Dùng vốn BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ để 'giải cứu' nút giao ùn tắc thủ đô

Đầu tư hoàn thiện, 'giải cứu' ùn tắc tại nút giao cửa ngõ thủ đô

Nút giao Pháp Vân sẽ được đầu tư hoàn thiện bằng việc sử dụng nguồn vốn của dự án BOT cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ để giải quyết ùn tắc giao thông vào mỗi dịp lễ, Tết và các ngày cuối tuần.
Đầu tư hoàn thiện, 'giải cứu' ùn tắc tại nút giao cửa ngõ thủ đô ảnh 1Nút giao thông Pháp Vân, cửa ngõ phía Nam của Thủ đô. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Nút giao Pháp Vân sẽ được đầu tư hoàn thiện bằng việc sử dụng nguồn vốn của dự án BOT cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ để giải quyết ùn tắc giao thông vào mỗi dịp lễ, Tết và các ngày cuối tuần tại nút giao này.

[Nghiên cứu xây các tuyến kết nối giảm ùn tắc nút giao Pháp Vân]

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa có kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải đầu tư hoàn thiện nút giao Pháp Vân nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, nâng cao hiệu quả tuyến đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ.

Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, tuyến đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ là tuyến giao thông huyết mạch kết nối các tỉnh phía Nam của thủ đô Hà Nội. Tuyến được kết nối với hệ thống giao thông thủ đô và tuyến đường Vành đai 3 (đi các tỉnh phía Bắc và Tây Bắc) qua nút giao Pháp Vân; do lưu lượng giao thông qua nút rất lớn, việc kết nối, tổ chức giao thông giữa đường trên cao và dưới thấp chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến thường xảy ra ùn tắc giao thông, đặc biệt là các dịp lễ, Tết và các ngày cuối tuần.

Ủy ban Nhân dân thành phố đã chỉ đạo các đơn vị của thành phố nghiên cứu giải pháp cục bộ cải tạo nút giao Pháp Vân. Tuy nhiên, về giải pháp phân luồng từ xa kết nối đường Pháp Vân-Cầu Giẽ với đường Phan Trọng Tuệ có kinh phí lớn, trong khi thành phố đang phải tập trung vốn cho các dự án trọng điểm, chưa bố trí được vốn cho dự án này.

Để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại vị trí nút giao Pháp Vân, thành phố đề nghị Bộ Giao thông Vận tải thống nhất cho phép bổ sung đầu tư hoàn thiện nút giao Pháp Vân vào dự án BOT (giai đoạn 2), trong đó cần nghiên cứu phương án kết nối tuyến đường Pháp Vân-Cầu Giẽ với đường Phan Trọng Tuệ nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, nâng cao hiệu quả đầu tư tuyến đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ.

Trường hợp vượt thẩm quyền Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đao thực hiện.

Trước đó, tại buổi làm việc giữa Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải vào chiều 12/9/2017, Bộ Giao thông Vận tải và Hà Nội sẽ có thống nhất đề nghị Chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn dư của dự án BOT cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ để giải quyết ùn tắc giao thông ở nút giao Pháp Vân.

Liên quan đến nút giao Pháp Vân, theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, khi tuyến cao tốc Pháp Vân làm xong, chắc chắn nút giao Pháp Vân sẽ ùn tắc tại khu vực này.

[Hà Nội và Bộ Giao thông sẽ ‘giải cứu’ ùn tắc tại nút giao Pháp Vân]

Do đó, Tổng cục Đường bộ đề nghị ghép đoạn đầu tư đường cao tốc nối với đường vành đai 2,5 và đường 70 với kinh phí khoảng 400-500 tỷ đồng nên gắn sử dụng vốn dư của dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân-Cầu Giẽ theo hình thức BOT giai đoạn 1 để chỉnh trang nút giao, cũng như mở rộng đường ngang đi xuống đồng thời cho nhà đầu tư thu hồi vốn bằng cách cho kéo dài thời gian thu phí tuyến cao tốc này.

Đầu tư hoàn thiện, 'giải cứu' ùn tắc tại nút giao cửa ngõ thủ đô ảnh 2Xe nhích từng mét một vào mỗi dịp nghỉ lễ, cuối tuần ở nút giao Pháp Vân. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Được biết, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có đề xuất hai nhóm giải pháp cải tạo, giảm ùn tắc khu vực nút giao Pháp Vân, vị trí cửa ngõ thủ đô.

Cụ thể, bổ sung nhánh rẽ từ đường nhánh của nút giao Trumpet kết nối với nhánh nối từ hướng cầu Thanh Trì-Quốc lộ 1 (giao đường Giải phóng); bổ sung đường nhánh quay đầu dưới gầm cầu cạn, để giảm luồng phương tiện rẽ trái trực tiếp tại vị trí nút giao giữa đường Pháp Vân-Cầu Giẽ với đường vành đai 3 về trung tâm thành phố; bổ sung làn rẽ phải vào đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, để giảm ùn tắc tại vị trí lối vào đường cao tốc của nút giao vành đai 3 đi thấp.

Bên cạnh đó, Tổng cục cũng đưa ra phương án cải tạo vị trí điểm kết nối từ đường Vành đai 3 đi thấp vào đường Quốc lộ 1, để thuận lợi cho làn rẽ phải vào trung tâm Thành phố; cải tạo nhánh rẽ phải từ đầu đường Trần Thủ Độ (đi dưới nhánh cầu dẫn từ đường trên cao xuống) nhập cùng lối vào của nhánh Ramp để vào đường cao tốc.

Với giải pháp này, theo phân tích và đánh giá của lãnh đạo Tổng cục Đường bộ, sau khi cải tạo sẽ cải thiện được đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ tại các vị trí của khu vực nút giao Pháp Vân và tạo nên mỹ quan đô thị của cửa ngõ thủ đô. Kinh phí đầu tư dự kiến 423,1 tỷ đồng (trong đó giải phóng mặt bằng khoảng 255,5 tỷ đồng). Nguồn vốn thực hiện, xem xét sử dụng vốn dư của dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân-Cầu Giẽ theo hình thức BOT./.

Đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ được nâng cấp, mở rộng đã hoàn thành giai đoạn 1 (nâng cấp mặt đường có tổng vốn đầu tư 1.973 tỷ đồng, đã hoàn thành năm 2016), hiện đang thi công giai đoạn 2 có tổng vốn đầu tư 4.757 tỷ đồng bao gồm mở rộng cao tốc từ 4 lên 6 làn xe, chiều rộng nền đường 33,5m.

Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào ngày 31/12/2017, tuy nhiên vấn đề mặt bằng bàn giao chậm khiến cho dự án bị "vỡ" tiến độ và dự kiến cuối năm 2018 đưa vào khai thác.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục