Dầu thô đứng giá trước thềm cuộc họp của FED

Giá dầu châu Á gần như đi ngang trong ngày 12/9, khi giới đầu tư vẫn đang thận trọng chờ đợi kết quả cuộc họp chính sách của FED.
Giá dầu tại thị trường châu Á gần như đi ngang trong phiên giao dịch ngày 12/9, khi giới đầu tư vẫn đang thận trọng chờ đợi kết quả cuộc họp chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), với hy vọng rằng thể chế tài chính này sẽ tung ra chương trình nới lỏng có định lượng mới (QE3) nhằm vực dậy nền kinh tế số 1 thế giới.

Đóng cửa phiên này tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ hay còn gọi là dầu chuẩn Tây Texas (WTI) giao tháng 10/2012 giảm không đáng kể (1xu), đứng ở mức 97,16 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng chỉ hạ 5 xu, xuống còn 115,35 USD/thùng.

Theo giới phân tích, thị trường năng lượng châu Á không biến động mạnh trong phiên giao dịch 12/9 này là do bị giằng kéo giữa hai nhân tố chính: nhu cầu dầu mỏ thế giới trong giai đoạn giao mùa và cuộc họp của FED.

Giá dầu thường có xu hướng chững lại trong giai đoạn chuyển giao giữa mùa Hè và mùa Đông, do nhu cầu tiêu thụ năng lượng của người dân giảm.

Tuy nhiên, những kỳ vọng vào gói QE3 của FED- vốn được cho là sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ làm đấy lên đồn đoán rằng nhu cầu dầu thô và các loại năng lượng khác có thể sẽ gia tăng.

Ngoài ra, thị trường cũng đang hướng sự chú ý vào quyết định của Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức, dự kiến sẽ được đưa ra ngày 12/9, để xem liệu Đức có thể tham gia và đóng góp vào Quỹ ổn định tài chính châu Âu hay không.

Nhiều người tỏ ra khá lạc quan về khả năng Berlin sẽ chung tay với ECB nhằm đẩy lùi cơn bão nợ đang hoành hành tại khu vực, đồng thời cho rằng quyết định của Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức sẽ tác động tới thị trường dầu mỏ trong thời gian tới.

Đêm trước (11/9), giá dầu tại thị trường Mỹ tiếp tục xu hướng tăng, dù chỉ ở mức khiêm tốn, nhờ hy vọng của giới đầu tư vào kết quả cuộc họp chính sách sắp tới của FED.

Trước cuộc họp này, giới phân tích cho rằng, có tới 60% cơ hội để thể chế tài chính này đưa ra gói QE3, bởi việc Bộ Lao động Mỹ đã đưa ra báo cáo đáng thất vọng về tình hình việc làm của nước này trong tháng 8/2012 vào tuần trước chính là nhân tố quan trọng thúc đẩy FED sớm hành động để đưa nền kinh tế lớn nhất thế giới trở về quỹ đạo tăng trưởng mạnh.

Một yếu tố khác cũng có tác động không nhỏ tới thị trường năng lượng trong ngày giao dịch 11/9 là việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vừa quyết định giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm 2012 là 800.000 thùng/ngày.

Theo OPEC, nhu cầu tiêu thụ dầu thô trên phạm vi toàn cầu trong tháng 7/2012 đã tăng mạnh, lên tới 1,1 triệu thùng/ ngày, chủ yếu xuất phát từ nhu cầu của các thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ và Ấn Độ.

Chốt phiên này, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 10/2012 tại New York tăng 63 xu, lên 97,17 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn tại London cũng tiến thêm 59 xu, lên 115,40 USD/thùng./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục