếp tục duy trì tình trạng tích cực trong những quý tới và cả năm 2018.

Trên cơ sở nhận định và kỳ vọng môi trường kinh doanh thuận lợi, các tổ chức tín dụng kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống tăng trưởng bình quân 4,71% trong quý 2/2018 và tăng 16,65% trong cả năm 2018. Chính vì vậy, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng 4,85% trong quý 2 và tăng 16,3% trong năm 2018, xấp xỷ mức kỳ vọng 16,65% về tốc độ tăng trưởng huy động vốn bình quân của toàn ngành.

Tín hiệu giảm lãi suất lần này cũng chỉ ra thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện và ổn định sau những sóng gió về nợ xấu, hậu sáp nhập, tái cơ cấu ngân hàng… Điều này sẽ mang lại niềm tin cho thị trường, thay vì chỉ kêu gọi các ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất như cách làm lâu nay./.

Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng chia sẻ về giảm lãi suất huy động
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục