Hiệu quả tích cực

Đầu tư ra nước ngoài đem lại hiệu quả tích cực

Tính đến thời điểm này, Việt Nam có trên 440 dự án đầu tư tại 49 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 6,8 tỷ USD.
Theo ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài đang diễn ra khá tích cực.

Sự tăng trưởng nhanh chóng của các hoạt động đầu tư ra nước ngoài thời gian gần đây là sự phát triển khách quan, phù hợp với sự phát triển kinh tế trong nước cũng như tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hầu hết các doanh nghiệp sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài đã được triển khai thực hiện, trong đó có nhiều doanh nghiệp đã đi vào hoạt động có hiệu quả, đồng thời thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu và tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam tại Lào, Campuchia, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…

Đến nay, Việt Nam có trên 440 dự án đầu tư tại 49 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 6,8 tỷ USD. Riêng 8 tháng của năm 2009, tổng vốn đăng ký đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài đạt trên 2,1 tỷ USD, chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài từ trước đến nay.

Vốn thực hiện của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài cũng đã đạt trên 1,5 tỷ USD. Kết quả này cũng cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đã có sự trưởng thành vượt bậc trong thời gian qua và thể hiện, đầu tư ra nước ngoài không những không làm phân tán nguồn lực mà ngược lại đã đem lại những hiệu quả rất tích cực.

Tuy nhiên theo ông Thắng, đây mới là sự khởi đầu bởi tiềm năng hợp tác đầu tư ra nước ngoài là rất lớn. Hiện nay, đầu tư ra nước ngoài đang gặp những thuận lợi hơn bao giờ hết.

Cuộc khủng hoảng kinh tế mặc dù đã có tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội mới để doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tiếp cận, đầu tư vào thị trường các nước cũng như các lĩnh vực mà trước đây chúng ta khó có thể tiếp cận được.

Tuy nhiên, việc đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam hiện cũng đang gặp những khó khăn cũng như tồn tại như tiềm lực tài chính còn yếu, chưa thể đầu tư lớn cũng như tạo ra được giá trị gia tăng lớn trong tương lai gần.

Doanh nghiệp Việt Nam chưa nắm vững luật pháp của nước ngoài, dễ dẫn đến những rủi ro trong đầu tư, kinh doanh tại nước sở tại.

Các doanh nghiệp Việt Nam chưa có sự liên kết chặt chẽ với nhau trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại nước sở tại nên hoạt động thường đơn lẻ, khó làm ăn lớn và đôi khi còn có xung đột về lợi ích của nhau.

Ông Thắng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm tăng cường hơn nữa các hoạt động đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài trong thời gian tới cũng như tăng cường các biện pháp, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.

Do vậy, bên cạnh việc tiếp tục khai thác và phát huy thế mạnh của các thành phần kinh tế Việt Nam trong đầu tư vào các thị trường truyền thống như Lào, Campuchia, các nước trong khu vực, Liên bang Nga..., Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến nghị các doanh nghiệp từng bước mở rộng đầu tư sang các nước và thị trường mới như Mỹ Latinh, Đông Âu, Châu Phi...

Bộ ưu tiên và khuyến khích đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng, sản xuất điện năng, khai thác tài nguyên thiên nhiên (đặc biệt chú trọng các lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí và khoáng sản khác), lĩnh vực trồng cây công nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục