Ngày 29/5, tại thành phố Pleiku (Gia Lai), Hội nghị khởi động Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên gồm 6 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và hai tỉnh duyên hải miền Trung là Quảng Nam và Quảng Ngãi đã diễn ra.
Thời gian triển khai thực hiện Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên là 6 năm (2014-2019) với tổng mức vốn đầu tư 165 triệu USD, tương đương 3.465 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới.
Mục tiêu phát triển của dự án là nâng cao mức sống thông qua cơ hội cải thiện sinh kế ở các xã nghèo bằng cách cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng; tăng tính tự chủ và cơ hội sinh kế trên cơ sở củng cố an ninh lương thực và dinh dưỡng; cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng kết nối ở cấp huyện để thúc đẩy sản xuất, tăng cường tiếp cận dịch vụ công cộng; nâng cao năng lực cán bộ các cấp để thực hiện hiệu quả của dự án.
Dự án đặt mục tiêu khoảng 540.000 người được hưởng lợi; có ít nhất 20% số người nghèo hưởng các ưu tiên phát triển; tiêu dùng lương thực và phi lương thực của các hộ hưởng lợi tăng 10%, tăng ít nhất 20% hộ nghèo được tiếp cận các loại hình dịch vụ, tiện ích.
Dự án cũng đã xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với các tỉnh miền núi, mặt bằng dân trí thấp nhằm đảm bảo đạt hiệu quả cao trong quá trình triển khai thực hiện đồng thời, thúc đẩy phân cấp, trao quyền thông qua giao cấp xã làm chủ đầu tư hầu hết các hoạt động; khuyến khích các đơn vị thi công sử dụng lao động địa phương tại chỗ và nhất là khuyến khích hình thức đấu thầu có sự tham gia của cộng đồng...
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đề cập những khó khăn từ thực tế, trên cơ sở đó tăng cường các giải pháp đảm bảo triển khai thực hiện dự án có hiệu quả.
Các chuyên gia Ngân hàng Thế giới cũng đã trình bày về các chính sách an sinh xã hội, chính sách an toàn môi trường, giám sát đánh giá dự án trong quá trình triển khai thực hiện.
Mặc dù trong 20 năm qua, Chính phủ đã tích cực quan tâm chăm lo đời sống của cộng đồng dân tộc và đạt được nhiều tiến bộ quan trọng, song tốc độ giảm nghèo của nhiều nhóm dân tộc thiểu số và đặc biệt là các nhóm dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên còn chưa cao so với tốc độ giảm nghèo chung. Người dân tộc thiểu số chiếm chưa đến 15% dân số của cả nước nhưng lại chiếm đến 50% trong tổng số người nghèo.
Ở vùng Tây Nguyên, gần 74% số người dân tộc thiểu số có mức sống dưới ngưỡng nghèo, tỷ lệ trẻ em còi cọc và ốm yếu có mức cao nhất của cả nước và ngược lại tỷ lệ nhập học ở bậc tiểu học ở mức thấp nhất.
Theo ông Đào Quang Thu - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là dự án giảm nghèo có quy mô lớn nhất từ trước tới nay ở khu vực Tây Nguyên và có ý nghĩa, giá trị rất thiết thực, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Trước đó, dự án đã được triển khai tại khu vực phía Bắc và đã thực hiện thành công giai đoạn 1, đang tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn 2./.