Dấu tích nghĩa quân ở thắng cảnh Hang Luồn

Thắng cảnh Hang Luồn-Ao Dong trong quần thể Ngũ động-Thi sơn (Kim Bảng-Hà Nam) ẩn chứa nhiều “thông điệp” của quá khứ.
Khi thắng cảnh Hang Luồn-Ao Dong trong quần thể Ngũ động-Thi sơn (Kim Bảng-Hà Nam) bị xâm hại, có người biện bạch: đó chỉ là cảnh đẹp thiên tạo chưa phải “di tích lịch sử” nên hậu quả chưa nghiêm trọng. Nhưng thực tế, Hang Luồn- Ao Dong còn ẩn chứa nhiều “thông điệp” của quá khứ.

Dưới lớp “trầm tích”

Chiếc thuyền con “bé tẻo teo” rất đặc trưng vùng sông nước Sơn Nam bồng bềnh đưa chúng tôi luồn lách dưới những nhũ đá thiên hình vạn trạng. Anh Chu Văn Lưu, cư dân xã Liên Sơn, thông tỏ địa thế hang Luồn, cũng là người không ngừng kiến nghị lên các cấp chính quyền kêu cứu cho thắng tích tình nguyện đưa chúng tôi làm chuyến “thám hiểm”.

Sau chừng nửa giờ mò mẫm trong động Thủy, với lộ trình dài nửa cây số ngoắt ngoéo trong hang, qua những cảnh kỳ thú “hang bạc”, “động nàng tiên”, “cột chống trời”…anh Lưu nói như reo: “ đến nơi rồi”. Dưới ánh sáng đèn pin loang loáng chiếu rọi, chúng tôi nhận ra một lũy đất cao chừng một mét vượt lên trên mép nước, chạy dài mấy chục mét, ngăn hang làm đôi. Lũy đất được đắp bằng đất cứng, không giống bất kỳ vật liệu bùn đá nào có trong lòng hang. Dường như cùng với việc vận chuyển đất từ ngoài hang vào trong, những chủ nhân của nó đã gia cố thêm “phụ gia”, để luỹ không bị xói mòn ngay cả trong điều kiện ngập lụt. Chúng tôi tự hỏi, nếu đó là một chiến lũy được đắp lên để phục vụ mục đích ngăn chặn sự tấn công từ bên ngoài thì rất lợi hại, khi từ trong ngách tối có thể khống chế toàn bộ dòng sông ngầm. Trong hang chật hẹp thiếu dưỡng khí, khó xoay xở, vận chuyển nguyên liệu, để dựng được luỹ cần phải có nhiều người góp sức và mất nhiều ngày mới tạo thành.

“Tôi đã nhiều lần thông tin, đề đạt vấn đề nghiên cứu lên lãnh đạo xã, nhưng mãi chẳng thấy cán bộ nào về tận nơi “mục sở thị”. Các anh có lẽ là những người đầu tiên đến hiện trường tìm hiểu", anh Lưu nói.

Dẫn chúng tôi lên một vách đá hiểm trở, anh Lưu chỉ cho chúng tôi xem khu vực “cối giã thuốc” của các cụ ngày xưa. Đó là những hốc đá được đục lõm vào núi, đường kính 30cm, sâu hơn gang tay. Mép “cối” được tạo tác bằng công cụ phẳng lỳ, lòng cối xoay 360 độ tròn vành vạnh. Một chiếc cối giã thuốc theo cách hiểu dân gian, cũng có thể là dụng cụ thổi cơm, chứa nước? Anh Lưu cho hay còn rải rác nhiều chiếc “cối” như vậy trong hang. Quả thực nếu không tận mắt nhìn thấy, không ai có thể tin rằng trong hang sâu tối vẫn có dấu vết người ở sinh hoạt.

“ Động Thuỷ (tên chữ của Hang Luồn) này ngày trước là nơi nghĩa quân bà Lê Chân đánh giặc. Bởi vậy nên nơi này là nơi thờ vọng, còn Lạt Sơn cách đây cây số là điểm thờ chính.Vào ngày mười ba tháng bảy âm lịch lễ hội đền bà nữ tướng Lê Chân, vẫn có người về đây vãn cảnh, thắp hương”, anh Lưu nói.

Để chứng thực lời nói, anh Lưu mang đến cho chúng tôi xem một “thanh kiếm cổ”, nhặt được ở trong hang Luồn. Đó là một thanh sắt dài khoảng 70cm, han rỉ, mẻ từng miếng ở lưỡi, nhưng còn khá nguyên vẹn. Đặc biệt, dáng “kiếm” được tạo lạ mắt, nửa như đao, nửa như kiếm, không giống như loại kiếm sau này mà là một kiểu binh khí cổ xưa.

“Tôi sẵn sàng hiến binh khí này cho bảo tàng để nghiên cứu trưng bày, cốt để làm rõ thêm giá trị lịch sử cho thắng tích”, anh Lưu khẳng định.


“Chủ nhân” động Thủy?

Sử cũ có chép, Kim Bảng xưa từng là căn cứ của nghĩa quân bà Lê Chân. Khi Hai Bà Trưng gieo mình xuống sông Hát, nữ tướng Lê Chân đưa quân về vùng Thi Sơn, đóng quân mưu việc khôi phục giang sơn. Trên vùng đất cổ đã diễn ra nhiều trận quyết chiến giữa nghĩa quân với giặc. Căn cứ thất thủ, nữ tướng Lê Chân tự tận ở núi Giát Dâu. Bởi vậy, theo nhiều bậc cao niên hang Luồn, thung Trứng với địa thế hiểm trở, tiện việc phòng thủ, có thể là nơi nghĩa quân mai phục, đánh du kích kìm chân giặc.

Ông Chu Đức Thọ, Bí thư huyện ủy Kim Bảng, cũng đồng tình với giả thuyết liên quan giữa Động Thuỷ với nghĩa quân của nữ tướng Lê Chân. Ông cho biết, Kim Bảng thì rõ là căn cứ của bà Lê Chân rồi. Với những trận đánh lớn quy mô hàng vạn quân theo binh pháp cổ, dồn lại trên một không gian vài cây số vuông từ núi Giát Dâu về Thi Sơn, thì dưới “nhãn quan” quân sự, hang Luồn hoàn toàn là một vị trí trọng yếu.

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Đắc Ngót, thủ từ đền nữ tướng Lê Chân (Lạt Sơn-Kim Bảng) thì quả quyết, vị trí cửa hang Luồn chính là “tiền đồn” của căn cứ nghĩa quân. Bằng chứng là trong lần khai thác đá cách đây không lâu, công nhân Công ty xi măng Bút Sơn đã tìm thấy một chiếc trống đồng. Theo ông, chiếc trống đó dùng để phát lệnh khi có địch xâm nhập, báo động cho nghĩa quân tại bản doanh.

Cũng trong chuyến “điền dã” lần này, chúng tôi được diện kiến ông Lê Hữu Bách, Hội viên hội văn nghệ dân gian Việt Nam, người chuyên nghiên cứu về văn hóa Kim Bảng, tác giả hai tập Truyện dân gian Kim Bảng. Theo ông, Hang Luồn-Ao Dong còn gắn với một tích khác: cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu thời Lê Trịnh. Qua sưu tầm tư liệu, ông cho rằng hang Luồn chính là nơi cố thủ cuối cùng của nghĩa quân Quận He. Trong cuốn Truyện dân gian Kim Bảng, tập một, ông dành 3 trang kể lại: do phá vây không thành, mấy trăm nghĩa quân của Nguyễn Hữu Cầu do các tướng Chiêu Lân, Kỳ Đồng suất lĩnh đã tử nạn cả trong hang Luồn. Về sự tích tồn tại của các binh khí cổ trong hang, ông Bách cho biết, không chỉ trường hợp anh Lưu mà nhiều người dân Liên Sơn đi đánh cá ở hang Luồn đã nhặt được kiếm, mũi giáo, có lẽ là vũ khí của nghĩa quân. Đáng tiếc là việc thu gom phục vụ nghiên cứu vẫn chưa được làm đến nơi đến chốn.

Nghi vấn về những “chủ nhân” của Động Thuỷ lại có thêm đầu mối, khi một số cán bộ xã Liên Sơn (Kim Bảng) khẳng định dấu vết để lại trong hang Luồn, thuộc thời kháng Pháp mới đây. Kim Bảng một thời là căn cứ bí mật của Đề Yêm, một trong những thủ lĩnh nghĩa quân Bãi Sậy. Ngày giấu kín lực lượng trong hang, đêm xuống nghĩa quân xuất kích, làm quân Pháp thất điên bát đảo. Về sau để tránh giặc truy sát, Đề Yêm rút quân, sang lập căn cứ mới ở Tuyết Sơn.

Vẫn biết chỉ dựa vào một vài cứ liệu mong manh, mà muốn sớm gỡ lớp màn bí ẩn có liên quan đến 3 cuộc khởi nghĩa ở ba thời kỳ lịch sử, là việc quá khó. Nhưng dễ thấy những “tầng” giai thoại dân gian đan xen cùng sự xuất lộ của những “di chỉ” đang đặt ra cho các cơ quan chức năng yêu cầu nghiên cứu, để sớm có kết luận về những chứng tích lịch sử liên quan đến Hang Luồn. Và kết hợp cả vẻ đẹp thiên nhiên quyến rũ, trường tồn trong tâm thức người dân địa phương, liệu Động Thuỷ đã đạt tiêu chuẩn “di tích”, để “chùn bước” những hoạt động tàn phá.

Đáng buồn thay, trên hành trình ngược trở ra, chúng tôi mục kích, cả hai mặt trước sau Hang Luồn đều được tập kết thêm nhiều máy xúc, băng chuyền. Dường như một đợt “tổng công kích” mới sắp được huy động, hạ giải bằng được những khối đá rêu phong phủ kín, đồng nghĩa với việc làm “tiêu tan” nỗ lực muốn vãn hồi khuôn viên thắng cảnh. Trong thế “thập diện mai phục” không rõ Hang Luồn tồn tại được bao lâu, hay tương lai sẽ thành hang... “lấp”./.

Hoàng Giang - Hồng Ninh (Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục