Đầu tư 45 tỷ đồng xây cơ sở giết mổ gia súc tập trung

Thừa Thiên-Huế vừa quyết định đầu tư 45 tỷ đồng xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung giai đoạn từ nay đến năm 2020.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa quyết định đầu tư 45 tỷ đồng xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung giai đoạn từ nay đến năm 2020.

Trong số 45 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước chỉ chiếm 15 tỷ đồng để hỗ trợ một phần xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật như điện, cấp nước sạch, đường giao thông đến chân hàng rào cơ sở, đền bù giải phóng mặt bằng, xử lý chất thải và dây chuyền giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường; còn lại vốn của tổ chức, cá nhân đầu tư 30 tỷ đồng theo hình thức xã hội hóa.

Mục tiêu của Thừa Thiên-Huế là hình thành được 43 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, với tổng diện tích đất sử dụng 81.720m2; công suất giết mổ hàng ngày đạt hơn 4.000 con lợn, 157 trâu bò, 13.200 gia cầm...

Tỉnh tiến hành xóa bỏ 51 điểm giết mổ nhỏ lẻ tại hộ gia đình, di chuyển 11 cơ sở, xây mới 20 cơ sở (bao gồm cơ sở phải di chuyển đến địa điểm mới), cải tạo nâng cấp 23 cơ sở giết mổ khác. Việc quy hoạch, xây dựng cơ sở giết mổ giết mổ mới đảm bảo phải có vị trí rộng, thoáng và tránh hoặc chậm bị sự đô thị hóa tiếp cận trong tương lai. Sự phân bố và quy mô xây dựng phải phù hợp với sự tập trung của các chủ kinh doanh và số lượng giết mổ tại mỗi cơ sở; xa vùng dân cư, nguồn cung cấp nước sinh hoạt, không hoặc ít bị ảnh hưởng bởi ngập lụt; nằm trong vùng không được quy hoạch để phát triển khu dân cư hoặc các công trình có tính chất đối kháng...

Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Hưng cho biết để hỗ trợ các đối tác xây dựng, quản lý cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo hướng xã hội hóa, tỉnh đã tạo điều kiện để có những chính sách hợp lý về đất đai, cơ sở hạ tầng, vốn tín dụng ưu đãi, chính sách thuế...

Chi cục Thú y tỉnh Thừa Thiên-Huế chịu trách nhiệm tập huấn về quy trình kỹ thuật giết mổ, các bệnh dịch nguy hiểm của gia súc, gia cầm cho các đối tượng kinh doanh, mua bán giết mổ để hiểu biết và thực hiện tốt các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. Nếu được đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y được kiểm soát tốt hơn, ngăn ngừa được dịch bệnh.

Trong thời gian qua, ở Thừa Thiên-Huế tồn tại nhiều kiểu kinh doanh mất an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc trá hình việc kinh doanh thịt rừng cho các quán nhậu nhưng thực chất chỉ là thịt trâu hoặc thịt heo siêu nạc giả thịt nai, thịt mang mang.

Tại các địa điểm như chợ Bến Ngự, Trường An, ngã ba Tuần, phía chân cầu Long Thọ, các loại thịt nai, thịt mang này bày bán với giá từ 100.000-120.000 đồng/kg. Tình trạng này phản ánh phần nào việc mất kiểm soát trong khâu giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm trên địa bàn, cần phải được chấn chỉnh kịp thời.../.

Quốc Việt (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục