Đầu tư phát triển kinh tế phải đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội

Cử tri các địa phương phấn khởi vì kinh tế đất nước từng bước phục hồi và tăng trưởng; đồng thời mong muốn Nhà nước chú trọng đầu tư phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội.
Đầu tư phát triển kinh tế phải đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội ảnh 1Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 8, ngày 30/10, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015.

Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri cả nước.


Nội dung bàn thảo bám sát thực tế cuộc sống

Cử tri tỉnh Lào Cai bày tỏ phấn khởi khi nghe Thủ tướng Chính phủ báo cáo tình hình kinh tế-xã hội trong nước vẫn có những ổn định mặc dù trên thế giới có những biến động về chính trị, khó khăn về kinh tế.

Ông Hà Ngọc Đông, cán bộ hưu trí ở đường phố Ngô Quyền, phường Kim Tân (thành phố Lào Cai) và nhiều người dân trong khu phố đồng tình và lạc quan trước sự phát triển kinh tế của đất nước, sự quyết tâm cao của Đảng và toàn bộ hệ thống chính trị, sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và toàn dân.

Là người thường xuyên theo dõi các kỳ họp Quốc hội, ông Hà Ngọc Đông cho rằng nội dung các kỳ họp liên tục có những đổi mới, nhất là nội dung thảo luận đã đi sát thực tế cuộc sống, sát sườn hơn như lao động, việc làm, nạn tham nhũng, ô nhiễm môi trường và các tệ nạn xã hội...

Đồng tình với ông Hà Ngọc Đông, ông Dương Bá Trực nguyên Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lào Cai mong muốn, Quốc hội quan tâm hơn nữa đến việc cải thiện việc làm, tăng cường siết chặt kỷ cương, pháp luật, nhất là ở cơ sở.

Công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội phải ngày càng hoàn thiện để luật pháp “phủ sóng” mọi hành vi trong xã hội, bên cạnh đó, cần tránh trường hợp luật khung, phải qua nhiều văn bản hướng dẫn mới có thể đi vào cuộc sống.

Ông Vũ Đình Hường, Bí thư Chi bộ và các cán bộ lão thành ở Khu phố Mường Than, phường Kim Tân, thành phố Lào Cai bày tỏ tin tưởng nghị trường Quốc hội ngày càng thực sự trở thành diễn đàn đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri là đưa đất nước phát triển vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.


Quan tâm đến các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp

Ông Trần Duy Việt, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng nêu ý kiến, qua theo dõi tình hình kinh tế-xã hội của đất nước những năm gần đây, người dân rất mừng vì kinh tế có bước phục hồi và tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ lạm phát, nhiều chính sách về an sinh xã hội được quan tâm đầu tư.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đi nhanh vào cuộc sống, trở thành phong trào sâu rộng trong cả nước.

Theo cử tri Việt, các chính sách về "tam nông" đã bước đầu giải tỏa những ách tắc, hạn chế mà nông nghiệp, nông dân, nông thôn gặp phải đồng thời khơi dậy được sức dân để vượt qua khó khăn, huy động được nguồn nhân lực và vật lực lớn lao.

Tuy nhiên, “tam nông” đối với Lâm Đồng vẫn còn một số khó khăn mà trong đó cần sự quan tâm hơn nữa của Nhà nước, trước hết là nâng cao hơn nữa năng lực sản xuất cho nông dân (nâng cao trình độ sản xuất, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn, thúc đẩy hợp tác và liên kết trong sản xuất kinh doanh), khẩn trương xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn vốn đang là nhu cầu bức thiết của bà con.

Cùng quan tâm đến các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, cử tri Đặng Tiến Thanh, xã Long Khánh, huyện Bảo Yên (Lào Cai) mong muốn Nhà nước giành ưu đãi nhiều hơn nữa cho người làm nông nghiệp, có chính sách tạo điều kiện để bà con tiếp cận với khoa học kỹ thuật dễ dàng hơn, giúp người nông dân nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, ổn định đầu ra cho hàng hóa nông sản.

Nhà nước cần có chính sách ưu đãi tín dụng đối với những người thực sự có nhu cầu để phát triển kinh tế nông nghiệp.

Quốc hội cần tăng cường biện pháp giám sát, để đảm bảo các chính sách ban hành được phổ biến và thực thi ở cơ sở phát huy tối đa hiệu quả trong thực tiễn.

Giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện gắn với nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Đề cập về tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên hiện nay, cử tri Hà Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, cho rằng vấn đề rõ nhất là thực trạng điều trị theo phân tuyến chuyên môn chưa tốt.

Tình hình trên chủ yếu là ở tuyến Trung ương, nhất là tại một số chuyên khoa đặc biệt như ung bướu, nhi…

Ở tuyến tỉnh thì mức độ quá tải ít hơn, tuyến huyện chỉ có quá tải ở một số bệnh viện mang tính khu vực, chất lượng điều trị tốt.

Đa số các bệnh viện huyện còn lại thì công suất sử dụng giường bệnh cũng không cao (70 - 80%) và trạm y tế xã có một số nơi rất ít bệnh nhân đến điều trị.

Nguyên nhân tình trạng trên là do số giường bệnh được bố trí tăng không theo kịp với sự tăng dân số chung và nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, nhất là những kỹ thuật cao, những chuyên ngành hiếm mà ở địa phương chưa có khả năng triển khai; việc xây dựng mới hoặc mở rộng các bệnh viện tuyến Trung ương không có hoặc rất ít.

Bên cạnh đó, việc phân tuyến điều trị theo chuyên môn chưa được thực hiện tốt, chất lượng điều trị ở một số nơi cũng chưa tốt, chưa tạo được lòng tin trong nhân dân.

Theo cử tri Hà Văn Phúc, để giải quyết các vấn đề trên trước hết cần bố trí số giường bệnh phù hợp với sự phát triển chung của dân số; xây dựng mới và mở rộng một số bệnh viện ở tuyến Trung ương, nhất là một số chuyên ngành đang quá tải trầm trọng; xây dựng một số bệnh viện đa khoa và chuyên khoa mang tính khu vực và vùng.

Ngành y tế thực hiện tốt việc điều trị đúng với phân tuyến chuyên môn kỹ thuật; nâng cao chất lượng điều trị và tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu, tin tưởng vào chất lượng điều trị của các bệnh viện tuyến dưới, đồng thời cần có cơ chế chính sách phù hợp để thu hút cán bộ trẻ, có trình độ cao về cho tuyến dưới, nhất là những vùng khó khăn; tiếp tục có cơ chế chính sách để đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho tuyến cơ sở; tăng cường công tác phòng bệnh để hạn chế dịch bệnh và một số bệnh không nhiễm trùng đang gia tăng...

Với góc độ là người quản lý trong ngành y tế địa phương, ông Hà Văn Phúc cho rằng, để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cấp tỉnh, cấp huyện hiện nay, ngành y tế phải tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế đầy đủ theo quy định, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa và mang tính đặc thù cho một số địa phương; quan tâm đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng theo yêu cầu, đồng bộ với xây dựng và trang thiết bị y tế theo tuyến chuyên môn kỹ thuật; tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong quản lý và điều trị...

Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng Phạm Thị Bạch Yến nhận xét, nhìn chung chất lượng khám chữa bệnh tuy đã có nhiều chuyển biến song so với yêu cầu đặt ra vẫn còn những hạn chế như: trình độ, năng lực cán bộ ở các tuyến chưa đồng đều, thiếu cán bộ nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên sâu đầu ngành; tình trạng quá tải; thủ tục hành chính về khám chữa bệnh còn phức tạp; tình trạng sử dụng thuốc, xét nghiệm cận lâm sàng chưa được kiểm soát chặt chẽ; tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh của một bộ phận cán bộ y tế chưa tốt...

Để phục vụ người bệnh tốt hơn, ngành y tế Lâm Đồng triển khai thực hiện tốt ISO 9001-2000 gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tại cơ quan Sở Y tế; thực hành tiết kiệm chống lãng phí, chống quan liêu, tham nhũng; t ăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; rèn luyện y đức cho cán bộ, nhân viên toàn ngành; tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, vệ sinh môi trường trong cộng đồng; nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về y tế trên địa bàn.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục