Đầu tư thêm tuyến dẫn nước sông Đà: Cần “chọn mặt gửi vàng”

Các cơ quan chức năng đều khẳng định phải gấp rút làm thêm tuyến ống dẫn nước mới nhưng việc lựa chọn công nghệ cũng như nhà thầu đủ năng lực cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng.
Đầu tư thêm tuyến dẫn nước sông Đà: Cần “chọn mặt gửi vàng” ảnh 1Khắc phục cự cố vỡ đường ống nước. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Đường ống dẫn nước Sông Đà liên tiếp bị vỡ khiến khoảng 70.000 hộ dân phía Tây Thủ đô bị ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt.

Mặc dù thời gian giải quyết sự cố ngày càng được rút ngắn tối đa với lực lượng ứng cứu 24/24 giờ nhưng việc vỡ đường ống này đến lần thứ chín được dự báo sẽ còn tiếp diễn.

Các cơ quan chức năng đã cùng nhập cuộc và đều khẳng định phải gấp rút làm thêm tuyến ống mới, tránh phụ thuộc vào đường ống dẫn nước độc đạo duy nhất hiện nay của chủ đầu tư Vinaconex. Tuy nhiên, việc lựa chọn công nghệ cũng như nhà thầu đủ năng lực để xây dựng các tuyến ống mới trong thời gian tới cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng.

Không để một tuyến ống độc đạo

Liên tiếp trong những ngày gần đây, Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc họp để đưa ra giải pháp có nước sạch cấp cho các hộ dân. Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, khẳng định Hà Nội sẽ chủ động đầu tư tuyến ống khẩn cấp, còn Vinaconex tiếp tục nghiên cứu, đầu tư tuyến ống số 2 để nâng công suất đường ống cấp nước theo quy hoạch.

Thực tế cho thấy hiện tuyến dẫn nước từ Nhà máy nước Sông Đà về Thủ đô là độc đạo nên khi xảy ra sự cố là tê liệt toàn hệ thống này với sản lượng cung cấp chiếm tới 30% nguồn nước cung cấp cho toàn thành phố. Do đó, tác động và ảnh hưởng của tuyến dẫn nước này rất lớn. Nhưng sau tới chín lần vỡ đường ống, đến thời điểm này không ai dám khẳng định sự cố đã được kiểm soát hay vẫn còn tiếp diễn.

Bởi vậy, việc xây dựng khẩn cấp một tuyến ống mới như một giải pháp trước mắt để bảo đảm an toàn cấp nước cho thành phố Hà Nội. Sau này, khi có tuyến số 2 của Vinaconex thì cũng vẫn có thể sử dụng để truyền tải lượng nước dư thừa của Nhà máy nước sông Đà và sử dụng cho Nhà máy nước mặt sông Hồng đang chuẩn bị đầu tư. Việc đầu tư thêm tuyến ống mới hoàn toàn không lo chồng chéo và lãng phí.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục, tuyến ống dẫn nước sông Đà dài 47km, trong đó 20km đầu từ nhà máy về đến Quốc lộ 21 có địa hình ổn định nên không có sự cố. Cả chín lần vỡ ống đều xảy ra ở đoạn chạy trên Đại lộ Thăng Long, do đó Hà Nội dự kiến làm khoảng 30km ống mới từ Quốc lộ 21 về đến Vành đai 3. Tuyến đường ống mới sẽ chạy nổi song song với tuyến đường ống cũ, nằm về phía Bắc Đại lộ Thăng Long và hoàn toàn nằm trong quy hoạch nước sạch của Thủ đô.

Sau khi hệ thống cấp nước sạch sông Đà được mở rộng, hoàn thiện giai đoạn hai, hệ thống đường ống này sẽ đấu nối với Nhà máy nước mặt sông Hồng. Tuyến đường nước mới do thành phố đầu tư sẽ chủ động cấp nước sạch cho 70.000 hộ dân với công suất 100.000m3 nước/ngày đêm, góp phần giảm tải cho đường ống nước sông Đà hiện nay (còn khoảng 200.000m3/ngày đêm).

Hiện vật liệu thi công có hai phương án được đề xuất là ống thép hoặc ống HDPE. Tuy nhiên, ông Lê Văn Dục cho rằng đường ống HDPE khả thi hơn bởi có khả năng chống ăn mòn chất lượng cao. Công nghệ đường ống nước HDPE được chế tạo ra từ polyethylene mật độ cao, có khả năng kháng khuẩn, đã sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới với độ bền cao hơn so với những loại ống nước khác.

Đường ống mới sau khi nghiệm thu sẽ bàn giao cho một đơn vị chuyên nghiệp khai thác quản lý và mua nước từ đầu ống dẫn nước của Vinaconex. Khi đó, Hà Nội chỉ mua nước của Vinaconex từ khu vực đường 21 thay vì từ đường Vành đai 3 như trước đây. Ước tính chi phí cho đoạn tuyến ống mới với độ dài gần 30km này là khoảng 1.000 tỷ đồng. Việc san tải cho tuyến ống mới được kỳ vọng sẽ hạn chế sự cố vỡ tuyến ống cũ của Vinaconex.

Tuy nhiên, do tuyến ống mới chỉ đảm bảo công suất dẫn 100.000m3/ngày đêm nên việc đầu tư hệ thống cấp nước giai đoạn hai của Nhà máy nước Sông Đà vẫn cần được tiến hành để nâng công suất cấp nước lên 600.000m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô.

Cần “chọn mặt gửi vàng”

Đầu tư cho các dự án cấp nước đòi hỏi một nguồn kinh phí rất lớn và trong điều kiện hiện nay, việc xã hội hóa nguồn vốn cho các dự án cấp thoát nước được xem như một lựa chọn tối ưu. Bởi vậy, ở giai đoạn triển khai, dự án nước sông Đà lựa chọn nhà đầu tư theo hướng huy động nguồn vốn xã hội hóa, thực hiện theo hình thức BOO (xây dựng-sở hữu-kinh doanh), sử dụng nguồn vốn tự có của doanh nghiệp và vốn vay thương mại. Sau khi dự án hoàn thành, nhà máy nước hoạt động tốt nhưng đường ống dẫn thì có vấn đề.

Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng cũng không nên vì thế mà giao toàn quyền cho chủ đầu tư “vừa đá bóng, vừa thổi còi” như trường hợp của Vinaconex thời gian qua khiến chất lượng công trình không đảm bảo. Với các công trình có mức độ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân thì nên tính toán kỹ về năng lực của cả chủ đầu tư lẫn nhà thầu theo kiểu “chọn mặt gửi vàng” và cho dù dự án sử dụng nguồn vốn nào thì cũng phải được giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước theo quy định của Luật Xây dựng mới vừa được Quốc hội thông qua.

Phó Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Thịnh cũng khẳng định, ngoài việc đảm bảo cấp nước cũng phải tính toán đến yếu tố nguồn lực và hiệu quả kinh tế. Trước mắt phương án được ưu tiên hơn cả là sẽ xây dựng ngay đường ống nước mới bởi theo quy hoạch thì sau này trên tuyến Đại lộ Thăng Long sẽ phải xây dựng tổng cộng bốn đường ống cấp nước.

Tuy nhiên, tuyến đường ống dẫn nước sông Đà giai đoạn hai sẽ được thành phố tăng cường giám sát; trong đó đặc biệt xem trọng chất lượng vật liệu sử dụng để bảo đảm sự ổn định khi truyền dẫn với nguồn nước áp lực cao, tránh những sự cố vỡ đường ống nước như thời gian vừa qua.

Về phía Vinaconex cũng cho biết đang nghiên cứu để xây dựng tuyến ống số 2 với phương án sử dụng đường ống thép, công nghệ Nhật Bản. Bên cạnh đó còn có tuyến ống nước “cấp cứu” để khi đường ống hiện nay vỡ thì đường ống “cấp cứu” sẽ phát huy tác dụng. Nhưng cả hai phương án này đều đang phải cân nhắc kỹ đến hiệu quả kinh tế.

Để khắc phục các yếu điểm của giai đoạn một, Tổng giám đốc Vinaconex Vũ Quý Hà dự kiến giai đoạn hai của đường dẫn nước sông Đà sẽ sử dụng ống kim loại có độ bền cao hơn và đạt tiêu chuẩn về nước sạch. Hiện Vinaconex cũng đã thu xếp tín dụng cho dự án tuyến ống số 2 và có thể khởi công ngay trong tháng Chín. Trong đó, Vinaconex đã tính đến phương án có thể thi công trước 10km (đoạn thường xuyên xảy ra sự cố) trong khoảng thời gian bốn tháng.

Có một thực tế đang đặt ra là giá thành nước sạch hiện vẫn thấp hơn so với chi phí sản xuất nên các doanh nghiệp thuộc nhóm này vẫn đang được bù giá để cân bằng. Với doanh nghiệp như Vinaconex, số tiền bù lỗ mỗi năm ước tính khoảng 50 tỷ đồng bởi giá thành sản xuất nước sạch của đơn vị này cao hơn so với giá bán ra. Trong khi đó, với chín lần sửa chữa sự cố vừa qua, số tiền chi phí cũng lên tới khoảng 10 tỷ đồng.

Trong kết luận của Bộ Xây dựng về nguyên nhân gây ra sự cố vỡ đường ống dẫn nước sông Đà, ông Lê Quang Hùng - Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng, cũng đã khẳng định Vinaconex cũng như nhà thầu thiết kế, thi công, nhà sản xuất đường ống, công ty vận hành tuyến ống phải chịu trách nhiệm về chất lượng đường ống, trách nhiệm về sự cố xảy ra, trách nhiệm về việc vận hành đường ống, trách nhiệm khắc phục sự cố và cấp nước theo đúng sơ đồ thiết kế.

Với kết luận này thì các khoản kinh phí Vinaconex chi cho việc sửa chữa sự cố đường ống nước sẽ được tính toán như thế nào? Liệu giá nước có đang phải gánh cả những chi phí của những đợt sửa chữa vừa qua và khoản tiền này có nằm trong con số báo lỗ để hưởng bù giá của thành phố hay không? Đây vẫn là những câu hỏi mà người dân chờ giải đáp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục