Đầu tư 500 tỷ đồng phát triển làng nghề gắn với du lịch

Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Tiền Giang sẽ đầu tư gần 500 tỷ đồng để bảo tồn, khôi phục và phát triển làng nghề gắn với du lịch.
Đầu tư 500 tỷ đồng phát triển làng nghề gắn với du lịch ảnh 1Đóng tủ thờ tại làng nghề Gò Công. (Nguồn: TTXVN)

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Tiền Giang sẽ đầu tư gần 500 tỷ đồng để bảo tồn và phát triển làng nghề gắn với du lịch, đào tạo cán bộ quản lý và tập huấn kỹ thuật cho người lao động; hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề ở nông thôn và tổ chức hội thi các tay nghề giỏi.

Tỉnh Tiền Giang đang tập trung các giải pháp khôi phục, khuyến khích phát triển làng nghề một cách bền vững gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo đó, tỉnh phát triển làng nghề gắn với du lịch đối với các làng nghề đã được bảo tồn và phát triển qua nhiều thế hệ, đã xây dựng thương hiệu trên thị trường như hủ tiếu Mỹ Tho, bánh phồng Cái Bè, bánh tráng Hậu Thành, tủ thờ Gò Công, nhằm quảng bá các sản phẩm làng nghề cho khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng tuyên truyền, vận động các cơ sở, hộ trong làng nghề tham gia mô hình kinh tế tập thể theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã để có pháp nhân làm đầu mối tổ chức sản xuất, cung ứng nguyên liệu, thu mua, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm ở các làng nghề: chạm khắc gỗ Lương Hòa Lạc, đan lát Tân Phong, bó chổi Hòa Định, bánh phồng Cái Bè, bánh tráng Hậu Thành, chế biến thủy sản Vàm Láng.

Ngoài ra, tỉnh còn đầu tư ứng dụng, đổi mới khoa học công nghệ trong các lĩnh vực ngành nghề nông thôn; xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm ngành nghề, làng nghề nông thôn…

Ngay trong năm nay, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng mới hệ thống xử lý nước thải tập trung ở các làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm cao như: bánh phồng Cái Bè, bánh tráng Hậu Thành, bánh bún hủ tiếu Mỹ Tho.

Tỉnh cũng đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất trong làng nghề có điều kiện phát triển, giao lưu hàng hóa giữa các vùng, địa phương trong cả nước; góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và xây dựng nông thôn mới.

Tiền Giang hiện có 14 làng nghề, trong đó có 5 làng nghề truyền thống, đa số là làng nghề tiểu thủ công nghiệp, thu hút 3.268 hộ với gần 5.400 lao động tham gia.

Các làng nghề tập trung ở các huyện Châu Thành, Cái Bè, Chợ Gạo, Cai Lậy, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, Gò Công Đông và thành phố Mỹ Tho./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục