Dầu thô Mỹ và dầu Brent tiếp tục rớt giá trong tháng đầu năm mới

Sự khởi sắc của mặt hàng nhiên liệu chiến lược này trong tuần giao dịch cuối cùng của tháng 1 vẫn không đủ để giúp đảo ngược đà giảm của cả tháng.
Dầu thô Mỹ và dầu Brent tiếp tục rớt giá trong tháng đầu năm mới ảnh 1(Ảnh minh họa. Nguồn: AFP/TTXVN)

Xu hướng đi lên diễn ra trên thị trường năng lượng trong bốn trên năm phiên giao dịch tuần qua đã giúp dầu ghi nhận một tuần tăng giá. Tuy nhiên, sự khởi sắc của mặt hàng nhiên liệu chiến lược này trong tuần giao dịch cuối cùng của tháng 1 vẫn không đủ để giúp đảo ngược đà giảm của cả tháng.

Mặc dù đi xuống ngay trong phiên giao dịch đầu tuần (ngày 25/1), do mối lo về tình trạng dư cung trên thị trường dầu mỏ vẫn gây áp lực lên giá dầu, mặt hàng này vẫn liên tục lên giá trong các phiên giao dịch còn lại của tuần, sau khi rộ lên tin đồn rằng Saudi Arabia và Nga có khả năng sẽ phối hợp để “chung tay” cắt giảm sản lượng khai thác.

Bộ Năng lượng Nga đã để ngỏ khả năng sẽ đàm phán với OPEC, sau khi các quan chức của bộ này quyết định cần có một cuộc thảo luận giữa Moskva với Riyadh và các thành viên khác của OPEC về kế hoạch hạn chế sản lượng dầu mỏ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Adel Abdulmahdi cũng vừa cho biết Baghdad “sẵn sàng hợp tác” trong việc cắt giảm sản lượng để đẩy giá dầu lên, tuy nhiên, chỉ khi các nước thành viên ngoài OPEC cũng làm như vậy.

Thêm vào đó, thị trường dầu mỏ trong tuần này còn được hỗ trợ bởi báo cáo từ Cơ quan thông tin Năng lượng Mỹ được công bố ngày 28/1 cho thấy dự trữ các chế phẩm chưng cất của nước này trong tuần kết thúc vào ngày 22/1 đã giảm hơn 4 triệu thùng, nằm ngoài dự báo tăng 2 triệu thùng của giới phân tích.

Mặc dù còn nhiều hoài nghi song thị trường vẫn nhen nhóm hy vọng vào cái “bắt tay” giữa Nga và OPEC nhằm giảm nhẹ áp lực về nguồn cung. Tuy nhiên, giá dầu không phản ứng với việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định áp dụng mức lãi suất âm lần đầu tiên nhằm kích thích lạm phát.

Richard Hastings, nhà chiến lược vĩ mô tại Seaport Global Securities, cho biết: “Thông tin từ ngân hàng BoJ cho thấy đồng USD vẫn dao động ở mức cao so với các đồng tiền chủ chốt khác, qua đó có thể khiến các hàng hóa được định giá bằng đồng bạc xanh như dầu mỏ trở nên đắt đỏ hơn.”

Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/1, tại thị trường New Yok, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 3/2016 tăng 40 xu Mỹ, lên 33,62 USD/thùng, sau khi cộng thêm gần 3 USD mỗi thùng trong ba phiên trước đó.

Tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng tăng 85 xu Mỹ, lên 34,74 USD/thùng. Như vậy, tính chung cả tuần này, giá dầu WTI tăng 4,4% và dầu Brent ghi thêm 7,9%. Đây là tuần tăng giá thứ hai liên tiếp của “vàng đen” sau khi có thời điểm mặt hàng này chạm mức “đáy” của 12 năm qua vào đầu tháng.

Dù vậy, bất chấp đà tăng của tuần giao dịch cuối cùng của tháng 1, dầu ngọt nhẹ Mỹ và dầu Brent vẫn lần lượt mất khoảng 9% và gần 7% trong tháng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục